Hút Hàng Giống Cây Trồng
Chỉ mới đầu mùa mưa nhưng thị trường giống cây trồng ở ĐBSCL đang nóng từng ngày, giá đã tăng từ 30 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá cao, nhưng vẫn không đủ nguồn cung theo đơn đặt hàng.
Ông Trịnh Văn Bình, Chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh các loại cây giống, ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), cho biết: “Mới đầu mùa mưa nhưng cây giống đã thiếu nguồn cung, giá đã tăng thêm khoảng một nửa. Hiện tại, giống xoài cát Hòa Lộc có giá 25.000 đồng/cây, tuy giá tăng gần gấp đôi so với năm trước nhưng vẫn không có cây giống để bán.
Bưởi da xanh ghép có giá 18.000 - 20.000 đồng/cây, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ và nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu”. Nguyên nhân làm hai giống cây trồng trên hụt nguồn cung là do năm nay nhà vườn miền Đông, Hà Nội và Campuchia đang chuyển mạnh sang trồng, đặc biệt nhu cầu trồng bưởi da xanh đã lan rộng khắp các vùng miền trong cả nước vì chất lượng ngon, trái bán được giá cao. Hiện tại, bưởi da xanh có da bóng đẹp, trái to được các thương lái thu mua 70.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn so sánh, bán một trái bưởi mua được 1kg thịt heo nên bà con rất khoái, lập tức chuyển mạnh sang trồng.
Ông Bình cho biết thêm: “Một lý do khác khiến thị trường cây giống hụt nguồn cung là vì hai năm trước nhà vườn sản xuất cây giống tiêu thụ không hết, không có lãi cao nên năm nay đã giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng để duy trì nghề truyền thống. Chính vì vậy, khi năm 2013 nhiều nhà vườn ở miền Đông chuyển dịch mạnh sang trồng cây trái theo hình thức trang trại thì nhu cầu cây giống tăng mạnh nên hụt nguồn cung, từ đó kéo theo giá tăng đột biến ngoài dự đoán của nhà vườn. Nhờ vậy, các nhà vườn còn đeo bám nghề sản xuất cây giống, đồng thời đã lấy lại được thế cân bằng trong sản xuất”.
Giá tăng làm cho nhiều nhà vườn sản xuất giống đang thu về lợi nhuận cao, riêng người kinh doanh cây giống thì hơi chật vật. Mua giá cao, bán lại giá cao thì phải tính toán thật kỹ mới có lãi nhưng cũng rất meo. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống Thanh Lâm, ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, cơ sở đã giao hàng chục hợp đồng cây giống cho các chủ trang trại khu vực miền Đông với số lượng 5.000 cây giống/hợp đồng. Ngoài ra, cơ sở đã ký hợp đồng xuất sang Campuchia với số lượng 10.000 cây chanh và mít. Tổng số lượng cơ sở đã bán từ đầu vụ đến nay hơn 100.000 cây giống các loại”.
Hiện tại, cơ sở của ông Lâm còn gần 200.000 cây giống các loại để cung ra thị trường từ nay đến cuối mùa mưa, giá các giống cây ăn trái truyền thống đã tăng từ 40-60% tùy loại. Mít giống bán lẻ 16.000 đồng/cây, giao đại lý có giá 12.000 đồng/cây. Cây dừa năm trước bán không được nhưng năm nay thì hút hàng và hụt nguồn cung, giá đã tăng lên 35.000 đồng/cây. Trước nhu cầu thị trường tăng mạnh như hiện nay, đã có nhiều chủ cơ sở sản xuất cây giống phải từ chối khách hàng đặt mua với lý do không đủ hàng để giao.
Tại Hậu Giang, các cơ sở cung cấp cây giống cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự do thiếu nguồn cung từ chính các chủ đầu mối. Bà Đặng Thị Nguyệt, Chủ cơ sở cây giống Sáu Quang 1, ở phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, cho hay: “Cơ sở chủ yếu lấy cây giống từ Bến Tre đem về bán. Mọi năm, vào mùa trồng cây đôi khi cũng thiếu nguồn cung nhưng chưa có năm nào bằng năm nay. Nhiều khi, không chỉ có chủ cơ sở thiếu mà ngay cả đầu mối cũng không có hàng để đưa về bán cho người dân, có chăng thì giá cũng rất cao”.
Cũng theo bà Nguyệt, các giống cây trồng hiện có giá tăng từ 5.000 đến hơn 10.000 đồng/cây so với thời điểm trước tết. Tăng mạnh nhất là các giống xoài, bưởi da xanh, dừa và mít. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, khoe: “HTX vừa ký hợp đồng xuất sang Campuchia 12.000 cây giống chanh không hạt, với giá 12.000 đồng/cây. Mặc dù có dự đoán trước tình hình nhưng hiện HTX vẫn thiếu nguồn cung cho thị trường, vì mỗi ngày phải xuất trên dưới 1.000 cây chanh”.
Có thể nói, thị trường cây giống năm nay hút hàng mạnh hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của các nhà kinh doanh cũng như nhà vườn sản xuất giống. Tất cả đều bị động trước thị trường cây giống năm trước, nên năm nay mọi người đều giảm số lượng sản xuất. Có nhiều nhà vườn sản xuất cây giống theo kiểu cầm chừng nhưng không ngờ trúng lớn. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, sản lượng cây giống sản xuất năm 2013 giảm khoảng 40% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nhà vườn sợ bị dội chợ như những năm trước nên đã dè chừng.
Trước diễn biến của thị trường cây giống là hút hàng, hụt nguồn cung như hiện tại thì nhà vườn khi mua giống nên chọn lựa nhà sản xuất có uy tín, có thương hiệu, có hợp đồng trách nhiệm đảm bảo đúng giống… để tránh mua nhầm giống kém chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Cần cù, ham học hỏi, anh Võ Đình Chiến (SN 1975, ngụ ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) không những đã thành công và vươn lên làm giàu bằng chính đặc sản quê nhà mà còn là một điển hình tiêu biểu cho nhiều người noi theo.
Tại TP HCM và các tỉnh, thành lân cận, hàng chục điểm bày bán nho với giá siêu rẻ. Những người bán thừa nhận, đây là hàng Trung Quốc nhưng đề bảng nho Mỹ cho dễ bán.
Thực hiện chương trình phối hợp giám sát vật tư nông nghiệp (VTNN), đoàn giám sát liên ngành do Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Lều Vũ Điều làm trưởng đoàn đã về làm việc tại huyện Yên Thành, Nghệ An.
Quang Thuận là địa phương nằm trong vùng quy hoạch trồng cây cam, quýt của tỉnh Bắc Kạn và là xã có diện tích lớn nhất huyện Bạch Thông.
“Nhờ cần cù, chịu khó và ham học hỏi, lại mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt nên hai hội viên Trần Tấn Hiếu và Võ Thi đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”