Hương Vị Khóm Nghịch Mùa

Về Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, hầu như đi đâu cũng nghe bà con kể chuyện trồng khóm, kinh nghiệm cho trái mùa nghịch và đoán giá. Nhiều hộ dân ở đây đã có thâm niên mấy đời trồng khóm, nên chuyện về loại cây này đều thuộc nằm lòng.
Nông dân trồng khóm ở xã Hỏa Tiến đều biết khoảng từ tháng 5 là giá khóm tăng, nên có thể chủ động xử lý ra trái sao cho đến thời điểm này là thu hoạch. Anh Trang Văn Tỷ, ở ấp Thạnh Thắng, dẫn chúng tôi tham quan rẫy khóm của gia đình mình và nói: “Năm nay, khóm thuận mùa giá rẻ, nhưng bù lại giá tăng từ tháng 5, tháng 6 và có khi trên 7.000 đồng/trái loại nhất. Hiện tại, giá khóm vẫn còn cao, khoảng 6.000 đồng/trái loại nhất. Nhiều nông dân bán khóm nghịch mùa được giá cao rất phấn khởi”.
Gia đình anh Tỷ hiện đang canh tác trên 40 công khóm, chủ yếu thu hoạch trái vào mùa nghịch. Đến nay, anh đã bán được khoảng 20 thiên khóm mùa nghịch với giá trung bình khoảng 6.000 đồng/trái loại nhất, tổng thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Tỷ luôn trồng khóm lại sau hai năm cho trái, nên rẫy khóm của anh bao giờ cũng đón được mùa nghịch. Anh Tỷ cho biết thêm: “Khóm lão rất dễ ra trái vào mùa thuận. Do đó, tôi trồng khóm tơ để dễ chủ động hơn về thời gian cho trái”.
Chẳng còn nhớ gia đình bắt đầu trồng khóm từ khi nào, nhưng ông Trang Văn Ngoán, cha của anh Tỷ, cho biết ông đã trồng khóm với gia đình hồi còn rất nhỏ. Ông Ngoán đã trên 84 tuổi, nhớ lại: “Từ đời ông bà tôi đến giờ, gia đình đều trồng khóm. Tuy nhiên, trước đây để cây khóm cho trái tự nhiên, chứ đâu có chủ động thời gian như bây giờ. Tôi cũng đã thử trồng các loại cây điều và xoài, nhưng thu nhập không bằng khóm, nên đốn bỏ hết”.
Hỏa Tiến là địa phương có diện tích trồng khóm lớn nhất tỉnh. Cây khóm chiếm khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp nơi đây. Do chủ động được thời điểm cho trái, nên đến xã Hỏa Tiến thấy người dân bán khóm quanh năm. Ông Võ Văn Sang, Trưởng ấp Thạnh Thắng, cho biết: “Cây khóm là số 1 trong ấp, thứ hai là cây mía rồi mới tới cây lúa. Đất này hợp với cây khóm và người nông dân ở đây cũng gắn liền với cây này. Không ít gia đình đã có thâm niên trồng khóm mấy đời và chắc chẳng bao giờ thôi trồng khóm”.
“Rất nhiều hộ dân nhờ trồng khóm mà vươn lên khá giàu. Thu nhập bình quân của người dân năm nay đạt 23 triệu đồng/người/năm. So với 4-5 năm trước, đã tăng 6 triệu đồng/người/năm. Diện tích trồng khóm cũng tăng theo từng năm. Diện tích trồng khóm năm nay của xã đã trên 950ha, tăng 9ha so với năm 2013” - ông Lê Văn Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hỏa Tiến, cho biết.
Trải qua thời gian dài trồng chỉ một loại cây khóm nên chuyện đất bạc màu là không thể tránh khỏi. Nhưng nông dân xã Hỏa Tiến không vì vậy mà nản lòng bỏ cây khóm. Nhiều gia đình đã quyết định đầu tư chi phí vài chục triệu đồng để bơm đất bùn từ sông nhằm cải tạo lại đất và cho kết quả khả quan. Gia đình anh Tỷ là một trong những hộ nông dân đã bơm đất bùn vào rẫy khóm. Nhờ vậy, rẫy khóm của anh đã tốt lên rất nhiều so với trước.
Có lẽ, chẳng ai còn nhớ chính xác cây khóm được trồng ở xã Hỏa Tiến từ khi nào. Nhưng qua nhiều năm, cây khóm đã gắn bó với người dân nơi đây và khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực. Nhờ trồng khóm mà cuộc sống nhiều hộ dân ở Hỏa Tiến khá lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn trên 4%.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1831FB/Huong_vi_khom_nghich_mua.aspx
Có thể bạn quan tâm

Cùng thời điểm này, vùng lúa hè thu muộn ở Sóc Trăng vừa thu hoạch hơn 40.000 ha trong tổng số diện tích gieo sạ hơn 190.000 ha. Ở một số huyện có vùng trồng lúa thơm thu hoạch gặp mưa kéo dài, lúa bị đổ ngã khiến năng suất giảm. Lúa ướt khó bán, giảm giá, lúa thơm ST5 bán tại ruộng còn 5.700 đ/kg.

Vùng đầu nguồn An Giang, là nơi nuôi cá chình trong lồng bè lớn nhất tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Lợi thế của cá chình là sống khỏe, giá trị thương phẩm cao, ít bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là loại cá có thịt ngon, ngọt nên giá hiện nay trên thị trường đang ở mức khá cao.

Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, tăng hiệu quả kinh tế và hạn chế dịch bệnh trên ao nuôi tôm kém hiệu quả, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình đã thực hiện mô hình Nuôi cá chim vây vàng tại hồ nuôi ở xã Hạ Trạch (Bố Trạch) và phường Quảng Thuận (thị trấn Ba Đồn). Sau hơn 4 tháng nuôi, mô hình đã đạt được hiệu quả bước đầu.

Thông qua huấn luyện kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Tân Châu và hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông An Giang, nông dân các xã, phường ở Tân Châu ứng dụng thành công các mô hình chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, hạn chế được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và môi trường trên địa bàn dân cư được cải thiện tốt hơn.

Người trồng ca cao ở Tây Nguyên đang phấn khởi vì giá bán liên tục tăng, trong khi vụ thu hoạch đang bắt đầu với chất lượng tăng và năng suất ổn định. Trong 1 tháng trở lại đây, giá ca cao hạt khô ở Tây Nguyên dao động từ 58.000 – 64.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg.