Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành triệu phú miến dong dù không biết chữ

Thành triệu phú miến dong dù không biết chữ
Tác giả: Thu Hà
Ngày đăng: 01/09/2016

Miến dong Triệu Thị Tá

Chúng tôi đến thăm khi chị Tá cùng các con đang đóng gói miến dong.

Chỉ tay vào bao bì sản phẩm in chính hình “bà chủ” xinh đẹp mặc bộ quần áo truyền thống của dân tộc Dao, vai đeo gùi miến dong, chị Tá cười nói:

“Tôi tự lên ý tưởng làm bao bì sản phẩm rồi xuống Hà Nội đặt in đấy.

Lần đầu xuống thủ đô đặt in bao bì, tôi run và bỡ ngỡ lắm.

Tôi thấy chất lượng sản phẩm miến dong tốt chưa đủ mà phải thêm bao bì đẹp mới thu hút khách mua”.

Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, học hết lớp 3 chị đã phải nghỉ học theo bố mẹ lên nương. Đến bây giờ chị Tá vẫn chưa biết đọc hết mặt chữ.

Ở xã Yến Dương, từ nhiều năm nay, cây dong riềng là nguồn thu nhập chính của người dân.

Giống như mọi người, chị Tá cũng bắt đầu từ việc trồng dong riềng rồi đến đi buôn bột dong.

Đến các tỉnh bạn, thấy mọi người sản xuất miến dong cho thu nhập cao hơn rất nhiều, chị nghĩ họ làm được thì tại sao mình không thể.

"Là phụ nữ dân tộc thiểu số nhưng chị Triệu Thị Tá rất mạnh dạn, giỏi giang và năng động.

“Miến dong Triệu Thị Tá” bây giờ đã nổi tiếng đến các tỉnh gần, xa.

Năm 2014, “Miến dong Triệu Thị Tá” đã được T.Ư Hội NDVN tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”.

Ông Lưu Hữu Oánh – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Ba Bể

Năm 2011, chị một mình xuống Thái Nguyên xin làm công nhân tại một cơ sở làm miến, vừa học vừa quan sát. Sau hơn một tháng chị quay về quê mạnh dạn vay vốn đầu tư.

Vốn sống ở thôn Phiêng Khăm nhưng vì đường sá đi lại khó khăn, chị bèn “hạ sơn” mua đất gần tỉnh lộ 258 thuộc thôn Nà Viễn để dựng cơ sở.

Chị đặt tên cơ sở sản xuất là “Miến dong Triệu Thị Tá”.

Lấy chữ tín làm đầu

Chị Tá tâm sự, lúc đầu chưa nhiều kinh nghiệm nên cũng có những mẻ miến không thành.

Không nản, chị rút kinh nghiệm qua những lần thất bại, dần dà sợi miến thành phẩm vừa đều, mịn, dai, có thể nấu đi nấu lại nhiều lần không bị nát.

“Khi miến dong làm ra đã ưng cái bụng mình, tôi mới đi giới thiệu, biếu không sản phẩm để mọi người dùng thử. Nhận được lời khen của mọi người tôi càng có thêm động lực mở rộng quy mô sản xuất” - chị Tá thổ lộ.

Từ năm 2012, cơ sở sản xuất “Miến dong Triệu Thị Tá” được cấp giấy phép kinh doanh, có bao bì riêng và đăng ký nhãn hiệu.

Hiện, mỗi năm cơ sở của chị Tá tiêu thụ khoảng 200 tấn bột dong cho bà con để sản xuất ra hơn 60 tấn miến thành phẩm.

Chị Tá chia sẻ: “Để làm được miến dong ngon đòi hỏi người chế biến phải giàu kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất trong làm ăn là phải đặt chữ tín lên đầu”.

Đến nay chị Tá không cần phải mang miến đi đâu bán nữa, bởi đã có nhiều tiểu thương đến đặt hàng trước.

Từ làm miến dong, trừ chi phí chị Tá bỏ túi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Vui hơn cả là chị được nhiều khách hàng yêu mến, tin tưởng.

Chị Tá thổ lộ: “Không biết chữ nên số chị vất vả cả một đời, khổ đến nỗi chồng đi làm ăn xa rồi biệt tăm tung tích cả chục năm nay.

Chị vẫn nói với hai đứa con trai là học đi, học cho cả phần mẹ nữa. Hiện con trai út nhà chị đang học Đại học Lâm nghiệp”.


Có thể bạn quan tâm

Cho mía sống chung với cao su Cho mía sống chung với cao su

Để ổn định sản xuất, nhiều công ty mía đường đang nỗ lực tìm con đường riêng để chủ động vùng nguyên liệu. Khi giá mủ cao su xuống thấp, mô hình thí điểm xen canh mía với cao su là một trong những giải pháp được lựa chọn.

26/08/2016
Ấm no nhờ nuôi bò luân chuyển Ấm no nhờ nuôi bò luân chuyển

Nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, từ nguồn vốn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Singapore, nguồn vốn 30a và sự đóng góp của một số cá nhân với tổng số tiền 2 tỷ đồng, năm 2014, huyện Mường Ảng (Điện Biên) đã mua 145 con bò sinh sản hỗ trợ cho 145 hộ nghèo của 2 xã Ẳng Cang và Ẳng Nưa.

31/08/2016
Ngồi rung đùi làm vườn Ngồi rung đùi làm vườn

Chưa kể sản phẩm chủ lực là sầu riêng VietGAP, riêng trồng mít xen canh theo kiểu quanh năm ngồi “rung đùi”, anh Tùng cũng kiếm hơn 100 triệu đồng nhờ cơ giới hóa.

31/08/2016