Dù Được Trợ Sức, Ngư Dân Vẫn Khó
Dù được Nhà nước triển khai các chính sách hỗ trợ trong quá trình khai thác hải sản, nhưng nhiều ngư dân chuyên câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi sản lượng khai thác và giá cá giảm. Theo thống kê của Sở NN-PTNT sản lượng cá ngừ từ đầu năm đến nay ước đạt 4.250 tấn, giảm so với năm trước 29,8%.
Chi phí tăng, sản lượng giảm
Là 1 trong 3 tỉnh tiên phong trong nghề khai thác cá ngừ đại dương, Phú Yên hiện có hơn 1.000 tàu cá công suất trên 90CV chuyên đánh bắt ở vùng biển xa bờ. Thời gian gần đây, hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân đang gặp nhiều khó khăn. Ngư dân không chỉ đối mặt với những rủi ro trên biển do diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, việc lo kinh phí cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng đã làm cho ngư dân thêm khó.
Theo ông Lê Văn Giúp, tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn số 9, phường 6 (TP Tuy Hòa), hiện chi phí cho một chuyến biển tăng khoảng 30% so với năm trước, nhưng sản lượng cá đánh bắt đang có chiều hướng giảm lúc cuối vụ, làm cho nhiều ngư dân trong tổ không còn đủ sức để ra khơi. Trong khi đó, trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền Việt Nam mà lâu nay ngư dân vẫn thường khai thác đã xảy ra tình trạng tàu cá nước ngoài xâm phạm để đánh bắt, có khi còn bị uy hiếp, ngăn cản khiến việc làm ăn của ngư dân gặp khó.
Với 1 tàu câu cá ngừ đại dương có công suất khoảng 160CV, bình quân mỗi chuyến biển khoảng một tháng tiêu thụ khoảng 5.500 lít dầu diezel và khoảng 900 cây đá. Với giá dầu hơn 22.000 đồng/lít, giá đá lạnh 15.000 đồng/cây, cộng với các khoản chi phí khác thì tổng chi phí từ 180 đến 200 triệu đồng. Trong khi đó, giá cá ngừ đại dương ngày càng giảm, đầu vụ giá cá ngừ loại 1 có thời điểm lên đến 170.000 đồng/kg, còn hiện nay chỉ 135.000 đồng/kg, vì vậy mỗi chuyến biển ngư dân phải đánh bắt ít nhất 1,4 tấn cá loại 1 thì may ra có lãi.
Gần đây, nhiều tàu câu cá của ngư dân Phú Yên cặp bến chỉ đánh bắt được từ 700kg đến 1 tấn cá, tính ra mỗi chuyến bị lỗ khoảng 70 triệu đồng. Đặc biệt, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5/2013 (thời điểm chính vụ khai thác cá ngừ đại dương) có hơn 80% tàu cá đánh bắt xa bờ phải nằm bờ. Nguyên nhân là do chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi sản lượng đánh bắt giảm, giá cá chỉ khoảng 100.000 đồng/kg.
Chính vì làm ăn thua lỗ nên nhiều tàu khai thác xa bờ không thể ra khơi. Ông Võ Đốc, thuyền trưởng tàu PY92691TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tàu tôi chỉ ra khơi 6 chuyến, trong đó có đến 3 chuyến bị lỗ tổn tổng cộng gần 170 triệu đồng. Riêng chuyến biển mới đây nhất bị ảnh hưởng bão số 15 tàu cá bị hư hỏng nặng, ước tính chi phí sửa chữa vài trăm triệu đồng”.
Hơn 63 tỉ đồng hỗ trợ cho ngư dân
Theo Đồn Biên phòng Tuy Hòa, hiện trên địa bàn TP Tuy Hòa có 20 tổ tàu thuyền an toàn với 148 phương tiện (1.410 thuyền viên) chuyên đánh bắt hải sản xa bờ. Mặc dù từ đầu năm đến nay hoạt động khai thác của bà con không mang lại kết quả như mong muốn, nhưng nhờ tỉnh và các ngành chức năng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ nên ngư dân có điều kiện tiếp tục bám biển.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Trong 2 năm (2011-2012), Phú Yên đã thực hiện hỗ trợ cho gần 2.200 chuyến biển, trang bị hơn 320 máy thông tin liên lạc cho các tàu thuyền đủ điều kiện và trang bị một trạm thông tin liên lạc bờ với số tiền hơn 63,7 tỉ đồng theo chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Riêng từ đầu năm đến nay, Phú Yên đã hỗ trợ 3 đợt cho ngư dân khai thác vùng biển xa với số tiền hơn 44 tỉ đồng. Hiện UBND tỉnh đang tiếp tục xem xét hỗ trợ tiếp các tàu đủ điều kiện.
Ông Lê Văn Giúp, cho biết: “Tổ tàu thuyền an toàn số 9 được thành lập từ năm 2004, hiện tổ có 9 tàu cùng nghề khai thác cá ngừ đại dương với 92 thành viên tham gia sinh hoạt. Việc thông tin tình hình từ ngoài biển vào bờ và từ bờ đến các phương tiện đang khai thác hải sản trên biển được thực hiện thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, các thành viên trong tổ đã báo cáo hơn 50 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự trên biển cho bộ đội biên phòng.
Các tàu thuyền trong tổ còn tham gia cứu hộ, cứu nạn, lai dắt hơn 30 tàu thuyền và cứu 7 người nước ngoài bị nạn trên biển. Nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân thời gian qua của Nhà nước đã tạo điều kiện và trợ giúp đắc lực để ngư dân tiếp tục bám biển làm ăn. Trong thời gian tới, chúng tôi mong Nhà nước tiếp tục có nhiều chính sách trợ giúp cho ngư dân…”.
Riêng Đồn Biên phòng Tuy Hòa, từ đầu năm đến nay đã phối hợp với các tổ tàu thuyền an toàn tổ chức cứu hộ 24 phương tiện bị nạn, thông báo cho hơn 1.275 lượt tàu thuyền tìm nơi trú ẩn khi có bão và áp thấp nhiệt đới. Ngoài việc giúp nhau cứu hộ, cứu nạn trên biển, các tổ tàu thuyền an toàn còn phát hiện, cung cấp thông tin kịp thời cho bộ đội biên phòng về những tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác trên địa bàn tỉnh khoảng 47.470 tấn thủy sản các loại, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 4.250 tấn, giảm so với cùng kỳ năm trước hơn 29,8%. Nhiều chủ tàu bị lỗ vốn, hoạt động khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, có thời điểm 80% tàu cá phải nằm bờ. Trước tình hình này, Sở NN-PTNT đang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ để ngư dân có điều kiện tiếp tục khai thác vùng biển xa.
Có thể bạn quan tâm
Tham gia cổ phần với doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản để khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương - chuyện tưởng chỉ có trong mơ của ngư dân miền Trung - lại đang được triển khai thí điểm. Đây là cơ hội lớn để ngư dân Việt Nam chuyển mình, thay đổi cách làm nhằm nâng cao lợi nhuận.
Do thời tiết diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho quá trình nuôi tôm. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, quản lý ao nuôi không hợp lý, chất lượng con giống không đảm bảo nên đã có hiện tượng tôm chết xảy ra ở một số ao nuôi tôm công nghiệp trên địa huyện Đầm Dơi (Cà Mau).
Trong đó, sản lượng thủy sản nước lợ, mặn đạt 5.435,5 tấn các loại (tôm chân trắng, tôm sú, cua, cá…), tăng 33,7%; sản lượng nước ngọt 3.468,9 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá tôm chân trắng tăng nhẹ, riêng tôm sú và cá nước lợ tăng cao. Tôm sú loại 40 con/kg có giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg; cá dìa, cá đối, cá kình trên 150.000 đồng/kg; cua có giá 150.000- 170.000 đồng/kg.
Những năm gần đây, cùng với quá trình mở rộng diện tích tăng mật độ nuôi tôm, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, diễn biến dịch bệnh trên tôm khó kiểm soát. Năm 2014, người nuôi tôm Quỳnh Lưu (Nghệ An) đối diện với tình trạng tôm bị bệnh gan tụy, tôm chậm lớn, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Hiện nay, Hoàng Diệu (Thái Bình) chỉ còn 2.500/4.129 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi có gần 800 hộ với quy mô nhỏ lẻ. Một trong những điểm sáng về chăn nuôi của Hoàng Diệu là mô hình gia trại nuôi lợn rừng của ông Phạm Ðình Phiếm ở tổ 24.