Ì Ạch Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa
Để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sữa ngoại nhập khẩu, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi Việt Nam, Bộ NN-PTNT đặt ra chỉ tiêu tăng số lượng đàn bò sữa đạt 500.000 con vào năm 2020 để có sản lượng sữa khoảng 1 triệu tấn sữa tươi mỗi năm.
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc hỗ trợ nông dân cũng như doanh nghiệp chăn nuôi vẫn ì ạch nên nếu các cơ quan chức năng không nỗ lực và tháo gỡ về chính sách thì mọi chỉ tiêu sẽ chỉ ở trên giấy...
Mới chỉ đảm bảo 28% sữa nội
Thật nghịch lý khi Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi bò sữa thâm niên hơn 60 năm nhưng sau hơn nửa thế kỷ đến nay, sản lượng sữa tươi của cả nước mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam chỉ thực sự tăng mạnh khoảng 10 năm gần đây.
Lượng sữa còn lại đang phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn sữa nhập khẩu. Mà như chúng ta đã biết, chính sách của nhà nước là khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sữa tươi, chương trình “sữa học đường” cũng được đẩy mạnh những năm gần đây không chỉ để tăng chỉ số thông minh và chiều cao cho trẻ mà còn để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Còn sữa hoàn nguyên có chất lượng kém hơn, chưa kể việc có thể khó kiểm soát và theo dõi chất lượng cũng như các thành phần dinh dưỡng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sữa của người dân Việt Nam đang tăng rất mạnh và đột biến trong khoảng 10 năm gần đây.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng cho biết, Việt Nam hiện là một trong 20 quốc gia nhập khẩu các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới. Trung bình một năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa, chủ yếu là sữa, kem cô đặc, trong đó 70% là sữa hoàn nguyên. Điều này lý giải nguyên nhân vì sao sữa hoàn nguyên tại Việt Nam đắt hơn cả sữa tươi sạch.
Còn theo ông Lã Văn Thảo, Trưởng phòng Chăn nuôi gia súc lớn - Cục Chăn nuôi, hiện tại cả nước đang có khoảng 200.000 con bò sữa, cho sản lượng khoảng 550.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi với các con số chỉ tiêu mà Bộ NN-PTNT đưa ra. Bởi từ nay đến năm 2020, bằng cách nào để tăng thêm 300.000 con bò sữa khi mà nhiều nơi, nông dân đang khốn khổ vì nuôi bò sữa, giá thu mua rẻ, kỹ thuật chăn nuôi và vắt sữa, bảo quản vẫn thủ công lạc hậu, quy mô chủ yếu vẫn là nông hộ, đồng cỏ thiếu, nguồn thức ăn không có sẵn, dịch bệnh liên tục hoành hành...
Tại Tuyên Quang và Vĩnh Phúc, nhiều năm trước số hộ gia đình tham gia chăn nuôi bò sữa tăng mạnh nhưng nay, dự án gần như sập. Nhiều nông dân đành phải từ giã đàn bò sữa. Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là nơi có truyền thống chăn nuôi bò sữa từ những năm 1980 đến nay, nhưng theo ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, tiềm năng có nhiều nhưng việc mở rộng tổng đàn không dễ. Trong một số hội nghị gần đây bàn về vấn đề chăn nuôi phát triển đàn bò sữa, nhiều địa phương cũng lo ngại giữa tiềm năng và khả năng thực tế.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng bày tỏ rằng tỉnh này rất có điều kiện để phát triển chăn nuôi bò sữa nhưng tốc độ phát triển hàng năm rất chậm, thậm chí thụt lùi vì hết dự án tài trợ. Năm 2011, đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng bắt đầu giảm do dự án của Canada và dự án cải tiến nâng cao chất lượng bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2007 - 2010 đã kết thúc.
Nguyên nhân chính là giá sữa tươi thấp đã tạo tâm lý hoang mang, người chăn nuôi giảm, không muốn giữ nhiều bò sữa vì sợ lỗ. Sóc Trăng hiện chỉ có 4.700 con bò sữa nhưng được nuôi rải rác ở 1.530 hộ. Điều khó hiểu là trong bối cảnh khó khăn như thế nhưng khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh này cũng đang đặt mục tiêu tăng đàn bò lên 17.800 con vào năm 2020.
Tại Hà Nội, nhiều vùng bò sữa như Phù Đổng (Gia Lâm), Ba Vì... nông dân đang gánh chịu mức giá sữa làm ra quá thấp nhưng ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi - Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, định hướng phát triển đến năm 2020 là sẽ tăng lên 20.000 con. Hiện tại, ở Hà Nội vẫn đang có tới 95% được nuôi theo kiểu nông hộ nhỏ lẻ.
Tại TPHCM, đàn bò sữa của TPHCM năm 2013 đạt xấp xỉ 100.000 con nhưng kế hoạch đến năm 2020 chỉ duy trì 75.000 - 80.000 con, mà trọng tâm vào việc tăng quy mô chăn nuôi và giảm tỷ lệ nuôi nhỏ lẻ, nông hộ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám thừa nhận trong giai đoạn phát triển chăn nuôi bò sữa 2001-2011 đã gặp phải những khó khăn do chăn nuôi bò sữa theo phong trào, thiếu tính toán về thị trường và hoạt động chế biến, dẫn tới giá thu mua thấp nên hiệu quả không cao.
Hiện nay người chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá bò sữa giống đã tăng vọt từ 11 - 14 triệu đồng/con vào năm 2000 lên 60 - 70 triệu đồng/con vào năm 2014. Hiện lượng thức ăn chăn nuôi vẫn chỉ đáp ứng được 6%.
Các chuyên gia bày tỏ, việc hoạch định mục tiêu cho ngành bò sữa cần căn cứ trên cơ sở thực tế, chứ không nên để làm đẹp con số hoặc để báo cáo.
Để đẩy mạnh được ngành chăn nuôi bò sữa, cần phải triển khai giải pháp tổng thể, từ quy hoạch đồng cỏ, nguồn thức ăn chăn nuôi tới các nhà máy chế biến, đảm bảo nâng giá thu mua cho người nông dân. Các nhà máy nên tính toán tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà máy và nông dân một cách hài hòa phù hợp. Nếu không, nông dân sẽ lại ồ ạt bán bò, giết mổ như đã từng xảy ra trong giai đoạn vừa qua.
Hiện nay lượng sữa được tiêu thụ bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 14,8 kg/người/năm và còn tụt quá xa so với các nước trong khu vực châu Á (mức chung là 35 kg/người/năm). Nguyên nhân một phần do giá sữa quá cao, phần khác là lượng sữa tươi sản xuất tại chỗ không đủ cung ứng cho thị trường trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Từ quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đã mạnh dạn đầu tư vào cây cam. Vượt qua những khó khăn và thất bại, sau 10 năm gắn bó, cây không phụ lòng người, giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành tỷ phú.
Những năm gần đây, giá cam cam xoàn ở huyện Long Mỹ luôn đứng ở mức cao, từ 27.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cho một công cam xoàn từ 10 - 15 triệu đồng, khoảng 2 năm là cho thu hoạch, mỗi năm 2 đợt trái với năng suất trung bình từ 20 đến 30 tấn/ha. Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí người trồng cam còn thu lời từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi héc-ta. Theo thống kê, huyện Long Mỹ hiện có hơn 300ha cam xoàn, trong đó có gần 100ha đang cho trái.
Bộ NN&PTNT cho biết, Chỉ thị được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu có văn bản gửi Bộ thông báo tình trạng gia tăng đột biến các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh và đề nghị phía Việt Nam phải có các biện pháp khắc phục khẩn cấp, thông báo lại cho phía họ trước ngày 9/1/2015.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ tiền xây dựng ao lắng cho người nuôi tôm. Theo đó, những hộ xây dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng/ha, 35 triệu đồng/ha cho những hộ thực hiện cải tạo lại ao với điều kiện các hộ phải trong tổ hợp tác, liên kết.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã xây dựng, khuyến khích đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, an toàn dịch bệnh; rà soát quy hoạch và nâng cao năng lực các cơ sở giống chất lượng, sạch bệnh, cung cấp đủ cho sản xuất; không ngừng kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở chế bến thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.