Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hối Hả Gặt Lúa Chạy Lũ

Hối Hả Gặt Lúa Chạy Lũ
Ngày đăng: 15/09/2014

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 80% diện tích lúa hè thu. Không khí lao động dường như không hề ngơi nghỉ trên những cánh đồng mùa gặt. Tin bão ngoài biển Đông báo về trên loa phát thanh vọng ra từ làng như dồn dập, hối thúc bà con nông tăng tốc thu hoạch gọn lúa hè thu…

Khung lịch an toàn thu hoạch lúa hè thu theo kế hoạch của tỉnh đã khép lại (15/9) thế nhưng ruộng lúa của chị Đậu Thị Phương (thô Yên Xuân, Xuân Lộc, Can Lộc) vẫn còn một nửa diện tích chưa gặt xong. Tranh thủ “chạy đua” với ông trời, mấy ngày nay, chị phải chạy đôn, chạy đáo nhờ anh em phụ giúp thu hoạch nốt những thửa ruộng còn lại. Chị Phương cho biết: “Nhà tôi làm 1,5 mẫu ruộng, đến kỳ thu hoạch phải đánh điện chồng đang công tác ở xa về phụ cùng, thế mà vẫn không gặt kịp lúa chín. Nếu trời thương cho thêm ít ngày nắng thì vụ này chắc chắn thắng lớn.”

Nhìn cánh đồng nếp mà cả gia đình chị Phương đang tập trung thu hoạch hôm nay thì biết, lúa dày khít, cao hơn lưng người cúi. Từng bông lúa xếp chồng lên nhau trĩu hạt. Đúng là không khí ngày mùa, nhất là những ngày bão cận kề. Làng quê rậm rịch tiếng máy gặt, máy tuốt, tiếng trâu bò thồ lúa về làng. Mỗi người một việc, thậm chí chẳng ai có đủ thời gian để trò chuyện cùng nhau.

Ông Nguyễn Văn Tân (thô Yên Xuân, Xuân Lộc, Can Lộc) vừa đưa tay đẩy lúa vào máy tuốt, vừa nói lớn trong tiếng gầm của máy: “Nhà tôi làm 2 mẫu ruộng, cũng may đầu tư được cái máy tuốt nên kịp phục vụ. Cứ gặt đến đâu, tuốt đến đó rồi đổ ra phơi luôn. Đến hôm nay, cũng kịp khô khén được 5 sào. Cả làng, cả xã không cứ đêm ngày, miễn đưa lúa về nhà trước mưa mới yên tâm được”.

Len lỏi theo những đường rẽ về các vùng lúa Thạch Hà, thóc, rơm phơi từ trong sân ra đến ngoài đường. Ông Nguyễn Hữu Đức (Thạch Tân, Thạch Hà) cho biết: Lúa chín dồn dập, nhu cầu cao nên dù mấy hôm nay xã được “tăng bo” máy gặt đập liên hợp từ miền Nam ra nhưng vẫn không kịp. Phải nơi nào lúa chín đồng loạt, theo vùng thì máy mới đến, còn không phải đợi. Nhà tôi làm 1,1 mẫu ruộng, mới gặt được 7 sào, còn lại chắc phải dùng máy gặt mini của nhà mới kịp trời. Mùa này, lúa ở ngoài đồng ngày nào là lo ngày đấy, lúa chín vàng ra đấy nhưng chỉ cần trận mưa lụt là thành công “dã tràng”.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, cơn bão Kalmaegi đang tiến sát vào biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12. Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão, từ ngày 16/9 - 18/9 trên địa bàn tỉnh ta có thể xảy ra mưa lớn. Tâm điểm, mưa sẽ rơi vào ngày 17/9 có thể gây ngập lụt một số nơi. Theo thống kê, đến “hạn chót” của khung lịch an toàn, toàn tỉnh chỉ mới thu hoạch được 80% diện tích hè thu, điều đó có nghĩa trên đồng ruộng vẫn còn khoảng gần 9.000 ha diện tích không thể chạy nhanh hơn mưa bão.

Ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “So với mọi năm, lúa hè thu năm nay khá đồng đều về năng suất và tăng cao hơn cùng kỳ từ 3%- 5%. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số địa phương thu hoạch muộn khiến hàng nghìn ha lúa hè thu rơi vào thế bị động trước mưa bão. Ngành chuyên môn đã cử cán bộ bám cơ sở, cập nhật tình hình, đồng thời khuyến cáo các địa phương đốc thúc bà con tập trung lực lượng, máy móc thu hoạch nhanh, giảm thiểu tổn thất".

Hầu như năm nào, những cái tên như thị trấn Can Lộc, xã Tiến Lộc (Can Lộc), Tân Lộc, Thịnh Lộc, Hồng Lộc (Lộc Hà) hay một số vùng của TP. Hà Tĩnh, Thạch Hà cũng là những địa phương sau cùng về đích hè thu. Chưa nói đến chuyện cơ cấu bộ giống có đúng với chủ trương hay không, những vùng canh tác này luôn có tập quán làm muộn hơn lịch thời vụ đến cả tuần lễ mặc dù trước đó bà con khá thư thả sau thu hoạch vụ xuân. Và nguy cơ tổn thất chất lượng, năng suất vụ hè thu là điều hiện hữu đối với những địa phương này.


Có thể bạn quan tâm

Đua nhau nhổ mì chạy lũ Đua nhau nhổ mì chạy lũ

Liên tiếp hai năm gần đây, mỗi khi có mưa dầm là nông dân tỉnh Tây Ninh đua nhau nhổ hàng trăm ha mì "non" để chạy ngập vì sợ thối củ.

26/06/2015
Khánh thành vùng chăn nuôi bò sữa Hà Nam Khánh thành vùng chăn nuôi bò sữa Hà Nam

Cty FrieslandCampina Việt Nam vừa khánh thành vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam) sau gần 1 năm xây dựng.

26/06/2015
Dinh dưỡng đột phá trong chăn nuôi Dinh dưỡng đột phá trong chăn nuôi

Cty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) và Cty CP Việt - Pháp SX thức ăn gia súc (Proconco) vừa phối hợp tổ chức hội nghị “Khoa học cám bổ sung Bio-zeemTM - Đột phá trong công nghệ chăn nuôi”.

26/06/2015
Khoai sáp mất mùa kép Khoai sáp mất mùa kép

Năm nay người nông dân trồng khoai sáp ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) thua lỗ nặng vì khoai mất mùa, mất giá.

26/06/2015
Khoai môn bí đầu ra Khoai môn bí đầu ra

Do giá khoai môn đang sụt giảm, chỉ bằng 1/4 mức giá cùng kỳ năm ngoái, khiến người dân thua lỗ nặng.

26/06/2015