Bảo Vệ Nguồn Lợi Thuỷ Sản Cần Có Sự Đầu Tư Tổng Thể
Khai thác theo kiểu huỷ diệt
Cách đây 2 năm, một nghiên cứu chính thức của Viện Tài nguyên và Môi trường biển về mức độ xâm hại của các rạn san hô ở Cô Tô cho thấy độ che phủ của các rạn san hô khu vực này đang thấp dần đến mức báo động, chỉ còn 10%-15%, nhiều vị trí còn dưới 5%.
Cô Tô vốn được biết đến với nhiều rạn san hô lớn, đẹp, có độ che phủ rộng như ở Hồng Vàn, Bắc Vàn, Tài Vạn Cháu, Khe Trâu, khu vực đảo Cô Tô lớn... thì nay đã xuất hiện những bãi san hô chết.
Điều đáng nói là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tác động của việc đánh bắt thuỷ sản bằng mìn, kích điện, dùng hoá chất, nhất là hoá chất độc hại xyanua. Đáng tiếc là tình trạng khai thác nguồn lợi thuỷ sản kiểu này ở Cô Tô đến nay vẫn chưa thực sự được cải thiện.
Mới đây nhất, nhiều cử tri trên địa bàn huyện cũng đã kiến nghị về tình trạng một số chủ phương tiện đánh bắt thuỷ, hải sản bằng điện, mìn, hoá chất, lưới mắt nhỏ... gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật biển và môi trường biển. Không chỉ Cô Tô, một số vùng biển thuộc Vân Đồn hiện cũng xảy ra tình trạng khai thác tiêu cực tương tự, thậm chí địa bàn bị ảnh hưởng đã vào đến tận các vùng nước nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Đỗ Hữu Tờ, một chủ hộ tham gia nuôi trồng thuỷ sản ở đây cho biết: Vào mùa đánh bắt cá nhâm, để đạt năng suất, doanh thu cao hơn, một số tàu cá vẫn lén lút khai thác bằng mìn. Họ kết nối với nhau khoảng vài tàu một lúc, tàu trước nổ mìn, tàu sau vớt cá. Như vậy cá to cá con đều bị tiêu diệt cả, đồng thời ảnh hưởng rất xấu tới môi trường nước vùng nuôi trồng thuỷ sản của chúng tôi.
Đáng buồn là tình trạng khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt nói trên đang ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, năm 2013 vừa qua, đơn vị đã phối hợp phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp tàng trữ, sử dụng kích điện; sử dụng công cụ lặn kết hợp với kích điện, máy bơm nước tạo áp lực để khai thác thuỷ sản. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên biển, qua đó phát hiện xử lý một số trường hợp vi phạm tương tự.
Riêng Phòng Cảnh sát đường thuỷ (Công an tỉnh) mới đây đã bắt giữ 1 vụ tàng trữ, sử dụng chất nổ trái phép với khối lượng 8kg thuốc nổ và 23 kíp nổ tại vùng biển Cẩm Phả. Theo đơn vị chuyên môn, nếu sử dụng khối lượng thuốc nổ trên để khai thác thuỷ sản sẽ gây nên tác động xấu rất lớn đến sinh vật và môi trường biển. Ngoài ra thì việc khai thác thuỷ sản trên vùng biển Quảng Ninh, đặc biệt là vùng ven biển đang vượt quá mức cho phép.
Điều này một phần thể hiện ở số phương tiện nhỏ dành cho khai thác gần bờ (công suất dưới 90CV) rất lớn, trên 10.000 phương tiện, trong đó có 7.000 phương tiện công suất dưới 20CV. Ngược lại, số phương tiện lớn có thể ra khơi khai thác xa bờ (công suất đạt từ trên 90CV trở lên) chỉ khoảng gần 200 chiếc, chiếm 1,9%, một tỷ lệ quá nhỏ bé so với tổng số phương tiện tham gia đánh bắt hải sản.
Nhân lực, phương tiện bảo vệ thuỷ sản đều thiếu và yếu
Điều đáng nói là trong khi tình trạng khai thác thuỷ sản ngày càng phức tạp và mang tính huỷ diệt thì lực lượng, phương tiện bảo vệ nguồn lợi này của các cơ quan chức năng dường như đều thiếu và yếu. Đơn cử như Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh hiện có tổng số nhân lực gần 40 người, trong đó chỉ có khoảng gần 10 người chuyên trách các hoạt động tuần tra, kiểm tra trên biển, phát hiện và xử lý vi phạm liên quan.
Về phương tiện kiểm ngư thì Chi Cục cũng có 2 tàu sắt và 2 ca nô, song các phương tiện đều có công suất không lớn và đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay. Ngoài ra thì nguồn kinh phí dành mua xăng dầu để duy trì hoạt động cho các phương tiện trên rất hạn chế.
Năm 2013 vừa qua, tính ra mỗi tháng các phương tiện chỉ đủ nhiên liệu hoạt động được khoảng dưới 10h đồng hồ. Năm 2014 này, theo phân khai kinh phí thì phần dành cho hoạt động này cũng không được tăng thêm.
Điều này thực sự chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì Quảng Ninh có bờ biển dài đến gần 250km, trong đó có 110km giáp Trung Quốc, nếu các tàu kiểm ngư chỉ có thể hoạt động được tối đa 10h mỗi tháng thì chỉ có thể kiểm soát vùng ven bờ chứ không thể đi xa, kiểm soát vùng biển khơi được.
Thực tế với nhân lực, vật lực như trên đã khiến công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản rất khó khăn.
Ông Đinh Công Hiển, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ nguồn lợi và Môi trường thuỷ sản, Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: Có thể thấy vì lợi nhuận, ngày càng có nhiều các đối tượng cố tình sử dụng công cụ cấm để đánh bắt thuỷ sản.
Hơn thế, không ít đối tượng trong đó hoạt động rất tinh vi, có biện pháp bảo vệ, thông tin cho nhau khi phát hiện cơ quan chức năng, thậm chí khi bị phát hiện thì cũng ứng xử khá liều lĩnh, manh động, gây nguy hiểm cho anh em.
Trong khi đó, nhân lực của chúng ta mỏng, phương tiện chưa hiện đại, đặc biệt là áp lực về kinh phí hoạt động, nên chúng tôi muốn làm mạnh, quyết liệt, triệt để cũng khó, dẫn đến hiệu quả công việc không cao như mong muốn.
Ngoài ra thì hiện nay việc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ các nguồn lợi thuỷ sản trên vùng biển mới chủ yếu dựa vào lực lượng Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và Phòng Cảnh sát thuỷ, còn các địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức.
Đến thời điểm này, mặc dù đã có những quy định khá rõ ràng, song chưa có huyện, thị nào của tỉnh bố trí về nhân lực và dành riêng kinh phí hoạt động cho nội dung này. Việc phối kết hợp giữa địa phương với các đơn vị chức năng trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng mới chỉ ở mức độ ban đầu, chưa thực sự chặt chẽ.
Đâu là giải pháp?
Với thực tế trên, thiết nghĩ đã đến lúc cần tăng cường đầu tư tổng thể cả về nhân, vật lực cho công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Trong đó trước mắt cần bố trí kinh phí xăng dầu để phương tiện kiểm ngư có thể hoạt động nhiều hơn, qua đó tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển.
Đồng thời, các đơn vị chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về thực hiện các quy định của nhà nước liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; hình thành các “đường dây nóng” về bảo vệ thuỷ sản trong dân, lấy đây là đầu mối cung cấp thông tin khi xảy ra xâm hại biển một cách kịp thời, chính xác.
Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế phân cấp một cách rõ ràng hơn trong công tác quản lý, bảo vệ thuỷ sản cho các địa phương, để qua đó phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong hoạt động này.
Ngoài ra, đã đến lúc giảm lượng tàu khai thác thuỷ sản gần bờ; thay vào đó là khuyến khích, hỗ trợ các tàu lớn có thể hoạt động vùng khơi, vùng lộng, vươn ra xa bờ khai thác.
Có thể bạn quan tâm
Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.
Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.
Với quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp với gia cầm của gia đình thương binh Phí Văn Chắc (thôn Phú Bắc, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang cho thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm.
Sau thời gian sụt giảm, có thời điểm chỉ còn 180.000 đ/tạ- 60kg, thì hơn tuần nay giá khoai lang tím Nhật tại Bình Tân (Vĩnh Long) đã tăng trở lại với mức giá từ 400.000 - 500.000 đ/tạ.