Khá Lên Nhờ Nuôi Gà Thịt Theo Kiểu Mới
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều năm bươn chải nơi “đất khách quê người”, năm 2013 chị Bùi Thị Thu Nguyệt (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) quyết về quê hương lập nghiệp bằng việc nuôi gà ta thả vườn theo cách mới.
Tận dụng khoảng vườn rộng hơn 3 sào của gia đình để phát triển kinh tế trang trại, với 4.000 con gà giống ban đầu, chị Nguyệt chọn cách nuôi theo kiểu “chẳng giống ai”: vừa chuồng vừa thả.
Ban đầu, gà con được chị nhốt trong chuồng và cho ăn cám công nghiệp, khi được 42 ngày tuổi thì ngừng hẳn việc dùng loại thức ăn này và chuyển sang cho ăn bắp, chuối, cộng với những phế phẩm nông nghiệp sẵn có. Một loại thực phẩm được chị tìm hiểu, lựa chọn để làm thức ăn cho gà là bã bia tươi.
Theo chị tính toán, so với cám (có giá 6.000 đồng/kg), thì giá mỗi ký bã bia chỉ 1.000-1.200 đồng, rẻ hơn nhiều, nhưng khá giàu dinh dưỡng, dễ hấp thụ, giúp gà mau lớn. Cũng từ thời điểm này, gà sẽ được thả rông ra mảnh vườn rộng được rào chắn xung quanh để chúng tự do “rong chơi”và vận động cho thịt săn, chắc.
Đã thành thói quen, cứ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều là khoảng thời gian cửa chuồng được mở để đàn gà đi lại tìm kiếm thức ăn có sẵn vốn giàu dinh dưỡng trong đất. Nhờ biết chọn giống tốt lại được ăn thức ăn do chính gia đình chế biến như: chuối, khoai lang, cây môn… nên gà nhanh lớn.
Ngoài việc bảo đảm môi trường vệ sinh, nguồn thức ăn sạch thì việc tiêm phòng dịch cho gà được chị theo dõi rất kỹ lưỡng nên tránh được các loại dịch bệnh, đàn gà của chị vẫn mau lớn và bán được giá cao. Từ hướng đi đúng, mỗi lứa bán đi, chị lại tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.
Chị Nguyệt cho biết, với đặc điểm dễ chăm sóc, đầu tư ít vốn và tận dụng được nguồn thức ăn từ nguồn phụ phế phẩm có sẵn của gia đình, gà ta đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao; hơn nữa, gà được thả ra vườn, có khoảng thời gian vận động nhất định nên thịt săn chắc, khiến nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Với chỉ 3,5- 4 tháng, chị đã có lứa gà thịt xuất chuồng, giá bán trên 85.000 đồng/kg. Lứa gối lứa, tháng nào trang trại chị cũng có gà thịt xuất chuồng, trung bình mỗi tháng chị cung cấp ra thị trường trên 1.000 con, trừ hết chi phí, thu về từ 50 - 60 triệu đồng/ tháng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình với mức thu nhập khá cao mà chị Nguyệt còn giới thiệu cho các đoàn viên ở địa phương đến tham quan, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho những ai có nhu cầu. Anh Trần Đăng Chỉnh, Bí thư Đoàn xã Ea M’nang cho biết, mô hình chăn nuôi của chị Nguyệt là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho các đoàn viên thanh niên ở địa phương.
Sắp tới, chị Nguyệt còn có ý định mở rộng quy mô chuồng trại để trồng cỏ nuôi bò. Đoàn cũng sẽ tạo điều kiện để chị Nguyệt tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, làm tấm gương sáng cho đoàn viên khác noi theo.
Related news
Dự án tôm càng xanh trên địa bàn huyện Tam Nông phát triển được 9 năm, dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Tuy nhiên, quá trình sản xuất đã bộc lộ nhiều khó khăn, nhất là trong năm 2012 chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra sản phẩm không ổn định làm giảm lợi nhuận của người nuôi tôm…
Từ thực tế, anh Thiều Văn Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh) đã bắt tay nghiên cứu mô hình nuôi cua biển trong rừng ngập mặn nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay của hình thức nuôi cua biển trong các ao, đầm nước lợ, vùng cửa sông ven biển, đồng thời bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Thỏ lại là loài vật nuôi có vòng đời sản xuất rất ngắn, nhanh tăng đàn, hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy những ưu điểm đó, Phòng LĐ – TB&XH huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã triển khai mô hình nuôi thỏ cho 30 hộ nghèo ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú, bước đầu đạt kết quả khả quan.
Vài năm gần đây, rất nhiều gia đình ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) chú trọng vào nghề chăn nuôi bò sữa. Nhờ sự cần cù, chịu khó của bản thân, sự hỗ trợ tích cực về vốn lẫn kỹ thuật từ chính quyền địa phương, người dân đã biết cách nuôi bò sữa hiệu quả và đã có cuộc sống no đủ hơn.
Ngày 19/5, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã chủ trì Hội thảo “Sử dụng vi sinh thay thế hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm sạch” với sự tham gia của hơn 400 hộ nuôi tôm các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu.