Khá Lên Nhờ Nuôi Gà Thịt Theo Kiểu Mới
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều năm bươn chải nơi “đất khách quê người”, năm 2013 chị Bùi Thị Thu Nguyệt (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) quyết về quê hương lập nghiệp bằng việc nuôi gà ta thả vườn theo cách mới.
Tận dụng khoảng vườn rộng hơn 3 sào của gia đình để phát triển kinh tế trang trại, với 4.000 con gà giống ban đầu, chị Nguyệt chọn cách nuôi theo kiểu “chẳng giống ai”: vừa chuồng vừa thả.
Ban đầu, gà con được chị nhốt trong chuồng và cho ăn cám công nghiệp, khi được 42 ngày tuổi thì ngừng hẳn việc dùng loại thức ăn này và chuyển sang cho ăn bắp, chuối, cộng với những phế phẩm nông nghiệp sẵn có. Một loại thực phẩm được chị tìm hiểu, lựa chọn để làm thức ăn cho gà là bã bia tươi.
Theo chị tính toán, so với cám (có giá 6.000 đồng/kg), thì giá mỗi ký bã bia chỉ 1.000-1.200 đồng, rẻ hơn nhiều, nhưng khá giàu dinh dưỡng, dễ hấp thụ, giúp gà mau lớn. Cũng từ thời điểm này, gà sẽ được thả rông ra mảnh vườn rộng được rào chắn xung quanh để chúng tự do “rong chơi”và vận động cho thịt săn, chắc.
Đã thành thói quen, cứ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều là khoảng thời gian cửa chuồng được mở để đàn gà đi lại tìm kiếm thức ăn có sẵn vốn giàu dinh dưỡng trong đất. Nhờ biết chọn giống tốt lại được ăn thức ăn do chính gia đình chế biến như: chuối, khoai lang, cây môn… nên gà nhanh lớn.
Ngoài việc bảo đảm môi trường vệ sinh, nguồn thức ăn sạch thì việc tiêm phòng dịch cho gà được chị theo dõi rất kỹ lưỡng nên tránh được các loại dịch bệnh, đàn gà của chị vẫn mau lớn và bán được giá cao. Từ hướng đi đúng, mỗi lứa bán đi, chị lại tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.
Chị Nguyệt cho biết, với đặc điểm dễ chăm sóc, đầu tư ít vốn và tận dụng được nguồn thức ăn từ nguồn phụ phế phẩm có sẵn của gia đình, gà ta đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao; hơn nữa, gà được thả ra vườn, có khoảng thời gian vận động nhất định nên thịt săn chắc, khiến nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Với chỉ 3,5- 4 tháng, chị đã có lứa gà thịt xuất chuồng, giá bán trên 85.000 đồng/kg. Lứa gối lứa, tháng nào trang trại chị cũng có gà thịt xuất chuồng, trung bình mỗi tháng chị cung cấp ra thị trường trên 1.000 con, trừ hết chi phí, thu về từ 50 - 60 triệu đồng/ tháng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình với mức thu nhập khá cao mà chị Nguyệt còn giới thiệu cho các đoàn viên ở địa phương đến tham quan, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho những ai có nhu cầu. Anh Trần Đăng Chỉnh, Bí thư Đoàn xã Ea M’nang cho biết, mô hình chăn nuôi của chị Nguyệt là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho các đoàn viên thanh niên ở địa phương.
Sắp tới, chị Nguyệt còn có ý định mở rộng quy mô chuồng trại để trồng cỏ nuôi bò. Đoàn cũng sẽ tạo điều kiện để chị Nguyệt tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, làm tấm gương sáng cho đoàn viên khác noi theo.
Có thể bạn quan tâm
Mùa nước nổi kéo theo nhiều tôm cá đổ về nội đồng, cũng là thời điểm nông dân tạm gác cuốc cày để thả lưới giăng câu. Nhưng năm nay, đã bước vào trung tuần tháng 7 âm lịch, nhiều cửa hàng bán ngư cụ vẫn thưa khách.
Mùn cưa cây cao su là nguyên liệu chính để trồng nấm sò, sau khi dùng xong, thải ra, ông Đỗ Đình Hòa ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định) tái sử dụng trồng nấm rơm có hiệu quả cao.
Cách trung tâm Thủ đô gần 30 km, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được biết đến bởi mô hình trồng rau hữu cơ giúp nông dân đổi đời với những cánh đồng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/tháng.
Nghề nuôi con cá “tỷ đô” này đã trải qua nhiều thăng trầm, không ít nông dân nuôi cá thua lỗ phải “bỏ ao” nhưng hàng năm ông Năm Đời vẫn lời bạc tỷ và trở thành người giàu nhất ở xứ cù lao Tân Phong.
Sáng 25/8, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban quản lý các chợ tiến hành kiểm tra xử lý nghiêm hành vi mua bán cá non tại các điểm chợ trên địa bàn thành phố Cà Mau.