Khánh Sơn (Khánh Hòa) Cân Nhắc Với Cây Tiêu
Hiện nay, hồ tiêu tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang được mùa, được giá. Người dân đang có xu hướng phá bỏ các diện tích sản xuất kém hiệu quả để trồng tiêu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ồ ạt có thể tiềm ẩn những hậu quả khác…
Tiêu được giá, phá đất làm thêm
Lâu nay, hồ tiêu không nằm trong danh mục quy hoạch phát triển cây trồng của Khánh Sơn. Song hiện nay Khánh Sơn đã có khoảng 42ha hồ tiêu, chủ yếu là do người dân trồng tự phát. Vốn đầu tư ban đầu để trồng tiêu khá lớn, khoảng 60 - 70 triệu đồng/sào, sau khoảng 3 - 4 năm mới cho thu hoạch. Nhưng bù lại, lãi ròng rất lớn nếu được giá.
Hiện nay vì giá tiêu tăng cao nên nhiều người dân có thu nhập cao. Ông Đinh Văn Thục (thị trấn Tô Hạp) trồng 2 sào tiêu từ năm 2000 cho biết, 14 năm qua, đã có thời điểm giá tiêu xuống còn 18.000 đồng/kg, nông dân trắng tay. Song 4 năm trở lại đây, giá tiêu tăng liên tục từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, có khi lên 180.000 đồng/kg.
Ông Thục vui mừng: “Mấy năm nay, giá tiêu ổn định, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 130 - 140 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi hơn 120 triệu đồng. Hiện tôi đang đúc trụ trồng tiêu để thay diện tích sầu riêng”.
Ông Phạm Hữu Cầu (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) cho biết: “Năm ngoái, tôi chỉ trồng 1 sào, lãi được 70 triệu đồng. Năm nay, tôi tăng diện tích thêm 1,5 sào, thu hoạch chắc khoảng 130 triệu. So với nhiều loại cây trồng khác, tiêu hiệu quả hơn nhiều nên tôi định phá vườn mít nghệ để trồng hồ tiêu”.
Trước việc tiêu được giá, nhiều người dân có xu hướng chuyển đổi các loại cây trồng khác sang trồng tiêu. Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, bên cạnh những hộ tự bỏ vốn đầu tư, nhiều hộ tại Sơn Bình, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc đã đăng ký cây giống.
Chưa nắm vững kỹ thuật
Người dân thấy lợi thì làm, nhưng để tránh hiện tượng “được mùa mất giá” cũng như phát triển cây tiêu một cách bền vững, Nhà nước hẳn sẽ phải có định hướng. Song trước mắt, điều mà người dân cần là kiến thức về cây trồng này vì tiêu không dễ trồng, nhiều sâu bệnh. Việc phát triển tiêu ồ ạt mà chưa nắm vững kỹ thuật sẽ khiến nông dân thiệt hại nặng. Chẳng hạn ở Sơn Bình, nhiều diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết chậm do thối rễ.
Bà Lê Thị Thu Hiền (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) cho biết: “Tôi trồng tiêu từ năm 2009 nhưng đến giờ cũng không biết làm gì khi tiêu rụng lá, quả non hay bị sâu bệnh, chết dần. Tôi rất mong được hướng dẫn quy trình canh tác, cách phòng tránh sâu bệnh, được phổ biến khoa học kỹ thuật về loại cây này”. Còn vườn tiêu của nhà ông Lê Văn Nho (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình), từ năm 2013, cây bị thối rễ, thân và lá khô dần, đến nay thì mất trắng vì không biết cách chăm sóc.
Theo ông Tô Thái Nê, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bón quá nhiều phân và không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch. Ngoài ra, việc tái canh trên diện tích tiêu bị sâu bệnh mà không xử lý mầm bệnh cũng mang lại nhiều rủi ro.
Cần tính toán kỹ
Trước xu thế “nhà nhà trồng hồ tiêu” này, ông Nguyễn Minh Thành, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Thời gian tới, Trạm sẽ tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật canh tác cây tiêu. Đồng thời, Trạm sẽ lai tạo tiêu rừng Amazon với tiêu địa phương để tạo ra nguồn giống đảm bảo chất lượng, hạn chế hiện tượng chết chậm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất”.
Đề cập việc người dân muốn phá bỏ các cây trồng khác để trồng hồ tiêu, ông Thành khuyến cáo: “Hồ tiêu là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, song rủi ro cũng không ít. Người dân cần tính toán kỹ, không nên ồ ạt đầu tư phát triển diện tích trồng tiêu quá gấp, quá nhiều nhằm hạn chế rủi ro”.
Related news
Qua tham quan, học tập các mô hình làm kinh tế ở nhiều địa phương khác, anh cải tạo diện tích đất vườn tạp để lên liếp trồng màu. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, nên cây màu của gia đình anh Sơn phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất khá, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước.
“Chúng tôi khẳng định các công ty Việt Nam không bán phá giá mặt hàng filet cá tra, cá ba sa đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ. Việc Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với những mặt hàng này là không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, không phù hợp với quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây sapô lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay sapô đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây sapô. Tới đây, diện tích trồng sapô của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định.
Báo cáo kết quả sản xuất lương thực trong năm, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt gần 1,37 triệu tấn (đạt trên 103% kế hoạch đề ra). Trong đó, đối với cây lúa, diện tích gieo trồng cả năm trên 230.605 ha, năng suất bình quân 58,77 tạ/ha (tăng 1,53 tạ/ha so với năm 2013), sản lượng trên 1,35 triệu tấn; cây lương thực có hạt (chủ yếu là cây bắp) xuống giống trên 4.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 14 nghìn tấn.
Hiện nay các địa phương trong tỉnh chuẩn bị các điều kiện về giống, đất đai để xuống giống vụ đông xuân 2014 – 2015. Năm nay do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, lượng mưa các tháng tới có khả năng thiếu hụt. Để đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ đông xuân sắp tới, một trong những giải pháp cần tập trung là tăng cường công tác phòng, chống hạn…