Hỗ Trợ Giống Tu Hài Bị Thiệt Hại Do Dịch Bệnh Vẫn Chưa Tháo Gỡ Được Những Khúc Mắc
Vào cuối năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 dịch bệnh xảy ra trên tu hài nuôi đã gây tổn thất nặng nề cho gần 700 hộ nuôi tu hài tại Vân Đồn với hơn 200 triệu con giống cấp 2 bị chết, thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 2322/UBND ngày 14-9-2012 quy định chính sách hỗ trợ giống tu hài nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm triển khai Quyết định việc giải ngân nguồn vốn của huyện Vân Đồn vẫn chỉ nằm trên giấy do còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Trở lại vùng nuôi tu hài ở Vân Đồn vào thời gian này, chúng tôi vẫn chứng kiến không khí lo lắng trên khuôn mặt của những hộ nuôi ở đây. Khác với nỗi lo như đợt tu hài chết hồi năm ngoái, giờ đây người nuôi lại lo lắng về việc gom vốn để tiếp tục đầu tư vào sự mạo hiểm này không, hay lại mang tiền bỏ xuống biển.
Anh Trần Văn Thiên, một người cũng có thâm niên trong nghề nuôi tu hài ở thị trấn Cái Rồng cho biết: Trong khi nghề nuôi tu hài đang mang lại thu nhập khá cao cho một bộ phận lớn người dân ở đây, thì dịch bệnh xảy ra đã làm bao người dân và doanh nghiệp rơi vào tình cảnh điêu đứng. Nếu như các vụ nuôi trước, thời điểm này đang là vụ thu hoạch tu hài thì năm nay nhiều hộ dân đã bán lồng bỏ nuôi, một số khác thì vẫn cố gom vốn thả nuôi mong vớt vát được những thất thu từ vụ nuôi trước. Chúng tôi được biết, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thiệt hại về giống tu hài cho người nuôi, gia đình tôi cũng đã thống kê thiệt hại mong nhận được sự hỗ trợ, nhưng đến nay cũng chưa thấy gì.
Theo mức hỗ trợ của UBND tỉnh được tính trên lượng con giống nuôi thả bị thiệt hại và các hồ sơ được hỗ trợ phải có hoá đơn chứng từ mua bán giống hoặc giấy kiểm dịch con giống thuỷ sản của cơ quan có thẩm quyền. Để khẩn trương triển khai chính sách này, UBND tỉnh đã chỉ đạo liên ngành Tài chính và NN&PTNT có hướng dẫn số 3456/STC-SNN&PTNT ngày 19-9-2012 hướng dẫn một số nội dung về trình tự, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ giống tu hài bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra và ngày 5-12-2012, Sở Tài chính và NN&PTNT cũng đã có công văn hướng dẫn bổ sung, song đến nay việc hỗ trợ cho các hộ dân, doanh nghiệp có tu hài bị thiệt hại vẫn chỉ dừng lại ở việc “thẩm định xét duyệt hồ sơ”.
UBND huyện Vân Đồn đã tiếp nhận 888 hồ sơ của các cơ sở nuôi tu hài bị thiệt hại trên địa bàn. Tuy nhiên qua thẩm tra, xác minh, hầu hết các hoá đơn, chứng từ mua bán con giống tu hài của các cơ sở đều không có đủ căn cứ. Nguyên nhân do trước khi dịch bệnh xảy ra, hầu hết các hộ khi mua con giống không có hoá đơn, chứng từ, do đó khi làm hồ sơ hỗ trợ đều phải lập lại hồ sơ, thậm chí mua con giống ở một nơi, làm thủ tục hoá đơn, chứng từ ở một nơi để hoàn tất thủ tục theo quy định.
Nhiều hộ gia đình đã kê khai đúng với số lượng thực tế thả nuôi, song cũng có rất nhiều hộ nuôi ít nhưng lại kê khai nhiều hơn để được hỗ trợ. Họ có thể làm mọi cách để có đầy đủ hoá đơn, chứng từ, trong khi đó nhiều hộ nuôi thực sự lại khó khăn trong vấn đề hoàn tất hồ sơ. Rất nhiều hộ kê khai nuôi với số lượng rất lớn nằm ngoài khả năng kinh tế đầu tư của gia đình.
Cùng với đó, việc nuôi tu hài hoàn toàn diễn ra trên biển, lồng nuôi, bãi nuôi được đặt ở bãi triều ít khi nước cạn, không thể xác minh được tính chính xác về số lượng, do đó có đến nơi kiểm tra cũng không thể xác minh được. Nghề nuôi tu hài có nhiều người tham gia nuôi chung, nuôi ghép… cùng nhau đầu tư. Khi kê khai thiệt hại, một người đã kê khai, người nuôi chung lại tiếp tục kê khai, do đó không kiểm soát được số lượng kê khai. Nhiều hộ trước đây không kê khai thiệt hại, khi có chính sách hỗ trợ mới kê khai, nên nảy sinh nhiều phức tạp.
Trong 912 hoá đơn kê khai, có rất nhiều hoá đơn bán lẻ ghi số tiền mua con giống tu hài có giá trị từ 200 triệu đồng cho đến hơn 10 tỷ đồng. Tất cả hoá đơn của 888 hồ sơ này đều không phải là hoá đơn đỏ, không nằm trong hoá đơn chứng từ thanh toán của Bộ Tài chính. Vì thế mà trong quá trình thực hiện huyện đã chỉ đạo Cục Thuế, Công an huyện rà soát, xác minh đến các cơ sở cung cấp giống và có kết luận những hoá đơn, chứng từ này không hợp pháp, hợp lệ, nên huyện không thể triển khai hỗ trợ theo chính sách của nhà nước. Vậy là hơn một năm qua người dân vẫn chưa nhận được từ sự hỗ trợ này.
Nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đang mòn mỏi ngóng chờ chính sách hỗ trợ của tỉnh đến được với bà con để giảm bớt khó khăn. Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định về việc hỗ trợ thiệt hại đối với người nuôi tu hài do dịch bệnh, huyện Vân Đồn đã triển khai tích cực việc rà soát, thẩm định hồ sơ. Tuy nhiên, đối chiếu với thủ tục, hồ sơ pháp lý, nhất là hoá đơn, chứng từ về nguồn gốc giống thì không thể triển khai được. Trước tình hình này, huyện đã đề xuất phương án hỗ trợ theo khung thiệt hại của các hộ dân. Song việc này UBND tỉnh vẫn chưa quyết định. Huyện rất mong tỉnh và ngành chức năng sớm có quyết định rõ ràng và hướng dẫn triển khai một cách cụ thể để tiền hỗ trợ sớm đến được với người dân bị thiệt hại.
Related news
Vụ hành lá này, tuy năng suất có giảm vài chục phần trăm, nhưng người dân trồng hành lá ở Đại Tâm (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng) vẫn không hề lo lắng, mà trái lại họ rất vui vì giá hành đang tăng lên từng ngày.
Lãnh đạo Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro VN) cho biết, 40/55 hộ nông dân trồng rau quả, vùng nguyên liệu rau quả lớn nhất của Metro VN vừa được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Nhờ áp dụng mô hình bảo vệ thiên địch có lợi để khống chế dịch hại trên cây lúa, nông dân Nguyễn Tự Lực (xã Vĩnh Lộc, An Phú, An Giang) đã giảm giá thành sản xuất vụ đông xuân xuống còn 1.800 – 2.000 đồng/kg, tiết kiệm 1.500 đồng/kg so chi phí sản xuất bình quân vùng ĐBSCL (3.417 đồng/kg).
Trong một tháng trở lại đây, cây ngò gai bắt đầu có giá trở lại. Hiện thời điểm này, ngò gai ta giá dao động từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Còn giống ngò gai khác thì giá khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Nhằm nghiên cứu, đánh giá khả năng thích nghi cũng như hiệu quả kinh tế từ trồng cây chùm ngây trên đồng đất Thái Nguyên, cuối năm 2014, Kỹ sư (KS) Vũ Trung Thành, thuộc Trung tâm thực hành Thực nghiệm (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã lập Dự án và được Hội đồng Khoa học của tỉnh phê duyệt đưa vào trồng thử nghiệm hơn 2ha cây chùm ngây tại địa bàn T.X Sông Công và huyện Đồng Hỷ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.