Hiệu Quả Nuôi Cá Chình Ở Phú Thuận (An Giang)
Cá chình là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhưng lượng cá tự nhiên ngày càng khan hiếm. Nắm bắt được tình hình đó, một số nông dân ở xã Phú Thuận (Thoại Sơn - An Giang) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá chình giống đạt lợi nhuận gấp bội so với nuôi cá thương phẩm.
Là những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi 3 cấp trong nhiều năm liền, ông Phạm Hồng Phúc bắt đầu nuôi cá chình từ năm 2005, sau lần đi tham quan mô hình nuôi cá thương phẩm của người quen ở xã Tân Thành (Cà Mau). Ông đầu tư 2.500m2 diện tích mặt nước trong 2 ao để nuôi cá, giá cá thương phẩm dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/kg. Hằng năm, mô hình nuôi cá chình thương phẩm mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng.
Thấy nguồn giống tự nhiên khan hiếm, ông Phúc và một số nông dân mạnh dạn chuyển sang nuôi cá chình giống cung ứng cho các hộ nuôi cá thương phẩm ở các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…
Theo ông Phúc, nuôi cá chình giống và thương phẩm ở các khâu chăm sóc đều giống nhau, nhưng nuôi cá giống thời gian ngắn, giá cá cao gấp nhiều lần nên lợi nhuận nhiều hơn. Ông Phúc phân tích: “Để tính lợi nhuận cứ trừ chi phí thức ăn so với tỉ lệ tăng trọng của cá. Trung bình cứ 10kg thức ăn sẽ cho 1kg tăng trọng.
Như vậy, trừ chi phí thức ăn, hao hụt, người nuôi chắc chắn sẽ lời ngang với số vốn đầu tư”. Để có năng suất cao, ngoài việc chọn con giống khỏe mạnh, nguồn nước sạch, đầy đủ oxy, cũng cần chú ý về thức ăn. “Thức ăn cho cá chình đơn giản, nhưng quan trọng là phải tươi, có thể tận dụng cá tạp xay nhuyễn, trộn thêm vitamin, men vi sinh… và cho ăn vào buổi chiều mát để cá dễ hấp thụ dinh dưỡng” - ông Phúc nói.
Hiện nay, với diện tích 4 héc-ta mặt nước, ông Phúc thả 150.000 con cá giống. “Nguồn cá giống được thu mua từ tự nhiên ở các tỉnh miền Trung với giá 2.500 đồng/con, khi đó cá nhỏ bằng sợi chỉ. Sau thời gian nuôi từ 6 tháng đến 1 năm, tùy theo nhu cầu thị trường sẽ xuất bán cá giống theo những kích cỡ và giá cả khác nhau. Cá giống khoảng 100 con/kg giá 3 triệu đồng/kg, với 20 con/kg khoảng 1,8 triệu đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu nhập mỗi năm từ 400 – 500 triệu đồng” - ông Phúc cho biết.
Còn với ông Trần Tấn Phong (ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận), bước đầu thành công với mô hình nuôi cá chình giống trong màn lưới nhiều ưu điểm vượt trội. Trước đây, ông cùng với một số anh em hùn vốn đầu tư nuôi 6.000 con cá chình giống trong bồn nhưng cá tăng trưởng chậm.
“Sau khi tìm hiểu về đặc tính, cá chình tăng trưởng tốt phải đảm bảo thức ăn, nước sạch và oxy, tôi nghĩ chuyển sang nuôi trong màn lưới dưới ao sẽ dễ dàng trong khâu chăm sóc và thu hoạch” - ông Phong chia sẻ. Với 2.000 m2 diện tích mặt nước, ông dựng 3 màn lưới, mỗi màn thả 1.000 con giống, mặt dưới cách đáy bùn khoảng 50cm.
Theo ông Phong, nuôi trong màn lưới có nhiều ưu điểm vượt trội, do chủ động được nguồn nước, nguồn oxy, môi trường thông thoáng nên cá tăng trưởng rất nhanh, tỉ lệ hao hụt thấp. Sau 6 tháng nuôi, ông vừa xuất đợt cá giống loại 20 con/kg với giá 1,8 triệu đồng/kg, tỉ lệ hao hụt chỉ khoảng 10%. Thấy kết quả khả quan, ông dự định sẽ đầu tư thêm 4-5 màn lưới ở diện tích mặt nước còn trống trong ao, nhân rộng mô hình.
Ông Vũ Thanh Huyền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn cho biết: “Đây là mô hình nuôi trồng thủy sản mới, Hội Nông dân và Phòng Nông nghiệp phối hợp theo dõi, đánh giá hiệu quả, nhân rộng đối với những khu vực xã, thị trấn có điều kiện nuôi tương tự”.
Có thể bạn quan tâm
Thuốc thú y, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản là những loại vật tư quan trọng quyết định hiệu quả của vụ nuôi thủy sản.
Để tận dụng thế mạnh, phát triển ổn định bền vững ngành thuỷ sản, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại hai khu vực: Đảo Hoi với diện tích 200ha và Bản Sen 1.000ha, đây là hai khu vực nuôi nhuyễn thể lớn nhất của huyện.
Thu hoạch tỉa, tiến đến thu hoạch thủy sản đại trà đang được người dân triển khai nhằm tránh thiệt hại do bão, lũ.
Hiện nay, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã thu hoạch được 513 ha tôm với sản lượng thu hoạch gần 2.000 tấn tôm thương phẩm
Với tổng cộng 345 hộ nuôi cá lồng/435 lồng cá, nghề nuôi cá lồng trên sông Son được xem là hướng phát triển kinh tế ổn định của xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) khi đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân...