Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng
Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung phát biểu tại hội nghị
Đó là nội dung chỉ đạo được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tập trung thảo luận tại Hội nghị sơ kết SX vụ hè thu (HT) vụ mùa 2015, triển khai kế hoạch vụ đông xuân (ĐX) 2015 - 2016 và đánh giá kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh phía Bắc.
Hội nghị diễn ra ngày 22/10 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
Lúa chất lượng chiếm 42%
Phát biểu khai mạc, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2015 SX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do hiện tượng El-Nino kéo dài, nhiều nơi hạn hán nghiêm trọng, song có khu vực lại lũ lụt thường xuyên.
Nhưng nhờ sự chủ động cộng với kinh nghiệm ứng phó nên nhìn chung vụ ĐX và vụ mùa vẫn thắng lợi.
Qua báo cáo của Cục Trồng trọt tại hội nghị cho thấy, tổng diện tích thiệt hại do hạn hán tại một số vùng Bắc Trung bộ năm 2015 khoảng 49.000 ha.
Trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại trên 8.000 ha; cây trồng cạn ngắn ngày trên 23.000 ha và cây công nghiệp cây ăn quả dài ngày thiệt hại hơn 17.000 ha.
Năm nay, tình hình sâu bệnh hại không trầm trọng và được xem là vụ mùa có thiệt hại do bệnh bạc lá nhẹ nhất trong nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, năm 2015 là một năm công tác quản lý vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón rất phức tạp khi nạn phân bón giả, nhái nhãn mác, kém chất lượng có chiều hướng gia tăng do chưa có sự thống nhất rạch ròi trong công tác quản lý giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương.
Theo số liệu các địa phương báo cáo, vụ lúa HT 2015 diện tích tại các tỉnh Bắc Trung bộ đạt 158.000 ha, giảm khoảng 6.000 ha so với năm trước.
Năng suất bình quân đạt 50,3 tạ/ha, tăng 0,9%, sản lượng đạt 795.000 tấn, giảm gần 17.000 tấn so với vụ HT 2014.
Vụ mùa 2015, toàn miền Bắc gieo cấy xấp xỉ 1,2 triệu ha, giảm 12.000 ha so với 2014.
Mặc dù diện tích giảm, song sản lượng vụ lúa HT năm 2015 tăng 0,2 tạ/ha so với 2014, ước đạt 52 tạ/ha, sản lượng trên 5,7 triệu tấn, giảm 50.000 tấn so với cùng kỳ.
Có lẽ, điểm sáng nhất trong vụ HT, vụ mùa 2015 đó là tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao tăng nhanh, bền vững, phù hợp với định hướng, chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng để xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt.
Cụ thể, diện tích vụ HT năm 2015 đạt khoảng 67.000 ha, chiếm 42,3%, tăng khoảng 6.000 ha so với vụ HT trước; vụ mùa đạt 362.000 ha, cao hơn năm 2014 khoảng 77.000 ha, chiếm 33% tổng diện tích gieo cấy.
Với lúa lai thương phẩm, diện tích tổng kết qua hai vụ cho thấy giảm 41.000 ha (260.000 ha), chiếm 22,4% tổng diện tích gieo cấy.
Riêng với SX hạt lai F1 trong vụ mùa cũng giảm 38 ha so với 2014, đạt khoảng 1.035 ha.
Những điển hình chuyển đổi
Hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Chính phủ mà Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh triển khai, trong vụ HT và vụ mùa 2015, tại một số địa phương khu vực phía Bắc đã xuất hiện những mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang giá trị kinh tế cao hơn.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở NN-PTNT Nam Định, trong năm 2015 địa phương này cơ bản xây dựng thành công mô hình chuyển đổi đất SX lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lê tại xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng với quy mô 5 ha.
Tổng kết cho thấy, lợi nhuận mang lại trên 2,5 triệu đồng/sào, tương đương trên 70 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Nam Định còn có mô hình chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang trồng cỏ nuôi dê sinh sản tại xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, lợi nhuận 140 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa hay mô hình chuyển từ 2 vụ lúa sang 3 vụ màu tại thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng cho lợi nhuận 270 - 290 triệu đồng/ha.
Tại Hà Nội, mô hình trồng su hào trái vụ có mái che tại huyện Phúc Thọ và Đông Anh cho thu lãi từ 90 - 120 triệu đồng/ha.
Tỉnh Phú Thọ xuất hiện mô hình SX lúa chiêm xuân + lúa chét thả 1 vụ cá cho thu hoạch 20 tạ/ha/vụ nuôi, hạch toán kinh tế lợi nhuận từ 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ nuôi.
Ngoài ra, mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng táo tại Phú Thọ cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3,4 lần trồng lúa, đạt 190 - 220 triệu đồng/ha.
Các tỉnh miền núi như Hà Giang và Quảng Trị cũng xuất hiện mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây màu, cây ngô, đậu tương, đậu xanh cho thu nhập cao gấp 1,2 lần trồng lúa.
Còn Lào Cai và Thái Bình là hai địa phương thành công từ những mô hình chuyển đổi sang trồng rau, hoa, ớt xuất khẩu.
Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu
Vụ ĐX 2015 - 2016 dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương phải hết sức lưu ý và tuân thủ thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống, tránh gieo quá sớm, cấy sớm lúa sinh trưởng nhanh do ấm đầu vụ.
Theo Cục Trồng trọt, vụ ĐX 2015 - 2016, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy trên 1,3 triệu ha lúa, giảm khoảng 19.000 ha so với 2014, năng suất trung bình dự kiến đạt 60,7 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt xấp xỉ 8 triệu tấn, giảm 100.000 tấn so với vụ ĐX 2014 - 2015.
Cần đặc biệt lưu ý với những giống lúa mẫn cảm với nhiệt độ thấp, nhất là giai đoạn làm đòng từ bước 5 đến bước 6 như BC15… để bố trí khung thời vụ thích hợp đối với từng địa phương và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của đơn vị cung ứng giống.
Trong đó, trên cơ sở chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu của ngành, các địa phương tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng ngắn ngày khác mang lại giá trị cao hơn, bởi thực tế ngành lúa gạo hiện nay đang có dấu hiệu dư thừa và giá bán đang ở mức rất thấp.
Đồng tình với quan điểm cần phải mạnh dạn chuyển đổi, ông Mai Nhữ Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa chia sẻ, tổng diện tích đất canh tác của Thanh Hóa hiện là 247.000 ha, nếu tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết bất thường thì địa phương có khoảng 40.000 ha khó khăn về nước tưới.
Do đó, phương châm của tỉnh là chuyển đổi diện tích cây trồng mà lâu nay bị hạn sang các cây trồng có khả năng chịu hạn để đem lại hiệu quả cao hơn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết năm 2015 – 2016 tiếp tục có xu hướng ấm và diễn biến phức tạp hơn do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung đề nghị sau hội nghị này các địa phương phải chủ động và triển khai ngay các biện pháp cấp bách về giống, cơ cấu, thời vụ nhằm ứng phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu, trong đó đặc biệt ưu tiên xu hướng chuyển đổi sang các giống cây trồng chịu hạn có triển vọng mang lại giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, xã viên Hợp tác xã (HTX) Phước Tiến, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp tham gia cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với Công ty TNHH MTV và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên đang thu hoạch lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 rất phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá.
Đây là một những những quy định được Bộ Công Thương đưa ra trong Quyết định mới ban hành về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020.
Thế nhưng hiện nay, có thể nói, ngành giống Việt Nam không đủ năng lực đáp ứng, đa số các loại giống phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở, doanh nghiệp cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hụt này, tung ra thị trường những loại giống kém chất lượng, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Trong những năm qua, cây hành, tỏi là một trong những cây vụ đông mang lại thu nhập cao cho nhân dân nhiều địa phương ở Thái Thụy (Thái Bình). Tuy nhiên, tại thời điểm này, nông dân trồng hành tại Thái Thụy đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
Ở những vùng ngọt ổn định, cây lúa được chuyên canh 3 vụ/năm, là nơi nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV nhất. Trung bình, cứ 10 ngày là bà con phải phun xịt thuốc một lần. Vì thế, chuyện nông dân ngộ độc thuốc BVTV là chuyện như cơm bữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào nông dân cũng phát hiện mình bị ngộ độc.