Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khắc khoải làng cá cơm

Khắc khoải làng cá cơm
Ngày đăng: 01/07/2015

Dấu ấn một thời

Lão ngư Bùi Hữu Nghĩa (70 tuổi, khu phố 5, phường Mũi Né), người có thâm niên nhiều năm làm nghề chế biến cá cơm hấp phơi khô kể lại: “Nghề khai thác cá cơm nơi đây đã có truyền thống từ trước giải phóng, nhưng nghề làm cá cơm hấp thì xuất hiện khoảng từ năm 1997. Khi ấy, cá cơm nhiều vô kể, người dân làm nước mắm không hết nên đem cá đi hấp rồi phơi để tăng thêm thu nhập”.  Giai đoạn này, con cá cơm khô, thơm mùi của biển của làng chài Mũi Né nức tiếng thơm ngon, không những được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước mà còn được xuất khẩu.

Theo đà phát triển, những lò chế biến cá cơm nơi đây thi nhau mọc lên để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề biển, ông Nghĩa cho biết, mùa cá cơm ở đây bắt đầy từ tháng ba đến tháng tám âm lịch, có giai đoạn tàu thuyền chỉ cần ra khơi khoảng một hải lý, nếu may mắn gặp luồng cá thì một mẻ lưới có thể kiếm được hàng tấn cá cơm. Trong ký ức của dân làng chài Mũi Né, giai đoạn thịnh vượng của nghề chế biến cá cơm có đến hàng trăm cơ sở chế biến cá cơm hấp, lao động khắp nơi đổ về làm thuê, không khí rất nhộn nhịp.

Như tại lò chế biến cá cơm của bà Cẩm (khu phố 8, phường Mũi Né), nơi được mệnh danh có sản phẩm cá cơm khô ngon nức tiếng trong vùng khi ấy lúc nào gia đình bà cũng có trên 20 lao động làm việc thường xuyên mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Bà Cẩm nhớ lại: “Giai đoạn khoảng trước năm 2005, làng chài lúc nào cũng đông vui, có khi cá cơm cập bờ quá nhiều nên mọi người phải làm cả ngày đêm. Thu nhập của cơ sở và cả lao động khá lắm!”.

Nguy cơ mai một

“Thế rồi, vài năm gần đây, làng nghề cá cơm Mũi Né bỗng im ắng hẳn. Nhiều cơ sở bỏ nghề, lao động cũng không gắn bó nổi với các lò chế biến, cá cơm làm ra cũng rất khó tiêu thụ” – bà Cẩm tiếp câu chuyện. Về nguyên nhân, lão ngư Nghĩa thẳng thắn nói: “Nghề giã cào bay, dùng thuốc nổ, điện để tận diệt nguồn thủy hải sản đang khiến nghề cá cơm lao đao theo. Cá cơm ngày càng ít đi, rồi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nghề này lại vất vả nên người dân nơi đây cũng không còn mặn mà với nghề này nữa”.

Theo ông Nguyễn Nam Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mũi Né, năm 2010, toàn phường có tới gần 130 cơ sở chế biến cá cơm khô với sản lượng khoảng năm ngàn tấn cá tươi một năm, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng trên dưới hai ngàn lao động. Nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn phường chỉ còn khoảng 80 cơ sở hoạt động với sản lượng khiêm tốn.

Rồi nữa, ngoài chuyện ngư trường đang dần cạn kiệt, giá thành thứ gì cũng tăng thì cách làm của chúng ta còn quá lạc hậu nên chất lượng cá cơm chưa đạt tiêu chuẩn để vươn ra thị trường nước ngoài nên nhiều cơ sở chế biến đã không thể trụ nổi. Hiện tại, sản phẩm cá cơm hấp phơi khô Mũi Né chủ yếu được xuất qua Trung Quốc, nhưng người dân thường xuyên bị thương lái ép giá, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào phía bên họ.

Nỗ lực cứu làng nghề

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Long cho biết, chính quyền sở tại cũng đang rất đau đầu về vấn đề này, nhưng hướng giải quyết cụ thể, lâu dài thì đang gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, có một điều khiến nhiều người tiếc nuối cho làng nghề cá cơm nơi đây, đó là với vị trí làng nghề vô cùng thuận lợi khi nằm sát ngay cạnh thiên đường du lịch nổi tiếng Mũi Né, nhưng lại không khai thác được du lịch gắn với làng nghề truyền thống của địa phương. Mặc dù, theo ông Long, địa phương cũng đang tìm mọi cách để đầu tư làng nghề và tìm hướng đi thích hợp để các làng nghề truyền thống phát triển gắn với du lịch theo hướng bền vững.

Nhưng làm thế nào, bắt đầu từ đâu thì lại là một câu hỏi khó. Như vậy, nên chăng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá cơm để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nhằm giúp bà con bán được giá, sản phẩm có sức cạnh tranh. Đồng thời, chính quyền cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân có biện pháp thay đổi được hình thức sản xuất theo hướng hiện đại để cá cơm có nhiều sản phẩm phong phú, đáp ứng được với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Rồi nữa, xu hướng du lịch trải nghiệm cộng đồng, gần với người dân đang ngày càng nở rộ, thì việc làng nghề cá cơm Mũi Né sẽ trở thành điểm đến lý thú của du khách là điều hoàn toàn có thể nếu được chính quyền và ngư dân quan tâm đầu tư. Bởi, khi làng nghề được vực dậy sẽ giải quyết được công ăn việc làm ở khu vực nông thôn, đồng thời giữ được cái hồn và nét văn hóa truyền thống của làng nghề.


Có thể bạn quan tâm

Cách Loại Bỏ Tôm Bột Yếu Cách Loại Bỏ Tôm Bột Yếu

Số tôm chết sau khi thả nuôi có thể là cao nếu như đàn tôm giống thả có chất lượng kém. Con giống chất lượng tốt thường không đủ nên người nuôi thường thả nhiều tôm hơn lượng cần thả để trừ hao.

23/02/2014
Nhật Bản Kiểm Tra Chỉ Tiêu Oxytetracyline Với 100% Lô Tôm NK Từ Việt Nam Nhật Bản Kiểm Tra Chỉ Tiêu Oxytetracyline Với 100% Lô Tôm NK Từ Việt Nam

Ngày 20/3/2014, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã có công văn số 51/2014/CV-VASEP gửi Tổng cục Thủy sản thông báo về việc Nhật Bản kiểm tra chỉ tiêu Oxytetracyline với 100% lô tôm NK từ Việt Nam.

22/03/2014
Tôm Sinh Thái Cần Một “Cú Hích” Mạnh Mẽ Hơn Tôm Sinh Thái Cần Một “Cú Hích” Mạnh Mẽ Hơn

Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, mô hình tôm sinh thái của Cà Mau đang mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng rừng ngập mặn. Tuy đã có nhiều bước tiến đáng kể nhưng trên thực tế mô hình này vẫn chưa thật sự mang lại lợi ích cho người dân như mục tiêu ban đầu đặt ra.

22/03/2014
Hà Nội Kiểm Soát Chặt Chẽ Việc Nhập Khẩu Cá Tầm Hà Nội Kiểm Soát Chặt Chẽ Việc Nhập Khẩu Cá Tầm

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thuỷ sản giống, thuỷ sản nhập khẩu, đặc biệt là cá tầm.

22/03/2014
Thu Hút FDI Trong Chăn Nuôi Còn Khó Khăn Thu Hút FDI Trong Chăn Nuôi Còn Khó Khăn

Ưu đãi thấp, rủi ro dịch bệnh, đầu ra không ổn định… là những yếu tổ cản trở đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm ở Việt Nam

22/03/2014