Hướng Đi Mới Cho Cây Khoai Tây Vụ Đông Ở Vũ Lạc
Là địa phương có truyền thống về trồng cây vụ đông, những năm gần đây, nông dân xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) đã trồng thử nghiệm khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu không những cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao mà còn khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần cải tạo đất và mở ra phương thức gieo trồng mới đối với cây khoai tây vụ đông.
Ông Nguyễn Trung Tảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vũ Lạc cho biết, trong hai năm 2012 - 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với địa phương đưa vào thử nghiệm mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu với diện tích 8ha tại hai thôn Vân Động Nam và Vân Động.
So với phương pháp trồng khoai tây truyền thống thì việc trồng khoai tây bằng phương pháp mới này có nhiều ưu điểm. Sau khi thu hoạch lúa mùa chỉ cần vệ sinh đồng ruộng, tháo cạn nước để độ ẩm đất đạt 70 - 75% thì tiến hành trồng khoai tây. Thời điểm tốt nhất để trồng là khoảng từ trung tuần tháng 10 đến những ngày đầu tháng 11.
Điểm khác của phương pháp này so với phương pháp truyền thống là phải chuẩn bị rơm rạ để phủ lên khoai sau khi trồng và chỉ cần cày rãnh chứ không phải cày đất, làm luống. Sau khi rải phân bón lót, đặt củ giống nông dân chỉ cần lấy rạ phủ kín củ dày khoảng 10 - 15 cm cho kín mặt luống. Ngoài việc chuẩn bị rơm rạ cũng cần chuẩn bị một số loại phân bón như phân chuồng hoai mục, đạm, phân bón NPK…
Nếu đất khô thì tưới bổ sung. Việc chăm sóc rất đơn giản, không phải xới vun, làm cỏ, chỉ cần kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh và luôn giữ đủ ẩm đất để cây khoai phát triển. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 80 ngày. Chính vì cách trồng và chăm sóc đơn giản nên trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu còn được nông dân ở Vũ Lạc gọi vui là trồng khoai tây “lười”.
Vì phải bảo đảm kịp thời vụ gieo cấy lúa xuân nên vụ đông năm 2014 một số diện tích khoai tây ở Vũ Lạc được trồng sớm hơn so với khuyến cáo của đơn vị chuyên môn. Khoai tây là cây ưa lạnh, trồng sớm vào thời điểm thời tiết vẫn có lúc nóng nên cây không phát huy hết tiềm năng năng suất, củ bị hỏng, bị thối nhiều, làm giảm năng suất.
Riêng diện tích khoai tây trồng bằng phương pháp làm đất tối thiểu được trồng vào cuối tháng 10 nên bảo đảm cho cây phát triển trong thời tiết lạnh, giúp đạt năng suất cao. Nếu như trồng khoai tây theo phương pháp truyền thống chỉ cho năng suất bình quân 5,5 - 6 tạ/sào thì mô hình trồng thử nghiệm bằng phương pháp làm đất tối thiểu đã cho nông dân Vũ Lạc thu hoạch bình quân 6,5 - 8 tạ/sào.
Vụ đông năm 2013, gia đình ông Đoàn Thanh Bình (thôn Vân Động) trồng 3 sào khoai tây theo phương pháp mới. Ông khẳng định: Trồng khoai tây theo phương pháp mới, năng suất bình quân gia đình tôi thu được 8 tạ/sào trong khi trồng theo phương pháp cũ chỉ đạt khoảng 6 tạ/sào.
Hơn nữa, cách trồng này nhàn hơn rất nhiều, không phải vất vả làm đất, chăm bón, quan trọng là thực hiện đúng kỹ thuật.
Bên cạnh đó còn khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường. Vì hiệu quả kinh tế mang lại cao nên vụ đông 2014 gia đình tôi dự định trồng 5 sào khoai tây theo phương pháp mới. Theo anh Đoàn Viết Hùng (thôn Vân Động), trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu giúp củ giống nhanh mọc mầm, cây khỏe hơn, tốn ít công lao động và năng suất cao hơn hẳn.
Vụ đông năm ngoái, 4 sào khoai tây nhà anh cho năng suất bình quân khoảng 7 tạ/sào. Sản phẩm thu hoạch đồng đều, mẫu mã đẹp, bán được giá. Hiệu quả đó đã khuyến khích gia đình anh mở rộng diện tích trồng khoai tây theo phương pháp mới với khoảng 5 sào trong vụ đông năm nay.
Ông Nguyễn Trung Tảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cho biết thêm: Bà con trong xã rất phấn khởi bởi chưa năm nào xã trồng được khoai tây cho năng suất cao như hai năm 2012 - 2013. Hộ nào trồng ít cũng cho thu nhập 8 - 10 triệu đồng/vụ, hộ trồng nhiều cho thu nhập khoảng 20 - 25 triệu đồng/vụ.
Vụ đông năm nay, Vũ Lạc dự kiến mở rộng diện tích trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu từ 20 - 25 ha. Tuy nhiên, để phát triển cây khoai tây đông theo phương pháp mới, địa phương cần chú trọng xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản giống, có cơ chế hỗ trợ và đặc biệt là quan tâm tìm đầu ra cho cây khoai tây khi mở rộng đại trà để người nông dân yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Bạn đọc Nguyễn Văn Tiến (Lục Nam, Bắc Giang) hỏi: Thời gian qua, các phương tiện thông tin phản ánh nhiều về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Vậy người chăn nuôi sử dụng chất cấm bị xử lý thế nào?
Hiện tại, đối với lợn, gà: Thuế nhập khẩu vào Việt Nam cao, nên khi tham gia TPP sẽ phải chịu sức cạnh tranh lớn từ Mỹ và Canada. Đặc biệt, đối với bò đông lạnh (thuế suất 7%), bò sống (5%), chúng ta phải cạnh tranh với các nước Úc và New Zealand có lợi thế về bò.
Lượng xả thải ngày càng lớn từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản đã khiến nguồn nước, môi trường đất, không khí bị ô nhiễm... Đây là một mối hại lớn đang gây nhiều áp lực lên môi trường nông thôn, đe dọa sức khỏe dân cư ở khu vực này.
Mất cân đối ngân sách, buộc phải cho thôi việc lao động hợp đồng (LĐHĐ), không có kinh phí mua trang thiết bị y tế, người dân chưa hưởng lợi… Đó là nhận định của lãnh đạo ngành thú y các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về việc thực hiện Thông tư 113 của Bộ Tài chính.
Tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.