Hững Hờ Với Cây Trồng Tỷ Đô
Tiềm năng của cây Mắc ca là rất lớn. Hạt Mắc ca chưa phải là thói quen sử dụng của người Việt Nam. Điều đó dẫn đến đầu ra tiêu thụ của sản phẩm Mắc ca hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.
Một nông dân ở Tây Nguyên đã từng nhìn vài hecta Mắc ca của mình, nói: “4 năm nữa là tôi có thể đi máy bay ra thăm Hà Nội đấy”. Người nông dân này hoàn toàn có thể đi máy bay ra Hà Nội khi cây Mắc ca được trồng theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao… Tuy nhiên, hiện cây trồng này chưa thực sự nhận được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng.
Được đánh giá là “cây trồng tỷ đô”, tuy nhiên sau hơn 10 năm đến với các vùng đất của Việt Nam, Mắc ca mới phát triển được khoảng 1.000 ha (đứng thứ 11 trong 17 nước có diện tích Mắc ca lớn trên thế giới). Xuất xứ từ Úc, có giá trị dinh dưỡng cao, Mắc ca được mệnh danh là “Hoàng hậu” của các loại hạt.
PGS. Phạm Đức Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết, trong nhiều năm qua, Mắc ca là cây được nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy sẽ còn lâu cung mới đuổi kịp cầu.
Hiện nay, sản lượng Mắc ca trên toàn thế giới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng và thị trường bình quân đạt khoảng 15%/năm. Tuy nhiên, sẽ phải nâng diện tích gấp hàng trăm lần hiện nay mới đủ bão hòa thị trường.
Các dự báo thị trường đều cho rằng, giá nhân Mắc ca còn tăng mạnh trong tương lai, dù đang là hàng nông sản đắt nhất thế giới. Với giá bán như hiện nay, 1 ha Mắc ca mang tới thu nhập 2.000 - 3.000 USD cho nông dân (15 USD/kg). Trong sản xuất thức ăn, giá trị có thể gấp 3 lần và trong sản xuất mỹ phẩm, giá trị tăng lên 20 lần, tương đương với 280 USD/kg.
Tiềm năng của cây Mắc ca là rất lớn, nhưng những nông dân biết được sự tồn tại của nó lại là số ít. Khi hỏi về hạt Mắc ca ở chợ, các tiểu thương vẫn lắc đầu, chứng tỏ họ chưa biết. Như vậy, hạt Mắc ca chưa phải là thói quen sử dụng của người Việt Nam. Điều đó dẫn đến đầu ra tiêu thụ của sản phẩm Mắc ca hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức (Đăk Nông) cho biết, việc tổ chức trồng cây Mắc ca vẫn mang tính tự phát từ trồng cho tới thu mua. Ông Ba Nhung, một sĩ quan quân đội về hưu ở Đăk Lăk lại cho hay, hiện nay thực trạng trồng cây Mắc ca rất manh mún, rời rạc chứ chưa thành trật tự.
Trong khi đó, việc mở rộng diện tích trồng Mắc ca lại là vấn đề không đơn giản do loại cây này yêu cầu khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt. Ở Việt Nam nổi lên với 2 vùng khí hậu đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển cây Mắc ca là Tây Bắc và Tây Nguyên.
Các vùng khác không có điều kiện thích hợp, nhưng nếu thấy lợi có thể bà con nông dân vẫn trồng. Điều này sẽ dẫn đến nguồn cung ồ ạt, tự phát, Nhà nước khó mà kiểm soát được.
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn - người đầu tiên đưa cây Mắc ca về trồng tại Việt Nam - khuyến cáo, rủi ro cuối cùng là người người nông dân phải gánh chịu. Vì vậy, khi đưa một cây trồng mới vào thì phải thận trọng, khoa học phải đi trước nghĩa là phải kiểm nghiệm trồng ở đâu thì thích hợp cho năng suất cao.
Thứ hai là thị trường, nông dân không thể làm tự phát và tự lo thị trường. Các bộ, ngành hãy kêu gọi DN tự nghiên cứu thị trường rồi bỏ vốn ra xây dựng mô hình cho nông dân và tiêu thụ sản phẩm.
Trong lịch sử nông nghiệp Việt Nam đã có không ít cây trồng được chuyên gia đánh giá là có lợi thế và tiềm năng nhưng sau đó đã thất bại. Có thể thấy rằng, Mắc ca đúng là cây trồng tỷ đô, nhưng nếu không có chiến lược quy hoạch, hướng dẫn cụ thể, bà con nông dân rất dễ dẫm lên vết xe đổ của các cây trồng đã từng thất bại ở Việt Nam.
Nếu không cẩn thận, nông dân có thể sai lầm ngay từ khâu chọn giống, khi chọn phải giống không rụng trái hay dễ bị gẫy đổ. Hơn nữa, phải đợi đến 4 năm mới có thể thu lợi từ cây Mắc ca gây khó cho bà con về vốn đầu tư… Vì vậy, với cây Mắc ca cần phải có chương trình cụ thể, chủ động trong việc quy hoạch cũng như tiêu thụ.
Ông Ba Nhung góp ý, những người trồng cây Mắc ca nên thành lập câu lạc bộ để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm thị trường đầu ra chứ đừng mạnh ai nấy làm. Như mô hình DN cung cấp giống, kỹ thuật, chế biến và tìm thị trường tiêu thụ. Nông dân tự lo phân bón và chăm sóc. Liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân.
Một giám đốc DN đã từng nhiều năm công tác ở Úc nêu thêm vấn đề, 1 kg hạt Mắc ca bán ở Việt Nam chỉ với giá 40.000 đồng, trong khi siêu thị của Úc bán gói Mắc ca 200 gram đã mười mấy USD. Vậy tại sao chúng ta không cải tiến công nghệ để chế biến sản phẩm tinh chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm thô? Bởi thông qua chế biến thì giá trị có thể tăng gấp 5 - 10 lần.
Có thể bạn quan tâm
Theo Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15/01/2015 toàn bộ các nhà máy đường đã vào sản xuất niên vụ 2014-2015, các nhà máy đã ép được 5.618.900 tấn mía, sản xuất được 505.950 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1.359.100 tấn, lượng đường giảm 97.650 tấn.
Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 21,82% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong năm 2014 đạt 1,709 tỷ USD, tăng 17,29% so với năm 2013.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 859 triệu USD, giảm 11,8%; thuỷ sản ước đạt 412 triệu USD, giảm 25,6%; lâm sản chính ước đạt 520 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam với 30,16% thị phần. Khối lượng gạo XK sang thị trường này trong năm 2014 đạt 2,018 triệu tấn với giá trị đạt 891 triệu USD, giảm 6,08% về lượng và 1% về giá trị.
Theo Quyết định này, Nhà nước có nhiệm vụ định hướng, khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu đồng thời có chính sách ưu đãi để tạo động lực thúc đẩy mở rộng quy mô vùng nguyên liệu; Chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa thương nhân và nông dân; gắn kết lợi ích với trách nhiệm của các bên trong quan hệ liên kết.