Những Vấn Đề Thách Thức Đối Với Cây Cà Phê Hướng Hóa (Quảng Trị)
Cho đến nay, cà phê là một trong những cây công nghiệp chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị).
Với diện tích gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, giá trị kinh tế hàng năm cây cà phê mang lại cho người dân địa phương trên 300 tỷ đồng. Không chỉ xóa đói giảm nghèo, cà phê đang đưa nhiều hộ gia đình người dân trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc ít người lên hàng triệu phú.
Thấy được nguồn lợi lớn từ cây cà phê, những năm trước không chỉ người dân sở tại mà nhiều người có “máu” làm ăn lớn khắp nơi đều đổ về Hướng Hóa mua đất, thuê đất trồng cà phê, diện tích cây cà phê từ chỗ chỉ chưa đầy 2.000 ha (năm 2005), sau 4 năm tăng lên gấp đôi (năm 2010) và đạt con số gần 5.000 ha như hiện nay.
Cây cà phê không dừng lại ở những vùng đất ba zan giàu dinh dưỡng và có điều kiện thời tiết thuận lợi, độ dốc thấp của vùng thị trấn Khe Sanh, Hướng Tân, Hướng Phùng mà còn leo dốc, vượt đèo cao vào tận Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Lập, một số người còn tham vọng đưa cà phê vào các xã biên giới vùng Lìa. Và nếu không có “cơn địa chấn” giảm giá như hiện nay, không ai biết diện tích cây cà phê ở Hướng Hóa còn tăng chóng mặt đến cỡ nào.
Anh Hồ Văn Khâm (thôn Hướng Đại, Hướng Phùng) ngậm ngùi nhìn vườn cà phê trĩu quả sắp thu hoạch nhưng giá bán quá thấp, thu không đủ bù chi
Khác với mọi năm, dù đã bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2013 nhưng một không khí ảm đạm đang bao trùm khắp các vùng cà phê Hướng Hóa. Tại thị trấn Khe Sanh, không còn cảnh tấp nập của lực lượng lao động khắp nơi đổ về đây tham gia thu hái cà phê như mọi năm.
Chị Thái Thị Tri ở thôn Tân Vĩnh xã Hướng Tân ngậm ngùi nhìn vườn cà phê trĩu quả đang chín rộ mà không biết xử trí ra sao, nếu kêu người hái, với giá bán cà phê tươi 3.200 đồng/kg như hiện nay, mỗi héc ta sau khi trừ chi phí lỗ khoảng 30 triệu đồng.
Chị cho biết, để thu hoạch 2 ha của gia đình với sản lượng khoảng 40 tấn (năng suất đạt khá cao, bình quân 20 tấn quả/ha do vườn cà phê mới đi vào kinh doanh) chi phí hết 80 triệu đồng tiền công (giá thuê lao động thu hái 2.000 đồng/kg quả tươi). Và để đạt được năng suất đó, đầu tư cho mỗi héc ta cà phê mỗi năm đã lên tới 35 triệu đồng, bao gồm phân bón, thuốc trừ sâu, công làm cỏ.
Trong khi toàn bộ sản lượng cà phê thu hoạch được của gia đình chị cũng chỉ bán được hơn 120 triệu đồng theo thời giá hiện nay. “Trước mắt, gia đình chúng tôi tận dụng toàn bộ lao động hiện có để thu hoạch và kiên trì chờ đợi xem giá lên xuống ra sao để quyết định có nên thu hoạch hay không”, chị Tri buồn bả nói.
Không riêng gì ở Hướng Tân mà người trồng cà phê ở thị trấn Khe Sanh, Hướng Phùng, Ba Tầng đều mang tâm trạng lo lắng khi giá cà phê giảm sút thảm hại, thu không đủ bù chi, diện tích càng nhiều, cây càng lâu năm thất bại càng lớn. Nếu như cây cà phê mới bắt đầu đi vào kinh doanh như vườn gia đình chị Thái Thị Tri, năng suất cao đã lỗ như thế thì những vườn cà phê già cỗi, năng suất giảm hơn một nửa (chỉ đạt khoảng 9 đến 10 tấn quả tươi/ha) thì tình hình còn bi đát hơn.
Ông Hồ Văn Phòng, một gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều ở thôn Bụt Việt, Hướng Phùng hết sức chán nản khi nói về tình hình giá cả cà phê hiện nay. Với 2 ha cà phê catimor đã già cỗi, năm nay ông thu được khoảng 25 tấn quả tươi, không tính công hái vì chủ yếu tận dụng lao động của gia đình, trừ hết chi phí, số tiền còn lại không đủ để trả 40 triệu đồng vay ngân hàng để đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, nguy cơ thiếu đói, tái nghèo đã hiển hiện rất rõ trước mắt.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa, giá cà phê năm nay chỉ còn một phần tư so với năm 2011 và chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, với mức giá này chỉ bù đắp được 50% giá thành mỗi ki-lô-gam cà phê sản xuất được, địa phương nào, gia đình nào trồng càng nhiều cà phê càng khốn đốn, nợ nần chồng chất đã đành mà việc duy trì diện tích cũng đang là bài toán khó. Cây công nghiệp gì không đầu tư còn được chứ cây cà phê mà không bón phân, không làm cỏ, không phun thuốc thì coi như bỏ, năng suất giảm, chất lượng giảm là điều khó tránh khỏi.
Mặt khác, với khoảng 1.500 – 2.000 ha cà phê đã già cỗi trên địa bàn, nếu không được đầu tư tái canh thì chắc chắn năm tới sản lượng sẽ giảm mạnh. Trước tình hình giá cả giảm sút như hiện nay, đâu đó một số nơi bà con nông dân đã muốn phá cây cà phê để trồng sắn, trồng bơ để duy trì cuộc sống. Nếu tỉnh, huyện không có giải pháp hỗ trợ kịp thời e rằng sự thể còn tồi tệ hơn trong vài năm tới.
Lý giải về vấn đề giá cà phê rẻ mạt hiện nay, theo ông Hùng không nên chỉ đổ lỗi cho thị trường xuất khẩu giảm sút, hoạt động chế biến còn nhiều lỗ hổng mà cần thẳng thắn nhìn nhận sự yếu kém của địa phương trong vấn đề quản lý thị trường, chưa có chính sách thu hút các doanh nghiệp bên ngoài vào thu mua cà phê để tạo nên thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Theo chúng tôi được biết, hiện tại giá cà phê catimor quả tươi ở các địa phương dù giảm sút nhưng vẫn đạt trên 6.000 đồng/kg (giá tham chiếu tại Lâm Đồng cùng thời điểm) trong khi đó ở Hướng Hóa chỉ xấp xỉ một nửa. Vì sao có sự chênh lệch quá lớn này? Phải chăng có sự thao túng và lũng đoạn thị trường của một số đầu nậu thu mua cà phê ở Hướng Hóa?
Về vấn đề này, ông Lê Quang Dãn ở thôn Hướng Đại, Hướng Phùng khẳng định, rõ ràng các đại lý đang chi phối và lũng đoạn giá thu mua, nếu không bán theo giá đã được họ ấn định thì chỉ có cách đem đổ xuống suối, có đem ra nhà máy chế biến cũng chỉ bán với giá ấy, thậm chí có cơ sở chỉ mua qua đại lý, không mua trực tiếp sản phẩm của người dân.
Hiện tại nhà máy chế biến của Công ty TNHH Đại Lộc đóng trên địa bàn xã Hướng Phùng thu mua 4.400 đồng/kg nhưng người dân chỉ bán được với giá 3.200 đồng/kg quả tươi. Ai cũng biết như thế nhưng không làm sao được.
Ông Dãn ngậm ngùi: "Nông dân chúng tôi chỉ biết cặm cụi làm ăn, lại thấp cổ bé họng bị tư thương o ép trăm bề cũng đành chịu không biết kêu ai, nếu sản phẩm quá rẻ mạt, thu không đủ bù chi thì chuyển qua cây trồng khác chứ biết làm sao bây giờ".
Ông Võ Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết thêm, hiện tại trên địa bàn huyện có tới 250 đại lý thu mua cà phê để nhập cho 18 cơ sở chế biến. Ban đầu, nhiều cán bộ lãnh đạo huyện nhận thức rằng, có càng nhiều cơ sở chế biến, đại lý thu mua cà phê càng tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng cà phê tiêu thụ sản phẩm.
Nhưng thực tế lại không được như mong muốn, càng nhiều đại lý thu mua, nhiều cơ sở chế biến (thực tế tổng công suất các cơ sở chế biến đã vượt 100% sản lượng tại địa phương) càng dễ xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán. Hai năm qua, trước áp lực duy trì hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp đã bất chấp chất lượng sản phẩm đầu vào, thu mua bằng được cho đủ số lượng, dẫn đến người dân ngâm quả trong nước để tăng trọng lượng, hái cả quả xanh không đủ tiêu chuẩn chế biến để bán khi cà phê được giá trên thị trường.
Và hậu quả để lại là vô cùng to lớn, công bằng mà nói đây chính là nguyên nhân làm thương hiệu cà phê Hướng Hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu xa làm cho sản phẩm bị mất giá. Còn giờ đây, khi giá cả giảm sút, sản phẩm ế ẩm, các đại lý này càng tìm cách ép cấp ép giá nông dân.
Để giải quyết thực trạng khó khăn cho người trồng cà phê ở Hướng Hóa, duy trì diện tích, tiếp tục triển khai phương án tái canh cho những diện tích cây đã già cỗi không còn cách nào hơn là tỉnh, huyện phải nhanh chóng có chính sách hỗ trợ người sản xuất vượt qua thử thách nghiệt ngã của thị trường. Trước mắt cần có chính sách quản lý thị trường chặt chẽ, giảm bớt những tầng nấc trung gian để sản phẩm của người nông dân đến đúng địa chỉ tiêu thụ, đồng thời thu hút thêm nhiều doanh nghiệp bên ngoài vào thu mua cà phê, chấm dứt tình trạng cát cứ, chi phối, lũng đoạn thị trường của một số đại lý trên địa bàn.
Về lâu dài, cần có sự sắp xếp lại các cơ sở chế biến sao cho phù hợp với thực tế sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng công nghệ để sản phẩm chế biến đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần đưa giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê trên thị trường. Để người dân có thể sống được bằng việc trồng cây cà phê, duy trì và phát triển cây cà phê cần có chính sách khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất, cho ứng trước cây giống, vật tư phân bón để đầu tư trở lại cho cây cà phê và thực hiện phương án tái canh những diện tích cây đã già cỗi.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa, việc thành lập hiệp hội những người trồng cà phê trên địa bàn để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ cũng đang đặt ra hết sức cấp bách, nếu không người sản xuất ra sản phẩm cà phê nổi tiếng lại bị tách ra ngoài vì không được tham gia vào chuỗi thị trường mà lẽ ra họ phải có tiếng nói quyết định.
Có thể bạn quan tâm
Được biết, vụ đông xuân vừa qua ở Hải Dương, dự án đã lựa chọn 5 loại rau củ gồm: Cải thảo, cải củ, khoai tây, ớt và hành hoa để trồng thử nghiệm trên 3.000 m2 vườn của viện.
Rắn ri tượng là loài thực phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Nhận thấy được điều đó, để có nguồn cung ổn định cho thị trường, nhiều hộ dân ở huyện Thới Bình (Cà Mau) đã phát triển mô hình nuôi rắn ri tượng thương phẩm và sản xuất rắn ri tượng giống. Điển hình là mô hình của ông Lê Văn Thắng, ở ấp 6, xã Tân Lộc Đông.
Những năm gần đây, thực hiện chương trình đưa cây màu xuống ruộng lúa, nông dân nhiều nơi từ Bắc vào Nam đã đưa cây ớt vào trồng mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa gấp 3 – 5 lần.
Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, những ngày qua do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích tôm, cá của bà con ngư dân trên địa bàn huyện bị ngạt và chết.
Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, diện mạo xã Đăk Djrăng (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã hoàn toàn thay đổi. Đổi thay đó có sự góp sức không nhỏ của Hội ND xã mà người đứng đầu là anh Đỗ Văn Thinh…