Thăng Trầm Với Gừng Vùng Núi
Là địa phương có thế mạnh về trồng gừng, nhiều nông dân ở thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn - An Giang) vẫn kiên trì bám núi theo nghiệp trồng gừng, dù giá cả lên xuống thất thường.
Có trên 10 năm với nghề trồng gừng, anh Lê Văn Mẩn (ngụ khóm An Hòa A, thị trấn Ba Chúc) cho biết: “Nghề này chịu theo và biết cách trồng đúng kỹ thuật thì cuộc sống cũng tương đối ổn định. Gia đình tôi có 4 công gừng, mỗi công tôi trồng khoảng 1-2 tấn gừng giống, giá mua khoảng 16.000 đồng/kg. Nếu chăm sóc tốt và phòng ngừa bệnh kịp thời, có khi mỗi công thu hoạch đến 6-7 tấn gừng. Trừ mọi chi phí, tôi lời từ 50 triệu - 70 triệu đồng/công”.
Anh tâm sự tiếp bằng giọng trầm buồn: “Thấy vậy chứ đôi lúc nông dân chúng tôi cũng vất vả với giá gừng lắm! Năm nay nhờ giá gừng cao, có thời điểm gừng “đội giá” lên 27.000 đồng/kg, rồi giữ mức 16.000 đồng/kg đến hết mùa. Còn năm rồi, giá gừng tụt thê thảm, chỉ còn khoảng 3.000-4.000 đồng/kg đành chấp nhận lỗ. Đa phần người trồng gừng đều lấy lời năm sau đắp vào bù lỗ cho năm trước.
Do gừng có loại bệnh “thối nhũn” bất trị, hễ miếng đất nào đã bị bệnh đó mà không phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì bệnh sẽ lây lan toàn bộ diện tích trồng gừng. Mỗi đợt gừng thất thu, chúng tôi đều vay mượn vốn để có thể tiếp tục với nghề”. Bấp bênh là vậy, nhưng anh khẳng định: “Không bỏ được vì nghề này cha truyền con nối, dù có khó khăn nhưng nó đã trở thành cái “nghiệp” rồi”.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng gừng, anh Mẩn bật mí nên trồng luân canh gừng với các loại hoa màu khác. Nếu đất không bị nhiễm bệnh, thì một năm sau có thể trồng gừng tiếp. Còn đất đã bị nhiễm bệnh, phải đợi đến 3-4 năm sau mới nên trồng gừng lại.
Cũng mưu sinh từ gừng nhưng thương lái có thu nhập ổn định hơn người trồng gừng. Chị Hà Thị Cám (sinh năm 1966, ngụ ấp Tà Lọt, xã An Hảo, Tịnh Biên), có thâm niên thu mua gừng trên 20 năm, hồ hởi cho biết: “Bình quân mỗi ngày, tôi thu mua khoảng 2 tấn gừng để bán sang Campuchia. Trừ mọi chi phí, mỗi tấn tôi thu lợi nhuận từ 1 triệu - 2 triệu đồng. Gừng núi có ưu thế là củ to, màu sắc đẹp nên được ưa chuộng hơn gừng đồng bằng”.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc Võ Văn Phúc, việc trồng gừng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu gặp mưa nhiều mà không thoát nước kịp thì gừng dễ bị thối. “Để hạn chế bệnh thối củ gừng, chúng tôi thường khuyến cáo bà con nên chọn mua giống gừng tốt, không bị bệnh và luân canh đất trồng, không nên trồng gừng trên đất cũ.
Ngoài ra, giá gừng lên xuống thất thường cũng đang là một thách thức lớn đối với địa phương. Việc tìm đầu ra giúp nông dân yên tâm sản xuất luôn là vấn đề trăn trở của nhiều người. Chúng tôi đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhưng do điều kiện cơ sở hạ tầng không có và địa hình không thuận lợi nên chưa thu hút được.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất quan tâm đến nông dân bằng cách hỗ trợ vốn những trường hợp khó khăn. Song song đó, địa phương cũng mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu nhằm tìm ra cách trị bệnh thối nhũn ở gừng để bảo đảm hiệu quả sản xuất của người trồng”.
Có thể bạn quan tâm
Chưa kể sản phẩm chủ lực là sầu riêng VietGAP, riêng trồng mít xen canh theo kiểu quanh năm ngồi “rung đùi”, anh Tùng cũng kiếm hơn 100 triệu đồng nhờ cơ giới hóa.
Là phụ nữ dân tộc Dao không biết chữ, nhưng với cách nghĩ, cách làm mạnh dạn, sáng tạo, chị Triệu Thị Tá ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tạo dựng cho mình thương hiệu miến dong nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Từ một hộ nghèo, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang chăn nuôi đa canh, ông Nguyễn Đình Lâm ở thôn 3/2B, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, Hoà Bình đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Trang trại của ông còn tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Sau khi chuyển đổi thành công từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang mô hình trồng rong nho biển, anh Nguyễn Văn Dỗng lãi ròng mỗi năm 300 triệu đồng.
Một cơ sở sản xuất rau ở Long An mỗi ngày cung cấp ra thị trường 300-400kg rau sạch với giá nửa triệu đồng một kg. Cơ sở này trồng rau bằng hệ thống ánh sáng