Hội Nghị Bàn Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Giống Cá Tra
Ngày 29/01/2015, tại Đồng Tháp, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp trong sản xuất và quản lý nhằm nâng cao chất lượng giống cá tra”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền chủ trì Hội nghị.
Năm 2014, vùng ĐBSCL có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, trên 4.000 hộ ương dưỡng với diện tích hơn 2.250ha, sản lượng sản xuất hơn 2 tỷ con giống. Ngoài ra, tính đến nay, tổng số cá tra bố mẹ chất lượng cao do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA 2) cung cấp cho các tỉnh đạt 105.423 con, tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao, lên đến 22% (một số địa phương tỷ lệ thất thoát cao như Vĩnh Long, An Giang).
Mặc dù đã đáp ứng được về số lượng nhưng chất lượng giống cá tra xu hướng suy giảm. Việc sản xuất và cung ứng giống cá tra phần lớn do người dân phát triển tự phát, qui mô nhỏ, chất lượng con giống ngày càng suy giảm với những biểu hiện tỷ lệ dị hình cao, chậm lớn, dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là tỷ lệ sống trong ương dưỡng khá thấp, tỷ lệ ương từ cá bột lên cá hương chỉ đạt 20 - 24% và từ cá hương lên cá giống trung bình chỉ 21%.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng nguyên nhân chất lượng giống cá tra giảm mạnh như hiện nay do giá bán quá thấp, thậm chí không tiêu thụ được nên chủ các cơ sở sản xuất giống không đủ khả năng hoặc rất lơ là trong đầu tư nuôi vỗ đàn cá bố mẹ. Hiện tại, giá cá tra bột chỉ đạt khoảng 1 đồng/con, thậm chí nhiều thời điểm giá cá bột chỉ có 0,3 đồng/con.
Chính vì vậy, dù đàn cá bố mẹ có chất lượng tốt nhưng quy trình nuôi vỗ không đảm bảo kỹ thuật thì con giống vẫn không thể đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, do chạy theo lợi nhuận nên nhiều cơ sở chưa quan tâm cũng như không tuân thủ đúng quy trình sản xuất giống như cho sinh sản nhiều lần trong năm, lạm dụng kích dục tố, kích thước tham gia sinh sản chưa đạt yêu cầu….
Chính vì vậy, để cải thiện chất lượng cá tra giống nhằm đáp ứng nhu cầu con giống với 2 tỷ con trong năm 2015, các đại biểu đã thảo luận xung quanh những vấn đề về cơ chế chính sách cho việc sản xuất và quản lý chất lượng giống cá tra; chính sách vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất giống; quy hoạch vùng sản xuất giống; vấn đề về khoa học kỹ thuật cung cấp đàn cá bố mẹ cải thiện di truyền có tốc độ tăng trưởng tốt đảm bảo thay thế kịp thời đàn cá đã bị thoái hóa; công tác quản lý, kiểm dịch giống; kiểm tra chất lượng con giống; công tác đào tạo nguồn nhân lực sản xuất giống tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền cho biết, năm 2015, Tổng cục Thủy sản tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định về quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng giống cá tra quy định tại Thông tư 26, Thông tư 45, Quyết định số 1673 và Tiêu chuẩn TCVN 9963:2014.
Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tập trung công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý về chất lượng giống cá tra tại các tỉnh vùng ĐBSCL và thông báo lên cổng thông tin điện tử những cơ sở không đạt theo quy định và cơ sở nào đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đề nghị RIA 2 có kế hoạch nghiên cứu để kịp thời cung cấp đàn cá bố mẹ có chất lượng, các cơ sở ở từng địa phương đăng ký số lượng cá bố mẹ chọn giống gửi về Tổng cục Thủy sản để Tổng cục đặt hàng RIA 2.
Có thể bạn quan tâm
Đồng Tháp đang tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với 5 ngành hàng chủ lực gồm 3 cây, 2 con.
Ngày 24/9, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị sơ kết SX vụ hè thu, mùa 2015, triển khai kế hoạch SX vụ ĐX 2015- 2016 các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì.
Qua SX trình diễn 4 vụ, các đại biểu đều có nhận xét đây là giống lúa có TGST ngắn, tiềm năng năng suất cao, tính chống chịu tốt hơn hẳn so với các giống đang gieo cấy tại địa phương...
Ốc hương là loại thủy sản được nuôi với nhiều hình thức như nuôi trong đăng, trong lồng, trong bể xi măng và trong ao đất… có giá trị kinh tế cao song cũng nhiều rủi ro.
Buổi hội thảo đầu bờ giống lúa M1-NĐ ở xã Dị Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành sự kiện hiếm có ở nơi đây. Cơn sốt lên xứ Đoài