Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hồ Tiêu Việt Nam Vững Vàng Trên Thương Trường Quốc Tế

Hồ Tiêu Việt Nam Vững Vàng Trên Thương Trường Quốc Tế
Ngày đăng: 27/08/2014

So với những mặt hàng nông sản xuất khẩu, hồ tiêu là ngoại lệ thú vị khi giá luôn ở mức cao suốt 8 năm, đặc biệt là 3 năm gần đây. Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần giao dịch toàn cầu, điều quan trọng hơn là vai trò và vị trí ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước được nâng cao khi các nước bắt đầu lấy giá bán của Việt Nam để tham khảo.

Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới - IPC đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia, quốc gia có lượng hồ tiêu nhiều nhất trước đây, sang Việt Nam.

Chạm ngưỡng 1 tỷ USD

6 tháng đầu năm 2014, hồ tiêu vẫn là mặt hàng xuất khẩu có sự phát triển rất mạnh khi tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị với 111.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu, kim ngạch đạt 790 triệu USD.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), với tiến độ này, cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD với lượng xuất khoảng 125.000 - 130.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2013 gần 900 triệu USD. Như vậy, ngành hàng “bé” như hạt tiêu có cơ hội tham gia vào câu lạc bộ nhóm hàng nông sản xuất khẩu 1 tỷ USD mà 10 năm trước ít ai nghĩ tới.

Nhưng giờ đây, hồ tiêu Việt Nam đã chiếm tỷ trọng áp đảo với 30% lượng xuất khẩu và trên 50% thị phần giao dịch thế giới. Vì vậy, VPA tự tin cho rằng, nếu các doanh nghiệp và nông dân đồng lòng thêm một bước nữa thì mặt hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ đủ sức điều tiết giá cả thị trường thế giới.

Bởi trong xuất khẩu, đây không phải là mặt hàng nông sản duy nhất có sản lượng và giao dịch chiếm áp đảo, nhưng hồ tiêu lại là ngành hàng đầu tiên mà Việt Nam từng bước xác lập được vai trò và tầm ảnh hưởng trên thị trường giao dịch quốc tế.

Có thể nói, giai đoạn 2011 - 2014 là thời kỳ phát triển “thịnh vượng” nhất trong lịch sử phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam. Theo IPC, với sản xuất và thương mại hồ tiêu toàn cầu như hiện nay, có thể dự báo năm 2015 và đến năm 2020, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh với các nước cả về năng suất và giá thành, nhất là với Indonesia và Brazil, những quốc gia từng có sản lượng cao nhất thế giới trước khi Việt Nam nổi lên chiếm lĩnh.

Giám đốc điều hành IPC, ông Kannan, cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Điều đáng nói, 3 - 4 năm qua, tác động của suy thoái kinh tế tài chính thế giới khiến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản bị sa sút, không ít DN thua lỗ, nhưng ngành hàng hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh, nhiều kỷ lục về lượng xuất, giá trị kim ngạch và giá bán liên tiếp xác lập qua từng năm.

Khẳng định vai trò

Từ việc chưa có chỗ đứng và thường bị các nhà đầu cơ chi phối giá cả, đến nay vị thế hồ tiêu Việt Nam ngày càng vững vàng trên thương trường quốc tế. Cộng đồng hồ tiêu thế giới nhìn Việt Nam với con mắt tôn trọng, lắng nghe và cùng chia sẻ.

Suốt những năm 1990, Singapore chiếm ưu thế trong giao dịch hồ tiêu với lượng nhập khẩu lớn, lên đến 44.000 tấn/năm, trong đó Indonesia là nguồn cung cấp chính với 50% lượng nhập của Singapore. Nhưng sau đó thương mại hồ tiêu Singapore đã sụt giảm mạnh, xuống còn 10.000 tấn năm 2010. Theo VPA, mức giảm này chủ yếu là do nhà nhập khẩu đã mua hàng trực tiếp từ các nước sản xuất, nhất là Việt Nam.

Hiện nay, thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi 10%. Thời gian gần đây Singapore đã có sự thay đổi trong thương mại, nên lượng hồ tiêu nhập vào Singapore tăng trở lại, đạt 20.200 tấn năm 2013, nhưng nguồn cung chủ yếu đã chuyển qua Việt Nam, khi lượng hồ tiêu cung cấp cho Singapore chiếm đến 60%, Indonesia chỉ còn 28%.

Những nước hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trước đây như Brazil, Indonesia đã và đang liên kết trong việc xuất nhập khẩu với Việt Nam lên đến hàng chục ngàn tấn/năm.

Giám đốc điều hành IPC, ông Kannan, cũng chính thức đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia sang Việt Nam bởi vị thế và vai trò của hồ tiêu Việt Nam ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên thị trường quốc tế.

Sắp tới đây, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị quốc tế về hồ tiêu do IPC phối hợp với Bộ Nông nghiệp - PTNT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Điều đáng nói, chất lượng, chủng loại mặt hàng hồ tiêu ngày càng phong phú. Từ chỗ chủ yếu xuất khẩu tiêu đen, nay đã xuất khẩu thêm tiêu trắng, tiêu bột, tiêu gia vị thực phẩm tới bàn ăn người tiêu dùng các nước ở châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ… làm gia tăng giá trị sản phẩm, thu nhập và lợi nhuận ngày càng cao.


Có thể bạn quan tâm

Trồng dưa leo Cúc 71 thu nhập gấp đôi trồng lúa Trồng dưa leo Cúc 71 thu nhập gấp đôi trồng lúa

Trồng dưa leo Cúc 71 có nhiều ưu điểm vượt trội, thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn, quả to, có mùi thơm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

20/11/2015
Ẩn họa dịch bệnh từ đất sạch để trồng cây Ẩn họa dịch bệnh từ đất sạch để trồng cây

Không khó để tìm mua một bao "đất sạch" để trồng cây dọc các con đường lớn của TP.HCM, nhiều đại lý cây cảnh, bonsai đều có bán kèm.

20/11/2015
Từ 31.12.2016 nuôi cá tra phải áp dụng VietGAP Từ 31.12.2016 nuôi cá tra phải áp dụng VietGAP

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 36 về nuôi cá tra, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp, những quy định tại nghị định này góp phần đưa ngành cá tra phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng xuất khẩu này.

20/11/2015
Hiệu quả máy chế biến thức ăn chăn nuôiHiệu quả máy chế biến thức ăn chăn nuôi Hiệu quả máy chế biến thức ăn chăn nuôiHiệu quả máy chế biến thức ăn chăn nuôi

Mô hình hỗ trợ máy chế biến thức ăn đa năng cho các hộ chăn nuôi được Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang triển khai từ năm 2014.

20/11/2015
Nuôi vịt an toàn sinh học Nuôi vịt an toàn sinh học

Năm 2015, Trung tâm KN-KN Bắc Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông TP Bắc Giang triển khai mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, tại 5 hộ nông dân ở 2 xã Đồng Sơn, Song Mai với số lượng 2.000 con vịt Super M.

20/11/2015