Trồng rong nho lãi ròng 300 triệu đồng/năm
Sau khi chuyển đổi thành công từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang mô hình trồng rong nho biển, anh Nguyễn Văn Dỗng ở khu phố Cà Đú, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) lãi ròng mỗi năm 300 triệu đồng.
Anh Dỗng kể, trước năm 2012, gia đình đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng vụ được vụ mất, giá cả bấp bênh. Anh tìm hiểu thông tin từ mạng Internet, từ các đối tác từng làm nghề nuôi tôm với anh, có vài người giới thiệu với anh mô hình trồng rong nho. “Tôi bắt đầu trồng thử nghiệm. Rong nho rất ưa nước biển mặn, nhất là các ao, đầm nuôi tôm. Từ 2 sào trồng rong nho thử nghiệm ban đầu, giờ tôi đã mở rộng ra hơn 3ha” - anh Dỗng thổ lộ.
Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Dỗng phấn khởi với thu nhập khá cao từ trồng rong nho. Ảnh: X.N
Anh Dỗng cho biết, cây rong nho từ khi thả giống cho đến khi thu hoạch là hơn 20 ngày. Lúc đầu thử nghiệm trồng rong nho, anh Dỗng rất lo lắng bởi không biết bán cho ai, ở đâu thu mua. Nhưng rồi các bạn thời cùng nuôi tôm thẻ chân trắng với anh ở miền Tây “mách” mối để anh bán được hàng.
Bình quân mỗi ngày anh Dỗng xuất 50-100kg rong nho với giá bán từ 60.000 đồng/kg trở lên. Có thời điểm, mỗi ngày anh thu hoạch và xuất bán tới 200kg rong nho. “Cái khó của rong nho là phải làm bằng tay. Người làm phải ngắt từng cọng. Tuy nhiên, khâu làm khô đóng gói thành phẩm đã có máy móc, tôi đã dùng 1 cái máy giặt để “vắt” khô rong nho…” - anh Dỗng tiết lộ.
Ông Trần Văn Ngữ - Chủ tịch Hội ND thị trấn Khánh Hải cho biết, hiện trên địa bàn thị trấn mới có 1 hộ trồng rong nho, đạt thu nhập khá cao và giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Đây là mô hình kinh tế mới mà anh Dỗng là người làm đầu tiên.
Chúng tôi muốn nhân rộng ra để đa dạng hóa loại hình cây, con trong sản xuất. Sắp tới Hội ND sẽ phối hợp các ngành chức năng thẩm định sản phẩm rong nho để cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Có thể bạn quan tâm
Xây nhà 600 triệu nhưng chủ yếu để nuôi chim, gia đình Tú (Thanh Hóa) bị hàng xóm nghĩ là "thần kinh". Ít năm sau, chàng trai trẻ đã kiếm được cả trăm triệu từ mô hình của mình.
Dù mới nuôi chim trĩ đỏ nhưng anh Trương Thừa Vũ (30 tuổi) ở thôn 5, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã có thu nhập khá cao.
Với sự cần cù, chịu khó và quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, vợ chồng anh Nguyễn Tư (52 tuổi) và chị Trần Thị Hoa (50 tuổi) ở thôn Lễ Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã có thu nhập khá cao từ mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm.