Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kết thúc vụ nuôi tôm năm 2015 tái diễn điệp khúc được mùa rớt giá

Kết thúc vụ nuôi tôm năm 2015 tái diễn điệp khúc được mùa rớt giá
Ngày đăng: 23/10/2015

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi tôm xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn).

Dịch bệnh giảm, năng suất tăng

Bước vào niên vụ nuôi tôm năm nay, việc nuôi tôm ở tỉnh ta gặp không ít khó khăn do tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt cung cấp cho các vùng nuôi tôm; nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Song, nhờ sự nỗ lực đầu tư, chăm sóc của bà con nuôi tôm, nên năng suất, sản lượng tôm nuôi tăng khá.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Toàn tỉnh đã có 2.223 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm trong cả 2 vụ.

Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đạt gần 470 ha, còn lại là nuôi xen tôm với các đối tượng thủy sản khác.

Đến nay, các địa phương đã thu hoạch được gần 1.721 ha, sản lượng tôm nuôi đạt 4.095 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2014 (TTCT đạt 3.516 tấn, tăng 3,1% và tôm sú đạt 545,8 tấn, tăng 2,8%).

Năng suất bình quân TTCT là 6,5 tấn/ha; tôm sú đạt bình quân 0,43 tấn/ha/vụ.

Để đạt được kết quả đó, công tác phòng chống dịch bệnh tôm nuôi thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong cả 2 vụ nuôi chính trong năm, diện tích tôm bị dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 33,8 ha (vụ 1 là 32,7 ha; vụ 2 là 1,1 ha; trong đó, bệnh do vi-rút đốm trắng 2,6 ha, bệnh do môi trường 31,2 ha), chiếm 1,4% tổng diện tích nuôi tôm cả năm.

Nhiều vùng nuôi tôm trước đây thường xuyên bị dịch bệnh tôm nuôi như xã Phước Hòa, Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Mỹ Chánh, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), Hoài Hải, Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) thì trong niên vụ vừa qua cũng đã giảm đáng kể.

Theo ngành chức năng, tình hình dịch bệnh tôm năm nay được khống chế thành công là nhờ người nuôi tôm đã tuân thủ đúng các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ thả tôm mà ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo từ đầu vụ.

Tại những vùng nuôi tôm tập trung, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu nuôi tôm bền vững.

Ngoài ra, công tác khuyến ngư cũng được tăng cường, các mô hình trình diễn nuôi tôm thân thiện với môi trường, nuôi tôm quảng canh cải tiến được xây dựng rộng khắp, góp phần làm cho dịch bệnh nuôi tôm giảm đáng kể.

Niềm vui chưa trọn

Vụ nuôi tôm 2015, toàn tỉnh có trên 80% số hộ nuôi tôm được mùa, nhưng hầu hết người nuôi tôm vẫn không vui, bởi giá tôm năm nay khá thấp, giảm từ 20-30% so với mọi năm.

Giá TTCT bình quân cả vụ khoảng 110 ngàn đồng/kg (loại 100 con/kg); tôm sú 160 ngàn đồng/kg (loại 40-50 con/kg); bình quân giảm 15-20 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Hòa, một hộ nuôi tôm ở khu vực hồ Đồng, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, (huyện Tuy Phước), cho biết: Năm nay, tôi nuôi 2ha TTCT, năng suất tôm đạt 7,5 tấn/ha/vụ; tưởng sẽ trúng đậm, nhưng khi thương lái đến xem tôm chỉ mua xô 95.000 đồng/kg, giảm gần 20.000 đồng so với vụ nuôi tôm năm 2014.

Giá tôm thấp, trong khi suất đầu tư cho nuôi tôm năm nay tăng khá cao do giá tôm giống, thức ăn, nhân công đội lên từng ngày.

Đầu vụ nuôi, một bao thức ăn 20kg cho tôm nuôi có giá 650 ngàn đồng, nhưng đến giữa vụ tăng lên đến 750 ngàn đồng/bao.

Chi phí sản xuất tăng, nhưng giá tôm giảm làm cho thu nhập của người nuôi tôm bị giảm sút.

Ông Nguyễn Văn Tâm, một hộ nuôi tôm ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết thêm: Năm ngoái, TTCT (cỡ 90-100 con/kg) giá 130-140 ngàn đồng/kg, nhưng năm nay giá tôm thường xuyên giảm, có thời điểm giảm mạnh.

Những năm trước, đến thời điểm thu hoạch tôm, riêng tại xã Phước Sơn có đến hàng chục thương lái đến tranh nhau mua tôm, nhưng năm nay chỉ có một vài thương lái đặt cơ sở thu mua; vì thế, người nuôi thường xuyên bị ép giá, thua thiệt.

Theo ông Võ Đình Tâm, nguyên nhân làm cho giá tôm năm nay xuống thấp so với mọi năm là do người nuôi tôm trong cả nước được mùa.

Bên cạnh đó, tại một số quốc gia trong khu vực châu Á như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ cũng được mùa tôm.

Trong khi các nhà máy chế biến trong khu vực không giải quyết hết lượng tôm nguyên liệu, dẫn đến tình trạng nguồn cung vượt cầu.

Điều đáng lo trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua là hầu hết đều chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm.

Do vậy, mỗi khi tôm nuôi được mùa, tình trạng “ép cấp, ép giá” thường xuyên xảy ra.

Để phát triển nuôi tôm bền vững, sản phẩm tôm nuôi có nơi tiêu thụ, giá cả ổn định, đã đến lúc cần tạo sự liên kết giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần có sự phối hợp, làm việc với các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh để có hướng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm; tạo mối liên kết hài hòa giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp; tránh để tái diễn điệp khúc “được mùa, mất giá” hay “mất mùa, được giá” như đã từng xảy ra.


Có thể bạn quan tâm

470 trang trại được cấp phép nuôi động vật hoang dã 470 trang trại được cấp phép nuôi động vật hoang dã

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa rà soát, kiểm tra các cá nhân, tập thể, hộ gia đình có trang trại động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cấp giấy phép chứng nhận đăng ký nuôi cho 470 trang trại với 15.615 cá thể động vật hoang dã.

21/04/2015
Vỡ trận những siêu dự án nuôi tôm lớn nhất Việt Nam Vỡ trận những siêu dự án nuôi tôm lớn nhất Việt Nam

Hàng loạt dự án nuôi tôm có quy mô lớn nhất nước tại tỉnh Hà Tĩnh chính thức phá sản vì “tỉnh không có đủ nguồn nhân lực”.

22/04/2015
Chuyện dài về thanh long Chuyện dài về thanh long

Trong những năm qua, thanh long Bình Thuận được xem là loại cây trồng lợi thế của tỉnh. Với giá bán cao, thanh long giúp nhiều hộ nông dân từ nghèo trở nên khá, từ khá trở nên giàu có. Và loại cây họ xương rồng này còn giải quyết lượng lao động nông nhàn tương đối lớn.

22/04/2015
Sơ-ri Gò Công khẳng định vị thế Sơ-ri Gò Công khẳng định vị thế

Sơ-ri là cây trồng truyền thống, thích hợp thổ nhưỡng nhiễm mặn nặng của vùng đất Gò Công (Tiền Giang). Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sơ-ri Gò Công giờ đây đã khẳng định được vị thế của mình.

22/04/2015
Trồng màu trái vụ thu nhập khá Trồng màu trái vụ thu nhập khá

Trồng hoa màu trái vụ thường gặp rất nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thời tiết, tuy nhiên với vốn kinh nghiệm canh tác, lại biết nắm bắt được diễn biến của thời tiết, áp dụng các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà nhiều nông dân ở thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có thu nhập khá từ các mô hình trồng hoa màu trái vụ.

22/04/2015