Hội Nghị Bàn Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Giống Cá Tra
Ngày 29/01/2015, tại Đồng Tháp, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp trong sản xuất và quản lý nhằm nâng cao chất lượng giống cá tra”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền chủ trì Hội nghị.
Năm 2014, vùng ĐBSCL có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, trên 4.000 hộ ương dưỡng với diện tích hơn 2.250ha, sản lượng sản xuất hơn 2 tỷ con giống. Ngoài ra, tính đến nay, tổng số cá tra bố mẹ chất lượng cao do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA 2) cung cấp cho các tỉnh đạt 105.423 con, tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao, lên đến 22% (một số địa phương tỷ lệ thất thoát cao như Vĩnh Long, An Giang).
Mặc dù đã đáp ứng được về số lượng nhưng chất lượng giống cá tra xu hướng suy giảm. Việc sản xuất và cung ứng giống cá tra phần lớn do người dân phát triển tự phát, qui mô nhỏ, chất lượng con giống ngày càng suy giảm với những biểu hiện tỷ lệ dị hình cao, chậm lớn, dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là tỷ lệ sống trong ương dưỡng khá thấp, tỷ lệ ương từ cá bột lên cá hương chỉ đạt 20 - 24% và từ cá hương lên cá giống trung bình chỉ 21%.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng nguyên nhân chất lượng giống cá tra giảm mạnh như hiện nay do giá bán quá thấp, thậm chí không tiêu thụ được nên chủ các cơ sở sản xuất giống không đủ khả năng hoặc rất lơ là trong đầu tư nuôi vỗ đàn cá bố mẹ. Hiện tại, giá cá tra bột chỉ đạt khoảng 1 đồng/con, thậm chí nhiều thời điểm giá cá bột chỉ có 0,3 đồng/con.
Chính vì vậy, dù đàn cá bố mẹ có chất lượng tốt nhưng quy trình nuôi vỗ không đảm bảo kỹ thuật thì con giống vẫn không thể đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, do chạy theo lợi nhuận nên nhiều cơ sở chưa quan tâm cũng như không tuân thủ đúng quy trình sản xuất giống như cho sinh sản nhiều lần trong năm, lạm dụng kích dục tố, kích thước tham gia sinh sản chưa đạt yêu cầu….
Chính vì vậy, để cải thiện chất lượng cá tra giống nhằm đáp ứng nhu cầu con giống với 2 tỷ con trong năm 2015, các đại biểu đã thảo luận xung quanh những vấn đề về cơ chế chính sách cho việc sản xuất và quản lý chất lượng giống cá tra; chính sách vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất giống; quy hoạch vùng sản xuất giống; vấn đề về khoa học kỹ thuật cung cấp đàn cá bố mẹ cải thiện di truyền có tốc độ tăng trưởng tốt đảm bảo thay thế kịp thời đàn cá đã bị thoái hóa; công tác quản lý, kiểm dịch giống; kiểm tra chất lượng con giống; công tác đào tạo nguồn nhân lực sản xuất giống tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền cho biết, năm 2015, Tổng cục Thủy sản tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định về quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng giống cá tra quy định tại Thông tư 26, Thông tư 45, Quyết định số 1673 và Tiêu chuẩn TCVN 9963:2014.
Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tập trung công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý về chất lượng giống cá tra tại các tỉnh vùng ĐBSCL và thông báo lên cổng thông tin điện tử những cơ sở không đạt theo quy định và cơ sở nào đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đề nghị RIA 2 có kế hoạch nghiên cứu để kịp thời cung cấp đàn cá bố mẹ có chất lượng, các cơ sở ở từng địa phương đăng ký số lượng cá bố mẹ chọn giống gửi về Tổng cục Thủy sản để Tổng cục đặt hàng RIA 2.
Related news
Tuy không làm giàu nhanh nhưng việc tận dụng ao vườn để thả nuôi các loại thủy - hải sản cũng tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Ông Lê Văn Nhịn ở Ấp 8 (xã Hòa Hiệp - Tam Bình - Vĩnh Long) đã “sống được” với mô hình nuôi tôm càng xanh.
Sau gần 5 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Trần Văn Hiếu, thôn Bích La, xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) đã rút ra một kinh nghiệm quý báu: “Với tiềm năng, thổ nhưỡng ở địa phương, muốn vươn lên khá giả cần phải có sự chuyển đổi trong cách thức làm kinh tế, đồng thời nắm bắt được nhu cầu thị trường và tìm đầu ra thích hợp cho sản phẩm”. Chính ý chí ham học hỏi và quyết tâm làm giàu đã giúp anh Hiếu thành công với mô hình chăn nuôi vịt khép kín.
Trồng dưa leo trong vườn cao su là sáng kiến của anh Hồ Ngọc Phố ở ấp 8C, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh - Bình Phước). Tuy mới đưa vào thử nghiệm nhưng bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ ngày 1.7.2012, hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước.
Với niềm đam mê nuôi chim chóc từ thuở còn để chỏm, cộng với tính ham học hỏi, anh Lê Hữu Dũng ở thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị đã trở thành triệu phú từ nghề nuôi chim cút.