Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hỗ Trợ Giống Tu Hài Bị Thiệt Hại Do Dịch Bệnh Vẫn Chưa Tháo Gỡ Được Những Khúc Mắc

Hỗ Trợ Giống Tu Hài Bị Thiệt Hại Do Dịch Bệnh Vẫn Chưa Tháo Gỡ Được Những Khúc Mắc
Ngày đăng: 10/11/2013

Vào cuối năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 dịch bệnh xảy ra trên tu hài nuôi đã gây tổn thất nặng nề cho gần 700 hộ nuôi tu hài tại Vân Đồn với hơn 200 triệu con giống cấp 2 bị chết, thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 2322/UBND ngày 14-9-2012 quy định chính sách hỗ trợ giống tu hài nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm triển khai Quyết định việc giải ngân nguồn vốn của huyện Vân Đồn vẫn chỉ nằm trên giấy do còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Trở lại vùng nuôi tu hài ở Vân Đồn vào thời gian này, chúng tôi vẫn chứng kiến không khí lo lắng trên khuôn mặt của những hộ nuôi ở đây. Khác với nỗi lo như đợt tu hài chết hồi năm ngoái, giờ đây người nuôi lại lo lắng về việc gom vốn để tiếp tục đầu tư vào sự mạo hiểm này không, hay lại mang tiền bỏ xuống biển.

Anh Trần Văn Thiên, một người cũng có thâm niên trong nghề nuôi tu hài ở thị trấn Cái Rồng cho biết: Trong khi nghề nuôi tu hài đang mang lại thu nhập khá cao cho một bộ phận lớn người dân ở đây, thì dịch bệnh xảy ra đã làm bao người dân và doanh nghiệp rơi vào tình cảnh điêu đứng. Nếu như các vụ nuôi trước, thời điểm này đang là vụ thu hoạch tu hài thì năm nay nhiều hộ dân đã bán lồng bỏ nuôi, một số khác thì vẫn cố gom vốn thả nuôi mong vớt vát được những thất thu từ vụ nuôi trước. Chúng tôi được biết, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thiệt hại về giống tu hài cho người nuôi, gia đình tôi cũng đã thống kê thiệt hại mong nhận được sự hỗ trợ, nhưng đến nay cũng chưa thấy gì.

Theo mức hỗ trợ của UBND tỉnh được tính trên lượng con giống nuôi thả bị thiệt hại và các hồ sơ được hỗ trợ phải có hoá đơn chứng từ mua bán giống hoặc giấy kiểm dịch con giống thuỷ sản của cơ quan có thẩm quyền. Để khẩn trương triển khai chính sách này, UBND tỉnh đã chỉ đạo liên ngành Tài chính và NN&PTNT có hướng dẫn số 3456/STC-SNN&PTNT ngày 19-9-2012 hướng dẫn một số nội dung về trình tự, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ giống tu hài bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra và ngày 5-12-2012, Sở Tài chính và NN&PTNT cũng đã có công văn hướng dẫn bổ sung, song đến nay việc hỗ trợ cho các hộ dân, doanh nghiệp có tu hài bị thiệt hại vẫn chỉ dừng lại ở việc “thẩm định xét duyệt hồ sơ”.

UBND huyện Vân Đồn đã tiếp nhận 888 hồ sơ của các cơ sở nuôi tu hài bị thiệt hại trên địa bàn. Tuy nhiên qua thẩm tra, xác minh, hầu hết các hoá đơn, chứng từ mua bán con giống tu hài của các cơ sở đều không có đủ căn cứ. Nguyên nhân do trước khi dịch bệnh xảy ra, hầu hết các hộ khi mua con giống không có hoá đơn, chứng từ, do đó khi làm hồ sơ hỗ trợ đều phải lập lại hồ sơ, thậm chí mua con giống ở một nơi, làm thủ tục hoá đơn, chứng từ ở một nơi để hoàn tất thủ tục theo quy định.

Nhiều hộ gia đình đã kê khai đúng với số lượng thực tế thả nuôi, song cũng có rất nhiều hộ nuôi ít nhưng lại kê khai nhiều hơn để được hỗ trợ. Họ có thể làm mọi cách để có đầy đủ hoá đơn, chứng từ, trong khi đó nhiều hộ nuôi thực sự lại khó khăn trong vấn đề hoàn tất hồ sơ. Rất nhiều hộ kê khai nuôi với số lượng rất lớn nằm ngoài khả năng kinh tế đầu tư của gia đình.

Cùng với đó, việc nuôi tu hài hoàn toàn diễn ra trên biển, lồng nuôi, bãi nuôi được đặt ở bãi triều ít khi nước cạn, không thể xác minh được tính chính xác về số lượng, do đó có đến nơi kiểm tra cũng không thể xác minh được. Nghề nuôi tu hài có nhiều người tham gia nuôi chung, nuôi ghép… cùng nhau đầu tư. Khi kê khai thiệt hại, một người đã kê khai, người nuôi chung lại tiếp tục kê khai, do đó không kiểm soát được số lượng kê khai. Nhiều hộ trước đây không kê khai thiệt hại, khi có chính sách hỗ trợ mới kê khai, nên nảy sinh nhiều phức tạp.

Trong 912 hoá đơn kê khai, có rất nhiều hoá đơn bán lẻ ghi số tiền mua con giống tu hài có giá trị từ 200 triệu đồng cho đến hơn 10 tỷ đồng. Tất cả hoá đơn của 888 hồ sơ này đều không phải là hoá đơn đỏ, không nằm trong hoá đơn chứng từ thanh toán của Bộ Tài chính. Vì thế mà trong quá trình thực hiện huyện đã chỉ đạo Cục Thuế, Công an huyện rà soát, xác minh đến các cơ sở cung cấp giống và có kết luận những hoá đơn, chứng từ này không hợp pháp, hợp lệ, nên huyện không thể triển khai hỗ trợ theo chính sách của nhà nước. Vậy là hơn một năm qua người dân vẫn chưa nhận được từ sự hỗ trợ này.

Nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đang mòn mỏi ngóng chờ chính sách hỗ trợ của tỉnh đến được với bà con để giảm bớt khó khăn. Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định về việc hỗ trợ thiệt hại đối với người nuôi tu hài do dịch bệnh, huyện Vân Đồn đã triển khai tích cực việc rà soát, thẩm định hồ sơ. Tuy nhiên, đối chiếu với thủ tục, hồ sơ pháp lý, nhất là hoá đơn, chứng từ về nguồn gốc giống thì không thể triển khai được. Trước tình hình này, huyện đã đề xuất phương án hỗ trợ theo khung thiệt hại của các hộ dân. Song việc này UBND tỉnh vẫn chưa quyết định. Huyện rất mong tỉnh và ngành chức năng sớm có quyết định rõ ràng và hướng dẫn triển khai một cách cụ thể để tiền hỗ trợ sớm đến được với người dân bị thiệt hại.


Có thể bạn quan tâm

Tôm Nuôi Được Mùa Mất Giá Tìm Đầu Ra Ổn Định Tôm Nuôi Được Mùa Mất Giá Tìm Đầu Ra Ổn Định

So với những năm trước, năm nay tôm nuôi phần lớn được mùa nhưng lại rớt giá; trong khi đó giống, thức ăn, mọi chi phí đầu vào đều cao.

14/08/2014
Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình Chuỗi Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn Ở Xã Tam Quan (Vĩnh Phúc) Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình Chuỗi Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn Ở Xã Tam Quan (Vĩnh Phúc)

Xã Tam Quan là địa phương chăn nuôi số lượng gia cầm lớn nhất huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) (khoảng 1 triệu con). Tuy nhiên, năm 2004 và năm 2011 2011 do dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

14/08/2014
Bát Xát (Lào Cai) Có Nguồn Thu Khá Từ Cây Dược Liệu Bát Xát (Lào Cai) Có Nguồn Thu Khá Từ Cây Dược Liệu

Huyện Bát Xát (Lào Cai) được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý. Đó là điều kiện khí hậu nhiệt đới và bán ôn đới với độ ẩm cao, diện tích rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh chiếm 80% tổng diện tích rừng toàn huyện với thảm thực vật đa dạng, phong phú…

14/08/2014
Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) Xây Dựng Vùng Sản Xuất Cà Chua Ghép Theo Tiêu Chuẩn VietGap Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) Xây Dựng Vùng Sản Xuất Cà Chua Ghép Theo Tiêu Chuẩn VietGap

Những năm qua, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất và giá trị kinh tế trên ha canh tác. Một trong các giải pháp là đẩy mạnh ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất, điều này đã phát huy hiệu quả ở một số loại cây như cây lúa cấy mật độ hợp lý, bí đỏ, ngô nếp, đặc biệt là cây cà chua ghép trên nhiều đồng đất tại Vĩnh Tường.

14/08/2014
Thu Nhập Cao Nhờ Thâm Canh, Chuyển Đổi Cây Trồng, Vật Nuôi Thu Nhập Cao Nhờ Thâm Canh, Chuyển Đổi Cây Trồng, Vật Nuôi

Những năm qua, một số loại cây trồng như sắn, điều… do không ổn định về giá cả, năng suất lại đạt thấp nên hoạt động thâm canh cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế đang là hướng đi của nhiều nông dân trong tỉnh.

14/08/2014