Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 20 tổ sản xuất rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó nổi bật có Hợp tác xã rau an toàn Thắng Lợi ở xã Phước Hưng (huyện Long Điền). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là sản phẩm rau an toàn (RAT) của các HTX hầu hết vẫn chưa tìm được thị trường ổn định, giá cả bấp bênh.
Hiện HTX RAT Thắng Lợi có 28 xã viên với 4,7 ha diện tích đất trồng rau. Cánh đồng trồng rau của HTX rộng và được quy hoạch rất khoa học, hệ thống nước tưới chủ yếu lấy từ các giếng nước đào ngay tại ruộng, đất đai khá phì nhiêu phù hợp cho canh tác rau. Các sản phẩm vụ hè thu này của HTX gồm có các loại rau: cải xanh, xà lách, tần ô, dền, muống, hành, quế… Theo ông Nguyễn Nhung, Chủ nhiệm HTX RAT Thắng Lợi, mỗi ngày HTX mua được hơn 1,5 tấn rau an toàn của xã viên và phân bổ cho các chợ huyện trong toàn tỉnh. Sản xuất theo chu trình an toàn, rau phát triển tốt, đồng thời các xã viên giảm được khoảng 10% tiền chi phí cho phun xịt thuốc, phân bón, tính ra mỗi năm 1 ha trồng rau an toàn tiết kiệm được 10 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Vinh, xã viên HTX RAT Thắng Lợi cho biết: Gia đình anh đã gắn bó với nghề trồng rau hơn 10 năm và hiện có 4.000 m² đất trồng rau. “Gần đây, tham gia HTX trồng rau theo hướng an toàn, tôi nhận thấy hình thức này có nhiều ưu điểm như rau trồng đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, giá rau bán ra vẫn chưa cao và không ổn định”. Anh Nguyễn Văn Thiết một xã viên khác có 2.000 m² đất trồng rau cho biết, năm vừa rồi gia đình anh thu được khoảng 30 triệu đồng tiền lãi từ trồng rau an toàn, cao hơn so với trồng rau bình thường được gần 3 triệu đồng... “Thực tế đồng tiền lãi này vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra, bởi chăm sóc rau an toàn vất vả hơn nhiều so với trồng rau bình thường”, anh Thiết chia sẻ.
Cái khó của HTX RAT Thắng Lợi hiện nay là vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên giá cả bấp bênh, không hơn rau bình thường là mấy. "Thị trường chủ yếu của chúng tôi là các chợ huyện, nên rau ra chợ phải bán với giá tương đương với rau thường, trong khi đó, RAT có quy trình chăm sóc rất khắt khe, phức tạp… Nếu tình trạng này không được cải thiện thì những người làm RAT như chúng tôi rất thiệt thòi và khó trụ được lâu dài”, ông Nhung Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi cho biết.
Thực tế, khi bán tại các chợ thì rau an toàn cũng chẳng khác gì các loại rau được trồng theo cách thông thường nên giá bán chưa cao. Người mua thường có thị hiếu mua rau trông xanh non mà chưa phân biệt được đâu là rau “sạch” đâu là rau “bẩn”. Giá bán của RAT vì thế cũng khó có thể cao hơn so với các loại rau thường. “Chúng tôi rất mong muốn được tỉnh quan tâm giúp chúng tôi xây dựng thương hiệu cho rau HTX RAT Thắng Lợi để nghề trồng rau ở đây được mở rộng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế xứng đáng cho bà con xã viên”, ông Nhung cũng nói.