Hốt bạc dễ như chơi từ những thứ tưởng như vứt đi
Đổi cùi bắp, lá khoai lấy ngoại tệ
Ông Đỗ Nguyễn Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Phương Nguyên Phát (TP.
Biên Hòa, Đồng Nai) – đơn vị có nhiều năm xuất khẩu các mặt hàng phế phẩm từ nông, lâm nghiệp cho biết, từ chỗ các đơn vị kinh doanh ngành phế phẩm nông nghiệp (rác nông nghiệp) chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay không chỉ DN trong nước mà DN nước ngoài cũng tham gia vào thị trường này.
Hiện danh sách xuất khẩu các mặt hàng của công ty giờ đã hơn 10 sản phẩm- thân bắp, cùi bắp (ngô), vỏ lụa, vỏ hạt điều, vỏ cà phê, dầu từ vỏ hạt điều, bã vỏ hạt điều, bột vỏ quả dừa.
Theo ông Hồ Sáu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nông Lâm (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), hiện công ty đang xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản sản phẩm thức ăn gia súc ủ chua chủ yếu từ phụ phẩm cây bắp thu mua trong dân.
Trung bình mỗi tháng ông xuất khoảng 4.000 – 5.000 tấn thức ăn gia súc ủ chua.
Ông Sáu cho biết, sau khi bắp trồng khoảng 80 ngày, ông cho chặt rồi đưa cả nguyên cây vào máy băm ngay để giữ chất tươi.
Sau khi băm ông cho xử lý lên men rồi đem ủ chua trong những bao tới 600kg.
Nếu đối tác có yêu cầu ông đưa thêm phụ gia vào sản phẩm rồi xuất khẩu.
“Sản phẩm này rất bổ dưỡng cho gia súc.
DN Hàn Quốc, Nhật Bản nhập về bán cho những trang trại nuôi bò”- ông Hồ Sáu nói.
Còn Công ty Tân Đông (Thủ Đức, TP.HCM) lại “hốt bạc” dễ như chơi từ những loại lá tưởng chừng như vứt đi.
Ông Trần Thanh Phú- Giám đốc công ty cho biết, mỗi năm Công ty Tân Đông xuất khẩu trên 100 tấn lá khoai mì sang châu Âu dùng làm thực phẩm.
“Nhu cầu về lá khoai mì, lá dứa, lá dong cũng như các loại lá thơm và đặc sản của Việt Nam vẫn tiếp tục được khách hàng tại châu Âu ưa chuộng.
Hiện mỗi tháng công ty này xuất khẩu 5-6 container các loại lá, bánh và nông sản của Việt Nam sang thị trường EU.
Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu các loại lá của Tân Đông đạt hơn 150.000 USD/năm” – ông Phú nói.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Nông sản bao bì Long An (thị xã Tân An, Long An) được xem như đơn vị xuất khẩu ăn nên làm ra với sản phẩm rơm.
Mỗi năm công ty thu mua khoảng 300 tấn rơm trên địa bàn với 2 dòng sản phẩm thu mua- rơm xanh và rơm vàng.
Sau đó gia công, chế biến thành các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu.
Hiện công ty đã sản xuất hơn 1.500 mặt hàng từ rơm.
Thị trường chính các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ rơm của công ty là Đài Loan, Nhật...
Ông Phạm Văn Tỏ - Giám đốc công ty cho biết, mỗi năm công ty xuất khẩu 150 container hàng rơm đi các nước với doanh thu khoảng 1 triệu USD.
Tìm hướng phát triển bền vững
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruits), ngày càng có nhiều công ty trong nước tận dụng các phụ phẩm như vỏ, lõi, cuống...
để chế biến thức ăn cho gia súc xuất khẩu.
"Nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng này rất lớn, nhưng Việt Nam chưa tận dụng tốt do sản xuất không tập trung, sử dụng nguồn nguyên liệu này còn lãng phí..."- Phó Chủ tịch Vinafruits Huỳnh Quang Ðấu nói.
Để tận dụng cơ hội này, thời gian qua phần lớn DN tham gia thị trường ngành sản xuất - kinh doanh phế phẩm nông-lâm nghiệp nhưng chủ yếu theo kiểu “ăn liền”.
Ví như, ngành sản xuất dầu từ vỏ hạt điều, thời gian trước, các cơ sở, DN chủ yếu làm theo kiểu thủ công, ép dầu thô bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc.
Chính vì thế, qua thời gian, một số doanh nghiệp càng teo tóp sản phẩm xuất đi các nước.
Hiện nay, các DN đã bắt đầu đầu tư bài bản theo hướng phát triển bền vững.
Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại để tinh chế từ dầu thô ra nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao hơn: Dầu cardanol, bột ma sát.
Thị trường xuất khẩu mở rộng sang EU, Nhật Bản…
“Chúng tôi đã đầu tư thêm 2 dây chuyền chế biến để mở rộng xuất khẩu nhiều loại phế phẩm nông nghiệp khác, nhằm phát triển ngành sản xuất này và mở rộng thị trường ở các nước châu Âu”-ông Hồ Sáu nói.
Tuy nhiên, theo ông, đây là thị trường rất khó tính.
Họ kiểm tra rất chặt chất lượng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo– đại diện DN tư nhân xuất nhập khẩu Huy Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết, trước đây thị trường xuất khẩu chính của DN có hơn 30 nước như Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ, Nam Phi, Trung Đông… với nhiều sản phẩm xuất khẩu từ dừa, thì hiện nay chủ yếu là xuất đi Hàn Quốc với chủ lực là thảm và lưới xơ dừa.
Trung bình mỗi tháng DN xuất đi 3–4 container (loại 40 feet).
Đứng trước việc phát triển mạnh của một số công ty xuất khẩu phụ phẩm nông-lâm nghiệp trên địa bàn, thời gian qua Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai làm cầu nối để kết nối các DN này với các DN nước ngoài đến làm ăn trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Minh Đạo – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong các cuộc họp giữa tỉnh với DN nước ngoài, chúng tôi chủ động mời thêm DN xuất khẩu phụ phẩm nông nghiệp tham gia để giúp họ tìm đối tác xuất khẩu sản phẩm.
Chúng tôi đánh giá cao và khuyến khích các DN xuất khẩu phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất hơn nữa thông qua các chương trình hỗ trợ của tỉnh”.
Theo Bộ NNPTNT, mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 36 - 37 triệu tấn lúa, 17 - 18 triệu tấn mía và 4,5 triệu tấn ngô...
Ước tính, lượng phụ phẩm trong nông nghiệp tạo ra hơn 50 triệu tấn/năm.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh đã chính thức có văn bản đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) đầu tư trồng và quản lý bảo vệ, khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ và trồng cây dược liệu.
Năm 2015, được sự quan tâm và đầu tư kinh phí của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện Tây Sơn đã tiếp nhận và triển khai thực hiện mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở giai đoạn bê con.
Công ty cổ phần Vật tư - Kỹ thuật nông nghiệp (VTKTNN) Bình Định là một trong số 100 doanh nghiệp (DN) toàn quốc, và là 1 trong số 2 DN tại Bình Định (cùng Công ty cổ phần Xây dựng 47), vinh dự được Bộ NN&PTNT tặng danh hiệu “DN vì nhà nông” lần thứ I - 2015.
Trong 70 năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi không ngừng lớn mạnh và gặt hái những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, tích cực cải thiện đời sống của người dân, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.
Mặc dù nhông là con vật dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh, thế nhưng chỉ sau vài năm thành lập Tổ hợp tác nuôi nhông xã Bình Thạnh (Bình Sơn), từ 24 thành viên, đến nay chỉ còn vài hộ giữ lại nghề này...