Mục Tiêu Đến Năm 2020 Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 11 Tỷ USD
Đến năm 2020, ngành thủy sản sẽ phấn đấu đưa tổng sản lượng thủy sản đạt 7 triệu tấn và giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, tỷ trọng thủy sản chiếm khoảng 33,3% trong GDP nông nghiệp.
Thông tin này vừa được đưa ra tại cuộc họp báo cáo đề xuất “Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020” do Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (23/10), tại Hà Nội.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thời gian qua ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng thủy sản đã tăng liên tục trong một thời gian dài, sản lượng hàng hóa ngày càng cao, xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao, thu nhập và đời sống của ngư dân và lao động thủy sản ngày một cải thiện.
Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,9 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 3,2 triệu tấn; góp phần tạo nên tốc độ tăng tổng sản lượng bình quân đạt mức 7,3%/năm thời kỳ 2004-2013.
Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực bao gồm cả nuôi trồng và khai thác của ngành vẫn bộc lộ nhiều hạn chế về mặt kiểm soát an toàn dịch bệnh chưa triệt để, chưa chủ động được nguồn giống trong nước nên phụ thuộc vào giống nhập khẩu, việc khai thác hải sản ven bờ quá mức, trong khi tiềm năng khai thác xa bờ chưa đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, trong khâu bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản vẫn chủ yếu chỉ được chế biến dạng philê đông lạnh và sơ chế, tỷ lệ các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng còn thấp, do đó hạn chế giá trị sản xuất của ngành thủy sản.
Do đó, Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng, phát triển ngành thủy sản cần hướng đến phát triển hiệu quả bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đề xuất Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân phấn đấu đạt 7-8%/năm, theo đó thu nhập bình quân đầu người của lao động tăng gấp 3 lần hiện nay.
Chương trình được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 2016-2018 và giai đoạn 2019-2020, dự kiến với tổng nguồn vốn đạt 53.645 tỷ đồng; trong đó, hợp phần phát triển nuôi trồng thủy sản là 35.000 tỷ đồng, hợp phần khai thác thủy sản là 15.650 tỷ đồng, hợp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là 2.705 tỷ đồng, hợp phần chế biến, tiêu thụ thủy sản là 290 tỷ đồng./
Mục tiêu cụ thể của chương trình phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020:
Trong hoạt động khai thác thủy sản, phấn đấu giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản từ 20-25% hiện nay xuống 10%; 100% cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão quy hoạch được phê duyệt đủ điều kiện đảm bảo an toàn tránh trú bão, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; 100% tàu khai thác hải sản xa bờ được trang bị hệ thống thông tin quản lý tàu cá; 100% thuyền trưởng, máy trưởng tàu khai thác hải sản được đào tạo chuyên môn khai thác hải sản; 100% các khu bảo tồn biển và bảo tồn nước nội địa được quy hoạch, 30% các khu bảo tồn được đưa vào hoạt động hiệu quả.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, mục tiêu đề ra sẽ chủ động sản xuất trong nước 100% giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực (giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra...) 100% diện tích nuôi thâm canh cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP và các chứng nhận tương đương (GlobalGAP, ASC, BAP).
Bên cạnh đó, trong nuôi trồng thủy sản sẽ hướng đến giảm 70% thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, ngao, rô phi. Tỷ trọng sản phẩm thủy sản chế biến sâu, giá trị gia tăng đạt 30 - 40% khối lượng sản phẩm thủy sản chế biến và 70% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đáp ứng quy chuẩn về bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm thủy sản chế biến đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm của thị trường trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
Cuối tháng 5-2014, dịch bệnh ở tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) diễn biến phức tạp, nhưng với sự tập trung cao của ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương, dịch bệnh đã được khống chế. Người nông dân đã yên tâm thả bù đợt mới, một số diện tích không bị dịch bệnh đang bắt đầu cho thu hoạch.
Đến nay, tổng diện tích gieo sạ lúa Hè Thu là 225.260ha bằng 91,1% so với cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch 14.589ha chủ yếu ở các huyện Đồng Tháp Mười, năng suất tươi ước đạt 58,7 tạ/ha, sản lượng đạt 85.565 tấn. Tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhiều nơi nông dân thu hoạch sớm nhưng giá lúa đang dao động ở mức thấp.
Ngày 7.7.2014, UBND huyện Xín Mần đã tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ xuân. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện và Bí thư, Chủ tịch, cán bộ Khuyến nông, Khuyến lâm, một số các gia đình sản xuất giỏi thuộc 19 xã, thị trấn cùng tham dự.
Trong 3 năm qua, Lô Lô Chải được Đảng ủy, UBND xã Lũng Cú (Đồng Văn) chọn là 1 trong 2 thôn điểm xây dựng Chương trình Nông thôn mới (NTM). Để phát huy hiệu quả nét văn hóa truyền thống đặc sắc của thôn và xuất phát từ nhu cầu cuộc sống thực tế của người dân trên địa bàn, vì thế chăn nuôi và dịch vu, du lịch luôn là 2 lĩnh vực được thôn chú trọng phát triển.
Sau gần 2 năm khủng hoảng nặng nề khiến DN làm giống, người chăn nuôi lao đao, gần 3 tháng trở lại đây, thị trường chăn nuôi trong nước ổn định tích cực.