Khai Thác Không Hiệu Quả, Nhiều Tàu Cá Nằm Bờ
Phú Yên hiện có gần 1.000 tàu cá đang nằm bờ, trong đó có khoảng 670 tàu khai thác xa bờ, nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, giá bán thủy sản thấp, không ổn định nên có hơn 80% tàu thuyền khi về bến bị lỗ vốn. Để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, các ngành chức năng và địa phương ven biển Phú Yên đang tập trung chỉ đạo hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân…
NHIỀU TÀU CÁ NẰM BỜ
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 7.300 tàu cá các loại, trong đó có khoảng 1.200 tàu có công suất từ 90CV trở lên chuyên khai thác ở vùng biển khơi, riêng nghề câu cá ngừ đại dương có 660 tàu. Trong nhiều năm qua, nghề câu cá ngừ đại dương đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương của bà con đang gặp phải những khó khăn như chi phí chuyến biển cao nhưng giá bán cá lại thấp, nhiều ngư dân dùng đèn cao áp để đánh bắt đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nên mỗi chuyến biển hiện nay hiệu quả đánh bắt không cao, trong khi đó ngư trường bị tranh chấp nên ngư dân gặp nhiều hiểm nguy…
Ông Võ Đốc, thuyền trưởng, chủ tàu cá PY92691TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Tàu tôi có công suất 160CV, bình quân mỗi chuyến biển từ 25 đến 30 ngày tiêu thụ hết 4.000 đến 5.000 lít dầu diezel và khoảng 800 đến 900 cây đá. Với giá dầu hơn 21.600 đồng/lít, đá cây khoảng 14.000 đồng/cây, cộng tất cả các chi phí cho chuyến biển từ 150 đến 170 triệu đồng. Với giá bán cá ngừ hiện nay khoảng 120.000 đến 130.000 đồng/kg thì mỗi chuyến biển phải đánh bắt trên 1,3 tấn cá loại I thì mới có lãi. Nhưng mấy tháng nay nhiều ngư dân chúng tôi ra khơi đánh bắt không đạt hiệu quả như mong muốn, mỗi chuyến chỉ được từ 1 đến 1,5 tấn, có chuyến chỉ 700kg cá ngừ. Nhiều ngư dân không dám ra khơi vì lỗ tổn”.
Các tỉnh trong khu vực miền Trung hiện có nhiều ngư dân đang đầu tư mua sắm, lắp đặt hệ thống đèn cao áp để khai thác cá ngừ đại dương, có tỉnh lên đến hàng nghìn tàu như Bình Định. Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 100 tàu khai thác cá ngừ đại dương bằng phương pháp kết hợp đèn cao áp. Việc sử dụng đèn cao áp đã làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, số lượng cá ngừ đại dương bị đánh bắt ngày càng nhiều, trong khi giá bán chỉ 40.000 đến 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác trên địa bàn tỉnh khoảng 26.450 tấn thủy sản các loại, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 3.900 tấn, giảm so với cùng kỳ năm trước hơn 22%. Nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, giá bán thủy sản thấp, không ổn định nên có hơn 80% tàu thuyền bị lỗ vốn, hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân đang gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 4/2013 đến nay, nhiều tàu cá của ngư dân phải nằm bờ, chưa dám tổ chức hoạt động khai thác tiếp. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 1.000 tàu cá đang nằm bờ, trong đó có khoảng 670 tàu khai thác xa bờ và 325 tàu hành nghề lưới kéo (chủ yếu khai thác vùng biển gần bờ).
TIẾP TỤC HỖ TRỢ NGƯ DÂN BÁM BIỂN
Theo ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), nghề đánh bắt trên biển là một trong những nghề rất nhọc nhằn nhưng ngư dân không thể bỏ được. Vì bao đời nay, đa số ngư dân chỉ tập trung bám biển để mưu sinh, không có nghề nào khác. Ra khơi là chuyện phải tiếp tục, nhưng lượng thủy sản ngày càng giảm, đi đến ngư trường xa thì bị tranh chấp và bị tàu nước ngoài cản trở, khiến ngư dân ngày càng lâm vào tình trạng khó càng thêm khó.
Sau chuyến đi biển dài ngày, nếu tàu cập bến mà không đủ phí tổn thì ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, vì trước khi ra khơi họ phải vay mượn khắp nơi. Nếu ra khơi mà gặp vấn đề thời tiết xấu hoặc máy móc bị trục trặc không thể duy trì đánh bắt dài ngày được, buộc phải vào bờ thì chỉ cần hai chuyến như vậy là phải bán tàu để trả nợ. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân tiếp tục bám biển, tiếp tục làm ăn mưu sinh từ biển.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Hiện Chính phủ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 657 tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Qua 2 năm (2011-2012) triển khai thực hiện chính sách này, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho gần 2.200 chuyến biển, trang bị hơn 320 máy thông tin liên lạc của các tàu thuyền đủ điều kiện và trang bị một trạm thông tin liên lạc bờ với số tiền hơn 63,7 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 420 hồ sơ được trình để UBND tỉnh xem xét, ra quyết định hỗ trợ cho ngư dân.
Để giải quyết những khó khăn hiện nay của ngư dân, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự đã chỉ đạo: giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các địa phương ven biển nắm lại tình hình khó khăn của ngư dân, số lượng tàu thuyền đang nằm bờ… có báo cáo cụ thể để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Lực lượng chức năng cần vận động ngư dân không dùng đèn cao áp để khai thác thủy sản, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ thương hiệu cá ngừ Phú Yên; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác.
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn 20 năm gắn bó với cây điều, anh đã tìm tòi, nghiên cứu phương pháp ghép mới. Anh lấy chồi của những cây điều sai trái ghép vào các cây điều già. Chồi ghép trên thân cây điều già phát triển rất tốt. Sau khoảng 9 tháng đã cho trái.
Ông Hoàng Văn Lập cho biết: “Tôi bắt đầu trồng đậu phộng dại trong vườn tiêu từ mùa mưa năm 2009, lúc đầu tôi chỉ trồng thử nghiệm 2 ngàn m2. Tôi nhận thấy trồng đậu phộng dại giúp giữ ẩm cho tiêu, cả tuần không tưới mà cây tiêu vẫn tươi tốt không bị héo. Thấy hiệu quả nên tôi đã trồng hết toàn bộ diện tích vườn 1,5 hécta còn lại vào mùa mưa năm 2010 đến nay”.
Trong đó, có 152 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ, nhất là khu vực gần quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Nghề biển đã giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hơn 1.700 lao động vùng biển.
Đến nay có 6/14 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch ngưng xuất hàng do thua lỗ. Còn mặt hàng cao su giảm đến 78,53% về kim ngạch và giảm 40,22% về lượng, hiện đơn vị chủ lực của tỉnh đang tồn kho khoảng 3.000 tấn mủ. Riêng mặt hàng nhân hạt điều giảm 52,43% về kim ngạch và giảm 41,41% về lượng, nguyên nhân do thời gian qua giá cả biến động và thị trường bị thu hẹp.
Chưa có năm nào giá gừng cao như năm nay. Đầu vụ tháng 2/2014, bán tại vườn 40.000 đ/kg, sang trung tuần tháng 6 đã lên tới 80.000 đ/kg.