Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm Chân Trắng Tiềm Năng Và Thách Thức

Tôm Chân Trắng Tiềm Năng Và Thách Thức
Ngày đăng: 05/12/2013

Qua hơn 1 năm chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Trà Vinh, mùa tôm năm 2013 ở Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú,… diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh. Con tôm thẻ chân trắng đã “soán ngôi” con tôm sú về năng suất, sản lượng tăng 10 lần so năm 2012.

Với ưu điểm thời gian nuôi ngắn, ngưỡng chịu mặn rộng, lợi nhuận trước mắt cao hơn tôm sú, đã tạo nên sức hút mới đối với nông dân. Thế nhưng, bên cạnh tiềm năng đang mở ra một thách thức mới cho các nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân khi diện tích phát triển ồ ạt, phá vỡ qui hoạch liệu con tôm thẻ chân trắng có “đột quỵ” như con tôm sú khi môi trường ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan…

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao tôm sú của ông Lương Văn Tốt cho thu nhập hơn 850 triệu đồng/ha

Nông dân Cầu Ngang ồ ạt mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2014

Tôm sú “đột quỵ”- tôm chân trắng lên ngôi!

Thu hoạch trên 60 tấn tôm thẻ chân trắng với diện tích nuôi 8 ha, bán được trên 7 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư ban đầu hơn 1,5 tỷ đồng, lãi ròng hơn 2,5 tỷ đồng, ông Lương Văn Tốt, ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh được xếp vào tốp 10 “kiện tướng” nuôi tôm chân trắng có mức lợi nhuận cao nhất tỉnh.

Ông Tốt kể: Trước đây tôi từng nuôi tôm sú nhưng thành công thì ít thất bại thì nhiều. Năm 2013, tôi đầu tư thả nuôi hơn 3,2 triệu con giống tôm chân trắng, sau 3 tháng nuôi 1 ha cho thu nhập tương đương 850 triệu đồng, con tôm thẻ chân trắng đang lên ngôi, có sức hấp dẫn cực mạnh đối với nông dân.

Qua nhiều năm nuôi tôm sú năm được năm mất, năm 2013, ông Ngô Văn Kim, ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông chuyển 4,5 công đất nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng, sau gần 3 tháng nuôi, ông thu lãi hơn 330 triệu đồng. Thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú 1,5 đến 2 tháng, nhưng lợi nhuận thì hấp dẫn không thua tôm sú.

Không riêng ông Tốt, ông Kim mà tại các địa phương như: Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang; Long Toàn, Long Vĩnh, Hiệp Thạnh, Long Hữu,… huyện Duyên Hải, sau hơn 1 năm chuyển đổi nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng, vụ tôm 2013 nhiều nông dân đạt lợi nhuận từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.

Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng NN&PTNT Cầu Ngang đánh giá, năm 2013 trên địa bàn huyện có 5.458 lượt hộ thả nuôi hơn 508 triệu con tôm sú giống trên diện tích 3.203 ha.Trong này có hơn 53% diện tích thả nuôi bị thiệt hại. Sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch được 4 ngàn 152 tấn, đạt 55,66% kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, mô hình nuôi tôm chân trắng có 2.133 lượt hộ thả nuôi với lượng con giống 556 triệu con, diện tích thả nuôi trên 1.442 ha (chỉ bằng 45% diện tích nuôi tôm sú) nhưng sản lượng tôm thương phẩm đạt khoảng 8 ngàn tấn (gần gấp 2 lần sản lượng tôm sú), hơn 83,90% hộ nuôi có lãi.

Đây là thành công bước đầu mở ra triển vọng mới trong đa dạng con nuôi thủy sản ở Cầu Ngang. Và là lần đầu tiên tôm thẻ chân trắng vượt mặt tôm sú cả về sản lượng lẫn giá trị kinh tế xuất khẩu… Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, năm 2013 toàn tỉnh có trên 26.000 lượt hộ thả nuôi hơn 2,14 tỷ con tôm sú giống trên tổng diện tích hơn 26.0000 ha mặt nước.

Tổng sản lượng tôm sú đạt gần 14.000, tăng hơn 41% so với năm 2012. Riêng tôm thẻ chân trắng năm 2013, Trà Vinh có 3.700 lượt hộ thả nuôi gần 1,1 tỷ con tôm thẻ chân trắng. Tuy diện tích thả nuôi tôm chân trắng khoảng 2.323 ha (chưa bằng 10% diện tích tôm sú), nhưng tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt gần 10.500 tấn, tăng khoảng 10 ngàn tấn so với năm 2012.

Tiềm năng đang mở, thách thức đặt ra!

Có thể nói, tiềm năng, hiệu quả kinh tế nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú trong mục tiêu đa dạng con nuôi thủy sản vùng ven biển theo chỉ đạo của UBND tỉnh là hướng đi đúng, đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng đang mở ra, thách thức mới lại đặt ra. Tỷ phú tôm chân trắng Phạm Văn Tốt, ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang chia sẻ: “Qui trình nuôi tôm thẻ thâm canh, bán thâm canh (công nghiệp, bán công nghiệp) cũng giống như tôm sú, nhưng thời gian nuôi ngắn hạn chế được rủi ro “đánh đố với trời”, giá cả cũng hấp dẫn, đây là ưu điểm vượt trội so với tôm sú.

Thế nhưng, để nuôi thành công tôm thẻ chân trắng phải hội đủ điều kiện: vốn đầu tư cao hơn tôm sú do qui trình nuôi chủ yếu là công nghiệp, bán công nghiệp, mật độ nuôi dày từ 60 đến 150 con/m2 (tùy qui trình nuôi) nên nguồn điện phải đảm bảo (điện 3 pha), nếu sử dụng máy nổ chi phí sẽ cao gấp 2 đến 3 lần giá điện, lợi nhuận giảm đi. Một vấn đề quan trọng trong nuôi tôm chân trắng, ngoài con giống sạch bệnh thì việc xử lý môi trường, nguồn nước ao nuôi, dịch bệnh là yếu tố tiên quyết mang thành công.

Bởi lẽ, ngoài các dịch bệnh giống như tôm sú thì bệnh Hội chứng Taura trên tôm thẻ chân trắng cũng rất nguy hiểm. Có chung tâm trạng như ông Tốt, tỷ phú tôm chân trắng Cao Hữu Hiền, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang lo lắng: “Tôi có 4 ha nuôi tôm chân trắng, năm 2013, thả nuôi 3 triệu con giống, 30% diện tích bị nhiễm bệnh chết, tôi phải thả lại lần 2, cuối vụ thu hoạch 31 tấn tôm thương phẩm, bán được 3,5 tỷ đồng, lãi hơn 1 tỷ đồng.

Do mật độ nuôi dày 150 con/m2 nên dịch bệnh dễ xảy ra, nếu con giống không tốt, môi trường bất lợi…con tôm chân trắng cũng “đổ bệnh” như tôm sú. Từ thành công bước đầu 2013 và trước sức hút trúng mùa, tôm thương phẩm được giá. Cụ thể, hiện tôm chân trắng cỡ 60-70 con/kg đang được mua cao nhất với giá 165.000 đồng/kg, cỡ 100-110 con/kg có giá 140.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2012 và là giá cao nhất từ trước đến nay, đang tạo ra “cơn lốc” nhà nhà,người người đua nhau nuôi tôm thẻ chân trắng.

Mùa tôm mới 2014 ở Cầu Ngang đang vào vụ, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ở Cầu Ngang đang phát triển nóng, ồ ạt, phá vỡ qui hoạch, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng. Đây là điều mà các nhà quản lý nông nghiệp, chính quyền địa phương lo lắng khi diện tích tôm thẻ chân trắng dự báo tăng đột biến vụ nuôi 2014.

Thực tế hiện nay, trong khi nội tại nguồn lực nông dân, quản lý Nhà nước như: cơ sở hạ tầng điện, thủy lợi, vốn, con giống, kỹ thuật còn nhiều bất cập thì việc phát triển tôm thẻ chân trắng đại trà không tuân theo quy hoạch như hiện nay là một thách thức lớn. Mùa tôm mới 2014 bắt đầu, với tốc độ phát triển con tôm chân trắng chạy theo phong trào như hiện nay đã và đang đặt ra cho ngành chức năng về nguy cơ vượt tầm kiểm soát, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Thạc sĩ Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh phân tích: Năm 2014, theo dự báo của Tổng Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thì tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới sẽ khôi phục lại ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, từ đó sản lượng tôm thẻ chân trắng sẽ tăng lên.

Trong nước, từ thắng lợi vụ nuôi 2013, các tỉnh ĐBSCL sẽ đẩy mạnh diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, dẫn đến sản lượng tôm sẽ tăng mạnh. Tại Trà Vinh, khuyến cáo nông dân chỉ phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo qui trình thâm canh, bán thâm canh (công nghiệp, bán công nghiệp) theo cơ cấu hợp lý giữa tôm sú và tôm chân trắng. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có hơn 7.500 ha nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh.

Như vậy diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng không vượt quá 3.750 ha. Đặc biệt, bà con chỉ nên phát triển diện tích nuôi ở những vùng hội đủ điều kiện về nguồn điện, hệ thống thủy lợi tốt, giao thông thuận lợi. Chỉ phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh, không phát triển mô hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Theo các nhà khoa học khuyến cáo: sự phát triển tôm thẻ chân trắng ồ ạt, không tuân thủ qui hoạch có thể gây những tác hại về đa dạng sinh học cũng như nguồn nguyên liệu tôm sú bản địa.

Hiện nay diện tích tôm thẻ chân trắng đang phát triển ở Trà Vinh rất nóng, gây ra sự cạnh tranh gay gắt giữa hai loại tôm nội và ngoại. Môi trường ngày một ô nhiễm trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nếu không có giải pháp qui hoạch, phát triển đồng bộ, quản lý chặt chẽ vùng nuôi,… liệu con tôm thẻ chân trắng có phát triển bền vững như kỳ vọng đặt ra?.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II - Bộ NN&PTNT cho rằng: “Việc phát triển tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam gây nhiều quan ngại. Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống tôm này. Chi phí cho con giống khá lớn mà hiệu quả chưa ổn định. Nuôi trồng bền vững trước hết phải hạn chế được dịch bệnh. Ở Thái Lan chỉ cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp khép kín. Ở Indonesia cũng tương tự, họ chỉ cho phép nuôi ở khu nuôi công nghiệp riêng biệt.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Làm Giàu Từ Nuôi Ếch Mô Hình Làm Giàu Từ Nuôi Ếch

Mấy năm gần đây, khi đời sống khá lên thì người tiêu dùng lại có xu hướng ưa chuộng các món ăn đồng quê, dân dã. Nắm bắt thị hiếu trên, nhiều hộ dân ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi ếch. Đi đầu phải kể đến ông Hồ Văn Bảy (xã Hưng Phú, huyện Phước Long).

15/09/2014
Tân Kỳ (Nghệ An) Hiệu Quả Từ Nuôi Trồng Thủy Sản Tân Kỳ (Nghệ An) Hiệu Quả Từ Nuôi Trồng Thủy Sản

Những năm qua, kết hợp với chính sách hỗ trợ của nhà nước, nông dân huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã chuyển đổi được nhiều diện tích đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, tận dụng mặt nước hồ đập lớn để thả cá và nuôi cá lồng. Bởi vậy, hàng năm diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của Tân Kỳ tăng từ 40 - 50 ha, sản lượng đánh bắt cá năm sau cao hơn năm trước.

15/09/2014
Sóc Trăng Có Hơn 18.000 Ha Tôm Nước Lợ Bị Thiệt Hại Sóc Trăng Có Hơn 18.000 Ha Tôm Nước Lợ Bị Thiệt Hại

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có gần 60.000 ha, đạt gần 87% kế hoạch năm, trong đó, tôm nuôi nước lợ chiếm trên 42.000 ha. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại vẫn còn ở mức cao, với hơn 18.000 ha, chiếm trên 42% diện tích thả nuôi, tăng hơn 12% so với vụ tôm năm 2013.

15/09/2014
Xuất Khẩu Cá Tra Phấn Đấu Đạt 2,3 Tỷ USD Xuất Khẩu Cá Tra Phấn Đấu Đạt 2,3 Tỷ USD

Cũng theo Quyết định này, diện tích mặt nước nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL đến năm 2016 sẽ có tối đa là 5.400 ha và cho ra sản lượng từ 1,25 đến 1,3 triệu tấn cá tra nuôi. Ước tính, sản lượng này sẽ cho kim ngạch xuất khẩu vào khoảng từ 2 tỷ đến 2,3 tỷ USD.

15/09/2014
Tìm Giải Pháp Tối Ưu Khai Thác Và Xuất Khẩu Cá Ngừ Tìm Giải Pháp Tối Ưu Khai Thác Và Xuất Khẩu Cá Ngừ

Ngày 13/9, tại TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngừ với sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội nghề cá, cá ngừ Việt Nam, ngư dân 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa…

15/09/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.