Hồng không hạt Bắc Kạn
Với chất lượng thơm ngon, ăn giòn, không chát, quả không có hạt, cho hiệu quả kinh tế cao, hồng Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Đây là cây ăn quả á nhiệt đới bản địa (trên 100 năm) được trồng nhiều ở các xã Nam Cường, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Tân Lập, Ngọc Phát (huyện Chợ Đồn), Đông Phúc, Quảng Khê, Hoàng Trĩ, Khang Ninh, Thượng Giáo, Địa Linh, Cao Trí (huyện Ba Bể), Trung Hòa, Lãng Ngâm và thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn).
Hồng không có hạt, vỏ màu vàng hoặc màu đỏ, tai quả to, 3 - 4 tai, quả không cứng và không chát có hình tròn hoặc tròn dài, vỏ nhẵn, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm (nên còn gọi là hồng ngâm), nhiều cát đường và rất giòn.
Mùa trồng hồng vào khoảng tháng 7 âm lịch hàng năm, trồng từ 4 - 5 năm cây sẽ cho thu hoạch. Cây thường ra hoa vào tháng 2 hàng năm, quả chín từ tháng 7, kéo dài đến giữa tháng 9 âm lịch, rộ nhất vào dịp Tết Trung thu.
Theo ông Hoàng Văn Phong ở thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, hồng không hạt dễ trồng, chỉ 2 - 3 năm bói quả, đến năm thứ 4 mỗi cây cho 8 - 10 kg quả, năm thứ 6 - 7 cho 20 - 25 kg quả/cây, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 60 triệu đồng/ha, gấp 3 - 4 lần trồng lúa.
Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 500 ha hồng không hạt, trong đó huyện Chợ Đồn và Ba Bể trồng nhiều nhất với gần 400 ha. Mỗi ha cho thu hoạch từ 8 - 10 tấn quả, trừ chi phí bà con thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Theo khuyến cáo của TS. Nguyễn Thế Huấn, Trường ĐH Thái Nguyên, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu trong quy trình kỹ thuật trồng hồng, bà con cần đặc biệt lưu ý thêm một số điểm sau đây:
- Chuẩn bị cây giống tốt cần đạt các tiêu chuẩn: Đúng giống, có nguồn gốc rõ ràng (nên lấy mắt ghép từ các cây đầu dòng đã được công nhận).
Nên trồng bằng cây ghép với các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, không sâu bệnh; chiều cao > 60 cm tính từ mặt bầu, đường kính gốc ghép đo cách mặt bầu 10 cm từ 1,0 - 1,2 cm; đường kính cành ghép đo cách vết ghép 2 cm từ 0,8 - 1,0 cm.
- Mật độ trồng thích hợp: 400 - 500 cây/ha (5 m x 5 m hoặc 4 m x 5 m).
- Cần lưu ý khi đốn tạo quả: Do cành mẹ chỉ sinh ra cành quả ở búp thứ nhất đến búp thứ ba tính từ ngọn xuống. Vì vậy khi đốn tỉa quả mà yếu cũng phải cắt bỏ từ chân những cành mẹ, cành quả yếu. Cành đã ra quả mà yếu cũng phải cắt tận chân.
Những cành khoẻ thì cắt phía trên nơi đã có quả, để lại 1 - 2 mầm làm cành mẹ cho năm sau, ở cành gốc chọn 1 - 2 cành mẹ khoẻ nhất. Đốn tỉa cành, chọn cành mẹ hợp lý sẽ cho nhiều quả to với chất lượng tốt.
- Xử lý quả sau thu hoạch: Quả sau khi hái xuống vẫn cứng và ăn rất chát phải ngâm trong nước sạch ngập khoảng 15 - 20 cm, ngâm trong 3 ngày 3 đêm (1,5 ngày phải thay nước và không được ngâm bằng nước mưa).
Sau khi ngâm vớt hồng ra rửa sạch rồi hong cho ráo nước là có thể ăn được.
Có thể bạn quan tâm
Không tốn nhiều thời gian chăm sóc, chi phí phân, thuốc, nông dân Nguyễn Hữu Nhi, ấp Mương Điều B, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) trồng mía trên diện tích 2.000 m2, mỗi năm 1 vụ cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Mô hình này đang được chi bộ ấp phát động nhân rộng để tăng thu nhập cho nông dân.
Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết, trong những ngày gần đây, tình hình dịch hại trên cây lúa của tỉnh Lâm Đồng đang có chiều hướng gia tăng.
Cây khoai mì (sắn) hiện là cây công nghiệp chủ lực và thu cả tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ tập trung vào thương lái, người nông dân trồng khoai vẫn nghèo.
Vụ thu hoạch tiêu năm nay, người nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) rất phấn khởi vì tiêu được mùa. Với giá 124.000/kg như hiện nay, nhiều hộ trồng tiêu có nguồn thu hàng tỷ đồng.
Qua nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã định hình là vùng sản xuất hồ tiêu tập trung lớn nhất của tỉnh. Hiện tại, để cây hồ tiêu có “tên tuổi” trên thị trường trong nước và quốc tế, địa phương đang tích cực bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu.