Hồ tiêu tăng nóng diện tích trồng tiêu đã vượt quá quy hoạch
Theo người dân trồng tiêu, chỉ cần giá tiêu từ 100 ngàn đồng/kg là họ đã có lãi.
Đó là lý do khiến nhiều nông dân ồ ạt chặt bỏ các loại cây khác để trồng tiêu, dẫn đến diện tích tăng chóng mặt, hiện đã phá vỡ quy hoạch của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Chặt cao su, cà phê, điều… trồng tiêu
4 năm trước, gia đình ông Cáp Bình, ở ấp 4, xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) đã chặt bỏ 1ha điều để chuyển sang trồng tiêu.
Theo tính toán của ông Cáp Bình, nếu được mùa 1ha điều cho thu hoạch 1 tấn hạt, với mức giá hiện nay 25.000 - 27.000 đồng/kg cho thu nhập từ 25 - 27 triệu đồng.
Trong khi đó, mỗi năm 1ha tiêu thu được 3 - 4 tấn, sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu có lãi khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Hiện, gia đình ông Cáp Bình đang có 3,5ha tiêu và ông cho biết, số tiêu hiện đang trữ trong kho sẽ được bán để tiếp tục mua đất trồng tiêu.
Tại xã Hòa Hội, địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất huyện Xuyên Mộc, trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng điều giảm gần phân nửa, đến nay chỉ còn khoảng 600ha, do người dân chuyển sang trồng tiêu.
Trong khi đó, tại xã Hòa Hiệp, hàng trăm ha cao su tiểu điền – một loại cây một thời được xem là “vàng trắng”, trồng tới 6 năm mới cho thu hoạch, hiện cũng đang bị nông dân tỉa cành, chặt ngọn để làm trụ sống cho cây tiêu bám.
Hiện đã có gần 50ha cao su được người dân tỉa cành, chặt ngọn chuyển sang trồng tiêu.
Ông Trần Đình Phước, nhà ở ấp 4, xã Hòa Hiệp cho biết, gia đình ông có hơn 1,2ha cao su.
Do 2 - 3 năm trở lại đây giá mủ cao su xuống thấp, có khi chỉ còn 6.000 đồng/kg mủ tươi, mỗi ha cao su chỉ đủ trả tiền thuê nhân công cạo mủ và phân bón, tính ra không có lãi.
Hiện ông Phước đã chặt bỏ ngọn cao su để tận dụng các gốc làm trụ trồng tiêu.
Theo ước tính của ông Phước, nhờ tận dụng lại phần thân gốc cây cao su để làm trụ tiêu nên chi phí để trồng tiêu như mua cây làm trụ, phân bón, thuốc trừ sâu giảm hơn một nửa.
Ông Đinh Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Lâm cho biết thêm, lợi nhuận từ trồng tiêu so với các loại cây khác quá rõ.
Chính vì vậy, người dân chấp nhận rủi ro – nếu có thể xảy ra.
Tại xã Bàu Lâm, hầu hết người dân đều phá bỏ cây điều, cao su để chuyển sang trồng tiêu.
Riêng năm 2015 diện tích trồng tiêu đã mở rộng thêm 110ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu tại xã lên hơn 400ha.
114ha cao su tiểu điền tại xã Bàu Lâm cũng đã bị chặt bỏ gần hết để chuyển sang trồng tiêu.
Không thể kiểm soát
Đây là câu trả lời của nhiều cán bộ địa phương cũng như ngành nông nghiệp khi chúng tôi đề cập đến việc nông dân ồ ạt chặt bỏ các loại cây công nghiệp khác để trồng tiêu.
Ông Võ Khắc Thuyết, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành phân tích: “Chỉ cần so sánh với cây cà phê thôi, 1 cây cà phê và 1 trụ tiêu có diện tích trồng bằng nhau, thời gian từ khi trồng đến khi cho thu hoạch cả 2 loại cây này là 3 năm, kỹ thuật, công chăm sóc như nhau.
1 trụ tiêu cho thu hoạch 5kg hạt/năm, với giá bán bình quân 200 ngàn đồng/kg thì 1 trụ tiêu thu về 1 triệu đồng.
Còn với cây cà phê cho 3kg hạt, với giá bán 33 ngàn đồng/kg thì chỉ thu về 100 ngàn đồng”.
Tính riêng tại xã Quảng Thành, năm 2011, cả xã có 593ha trồng tiêu thì đến nay đã tăng lên 820ha, sản lượng đạt 1.800 tấn/năm.
Riêng năm 2015, xã Quảng Thành đã có thêm 15ha điều, cao su, cà phê bị chặt bỏ để chuyển sang trồng tiêu.
Tại 2 vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh, thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho thấy, tính đến năm 2015, diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện là 6.110ha, trong đó diện tích trồng mới 1.100ha.
Trong khi theo Quyết định 1815/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh thì đến năm 2015 huyện Châu Đức đạt 5.568ha; đến năm 2020 có 6.000ha.
Như vậy, thực tế diện tích trồng tiêu ở huyện Châu Đức hiện đã vượt quá quy hoạch.
Đây cũng là tình trạng tại huyện Xuyên Mộc khi diện tích hồ tiêu đã tăng lên 3.510ha, gấp 3 lần so với năm 2010.
Ông Hà Huy Hiểu, Phó phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, lợi nhuận từ trồng tiêu quá rõ, do đó không thể nào định hướng cho nông dân dừng trồng được.
Bởi lẽ, kể cả rớt giá thì tiêu vẫn là cây trồng có lãi cao hơn so với cà phê, điều.
Thậm chí, nhiều hộ trồng cao su tiêu điền, sau 6 năm vừa cho thu hoạch nhưng giá cao su giảm sâu như mấy năm gần đây họ vẫn chặt bỏ để chuyển sang trồng tiêu.
“Với đà này, trong khi đất trồng cao su và cà phê phù hợp với trồng hồ tiêu, thì nông dân sẽ còn tiếp tục phá rừng cao su, cà phê và thay bằng cây tiêu”, ông Hà Huy Hiểu nói.
Là một trong những tỉnh được quy hoạch tập trung phát triển hồ tiêu, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu của BR-VT giữ ổn định ở mức 8.300ha.
Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc với khoảng 6.100ha, còn lại là ở TP. Bà Rịa, huyện Tân Thành và huyện Đất Đỏ.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020, sản lượng tiêu của cả tỉnh khoảng 16.800 tấn, trong đó, sản lượng tiêu xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở địa phương.
Quy hoạch này được lập dựa trên nhu cầu thị trường, đặc biệt là về xuất khẩu; đồng thời căn cứ vào lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu... của từng địa phương cho phù hợp với loại cây trồng này.
Nhưng thực tế, theo Sở NN-PTNT, đến thời điểm này diện tích trồng tiêu của tỉnh đã đạt 10.172ha, tăng 1.118ha so với năm 2014, vượt gần 2.000ha so với quy hoạch.
Trong đó, nhiều xã không nằm trong quy hoạch cũng mở rộng diện tích hồ tiêu như: Phước Thuận, Bưng Riềng, Bông Trang (huyện Xuyên Mộc).
Việc phá vỡ quy hoạch trồng tiêu như hiện nay có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy như: ở những vùng không nằm trong quy hoạch, cây tiêu sẽ dễ bị dịch bệnh do không thích ứng được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Thứ hai, việc tăng diện tích đồng nghĩa với sản lượng tiêu cũng sẽ tăng theo và việc nguồn cung vượt cầu tất yếu giá cả sẽ sụt giảm - điều này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của chính người nông dân.
Chưa kể hiện nay, trong tỉnh xuất hiện tình trạng nông dân trồng giống tiêu ghép – đây là giống chưa được Bộ NN-PTNT khảo nghiệm và công nhận về chất lượng.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNN, diện tích hồ tiêu cả nước đạt hơn 85.000ha, vượt quy hoạch hơn 35.000ha và có xu hướng tăng nhanh.
Tây Nguyên và Đông Nam bộ là 2 vựa tiêu lớn nhất cả nước với tổng diện tích khoảng 78.000ha.
Trong đó, Tây Nguyên có gần 44.000ha (chiếm 51%), Đông Nam bộ 34.000ha (chiếm hơn 40%).
Theo ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), với tốc độ tăng diện tích quá nhanh như thời gian qua, kèm với đó là việc mất kiểm soát trong quản lý chất lượng trồng trọt đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn với ngành hồ tiêu của Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam cũng đưa ra cảnh báo, phong trào trồng tiêu phát triển nóng ở Ấn Độ và Indonesia từng dẫn đến sự sụp đổ của thị trường hồ tiêu và hậu quả của nó đến nay các nước kể trên vẫn chưa giải quyết xong.
Có thể bạn quan tâm
Để nuôi dê đạt năng suất cao, chất lượng tốt thì phương pháp chăn nuôi đóng vai trò quyết định. Vì vậy phải chọn cách nuôi nào cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cá nhân, cơ sở chăn nuôi.
Tình hình nuôi tôm thẻ bùng phát, vượt xa tầm kiểm soát của ngành chức năng. Mức độ thiệt hại giữa tôm thẻ chân trắng với tôm sú tương đương nhau nhưng nhờ giá tôm thương phẩm ở mức cao nên khả năng thu hồi vốn đối với tôm thẻ chân trắng tốt hơn, mặt khác do thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú, nên đa phần bà con cho rằng tôm thẻ dễ nuôi hơn tôm sú
Sáng nay 11.10, tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Diễn đàn “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”. Tham dự có hơn 250 đại biểu đến từ các địa phương trên địa bàn Quảng Nam và những cơ quan chuyên môn thuộc các tỉnh, thành trong khu vực.
Giá heo hơi cân tại chuồng tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương 45.000 đồng/kg, người nuôi có thể lãi 300.000 đồng con heo thịt 100 kg. Tuy giá heo tăng nhưng người chăn nuôi không dám tái đàn vì khó “định lượng” được giá cả thị trường nay mai.
Chỉ mới bước vào đầu niên vụ 2013-2014 nhưng giá mía nguyên liệu tại ĐBSCL khá ảm đạm, nông dân trồng mía chỉ có huề hoặc lỗ vốn. Bên cạnh đó, nạn nhập lậu đường tràn lan cũng làm doanh nghiệp mía đường lao đao.