Thu Hơn 2 Tỷ Trong 3 Tuần Nhờ Tôm Hùm Nhí
Biển động, hầu hết các nghề đánh bắt hải sản đều thất thu, do không vươn khơi được. Tuy nhiên, đối với nghề đánh bắt tôm hùm giống thì lại “vào cầu”, vì biển càng động tôm hùm giống xuất hiện càng nhiều.
Bình Định trúng đậmLàng chài Trung Lương thuộc xã Cát Tiến, nơi được mệnh danh là làng “tôm hùm giống” của huyện Phù Cát (Bình Định), trong những ngày qua như “sôi” lên do giá tôm hùm giống tăng cao.
Cách đây 20 ngày, giá 1 con tôm sao được thu mua đến 380.000đ/con, hiện nay đã giảm, nhưng vẫn còn đứng giá 300.000đ/con. Giá đã cao, tôm hùm giống lại xuất hiện dày nên những hộ chuyên hành nghề đánh bắt tôm hùm giống ở Trung Lương ai nấy đều bội thu sau mỗi chuyến biển.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến (Phù Cát-Bình Định), cho biết: “Riêng làng chài Trung Lương đã có đến 60 ghe chuyên đánh bắt tôm hùm giống và khoảng vài chục thuyền thúng làm nghề mành chà bắt tôm hùm giống.
Tháng cuối cùng của năm cũ 2014 là thời điểm tôm hùm giống có giá nhất, mỗi con tôm sao được tư thương thu mua đến 380.000đ, đây cũng là thời điểm sản lượng đánh bắt mỗi chuyến biển cao nhất. Đêm nào “trúng mánh”, nhiều ghe đánh bắt được đến 50-70 con, thu nhập được từ 19 đến 26 triệu đồng/ghe; ghe đánh được vài ba chục con là chuyện thường”.
Theo số liệu thống kê, năm 2014, huyện Phù Cát khai thác ước đạt 65.000 con tôm hùm giống, tăng hơn 25.000 con so năm trước.
Ngư dân chuyên đánh bắt tôm hùm giống ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn-Bình Định) cũng đang có niềm vui tương tự. Trong thời gian vừa qua, con tôm hùm giống đã mang lại cho hàng trăm hộ ngư dân ở đây số tiền hàng chục triệu đồng sau chỉ mỗi đêm đánh bắt.
Ông Ngô Đức Tình, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Cả xã hiện có 209 tàu thuyền chuyên đánh bắt tôm hùm giống. Giá tôm hùm giống được thu mua tại Nhơn Hải luôn cao hơn những nơi khác, vì ở đây có nhiều hộ mua tôm hùm giống về ươn nuôi thành tôm hùm thương phẩm. Do đó, hiện giá tôm hùm giống tại địa phương vẫn đang được thu mua ở mức khá cao là 320.000đ/con tôm sao”.
Theo ngư dân trong nghề, đầu ra của tôm hùm giống là “bát ngát”, bởi hiện nay nghề nuôi tôm hùm thương phẩm đang phát triển mạnh tại Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) và TX Sông Cầu (Phú Yên) nên tôm hùm giống không bao giờ sợ ế. Lúc khan hàng, mỗi sáng, tư thương còn tìm đến tận nhà từng chủ ghe để tranh mua tôm hùm giống cung ứng cho những cơ sở nuôi tôm hùm thương phẩm.
Ngư dân Quảng Ngãi cũng thắng
Từ đầu tháng 1/2015 đến nay, ngư dân các xã ven biển Quảng Ngãi cũng trúng đậm tôm hùm nhí. Nhiều hộ gia đình ngư dân đánh bắt mỗi đêm được cả trăm con, thu hàng chục triệu đồng.
Mùa đánh bắt tôm hùm nhí (tôm hùm con) ở Quảng Ngãi thường bắt đầu vào khoảng tháng 11 âm lịch và kết thúc vào khoảng tháng 4 âm lịch của năm sau. Trên 1.000 tàu thuyền của hàng ngàn ngư dân Quảng Ngãi hành nghề đánh bắt tôm nhí ở xã Bình Châu, Bình Thuận, Bình Hải (huyện Bình Sơn); xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi); Phổ Quang (huyện Đức Phổ).
Giá cả thì tuỳ theo từng thời điểm, hiện lên tới 300.000dd/con. Đa số tôm nhí đánh bắt được ở Quảng Ngãi được khoảng trên 12 đầu mối tại địa phương thu mua, sau đó đem bán lại cho những hộ nuôi tôm các huyện Sông Cầu, Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên) và Vạn Giã, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Ông Đoàn Văn Hạnh ngụ thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi cho biết, gia đình ông may mắn trúng liên tiếp tôm hùm nhí, mỗi đêm bắt được 80-100 con. Sáng sớm đưa về bến Tịnh Kỳ bán, thu nhập hơn 30 triệu đồng.
Theo các ngư dân, để săn bắt được tôm hùm nhí, ngư dân phải bắt đầu ra khơi từ 4 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau mới về. Mùa này tôm hùm về vùng rạn đá gần bờ sinh sản, khi đã xác định khu vực loài này ẩn náu thì mới quăng lưới mành, chong đèn để nhử.
Ngoài cách giăng lưới trên rạng (đá ngầm), nhiều ngư dân sử dụng bình hơi để lặn xuống, rồi dùng tay để bắt; cách bắt tôm con kiểu này đòi hỏi ngư dân phải có sức khỏe tốt, kinh nghiệm và nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Thông thường mỗi tàu thuyền có từ 4 - 5 thợ để thay nhau lặn, thời gian lặn mỗi lần từ 30 - 50 phút. Việc săn bắt tôm hùm con của ngư dân theo cách này diễn ra gần như quanh năm (trừ những khi biển động, nước quá đục).
Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến, xác nhận: Nhiều ngày qua, hơn 350 ngư dân địa phương có thu nhập cao nhờ đánh bắt tôm hùm nhí ở vùng biển gần bờ. Nhiều hộ gia đình đánh bắt đến hơn 100 con mỗi đêm. Hai tuần qua, bà con ngư dân địa phương có tổng thu nhập trên 3 tỷ đồng nhờ đánh bắt tôm hùm nhí.
Gần 1 tháng nay nhiều ngư dân ở xã Ninh Vân, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) rất phấn khởi vì khai thác được khá nhiều tôm hùm giống.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một ngư dân khai thác tôm hùm giống có thâm niên hơn 20 năm ở xã Ninh Vân cho biết: Gần 1 tháng nay, mùa khai thác tôm hùm giống của ngư dân rất thuận lợi. Hầu hết đêm nào ngư dân cũng bẫy được tôm, trung bình người ít nhất cũng được 4-5 con, người nhiều được vài chục con, có người trúng lớn lên đến cả trăm con.
Như gia đình anh Hùng, mỗi đêm chong mành bắt được từ 5-10 con, với giá bán từ 280-320.000đ/con, sau khi trừ chi phí anh lãi hàng triệu đồng.
Được biết, mùa khai thác tôm hùm giống bắt đầu từ tháng 11 âm lịch cho đến khoảng tháng 5 âm lịch năm sau. Hiện toàn xã Ninh Vân có hàng trăm người tham gia khai thác tôm hùm giống theo 3 cách: Bẫy nhử, chong mành và lặn bắt.
Có thể bạn quan tâm
Với việc Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) cho ngô biến đổi gene, đại diện Hội đồng ATSH cho rằng, chỉ còn một thủ tục là đăng ký giống với Bộ NNPTNT để tiến hành khảo nghiệm kết hợp diện hẹp, diện rộng một vụ nữa là nông dân sẽ được trồng loại cây này.
Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho biết, ông cũng tự mua một quả lê Trung Quốc để tại phòng làm việc tại Viện. Đến nay, đã 5 tháng mà quả lê này không bị hỏng và việc tìm nguyên nhân vì sao trái cây vẫn tươi mới là điều rất khó khăn.
Thông tin Nhà máy Đường Thới Bình thuộc Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam (gọi tắt là NMĐ Thới Bình), tại ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau) ngừng thu mua mía trong vụ mùa tới khiến hàng ngàn hộ dân trồng mía ở Cà Mau, Kiên Giang như đang ngồi trên lửa.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện nay lúa trà sớm đã chín sữa, trà trung trỗ - chín sữa, trà muộn làm đòng - trỗ bông. Bọ rầy đang phát sinh gây hại với mật độ trung bình 200 - 300 con/m2, cao 700 - 1.000 con/m2, ổ cục bộ 2.000 - 3.000 con/m2.
Thông tư quy định rõ biện pháp xử lý đối với các mẫu thủy sản nuôi phát hiện dư lượng vượt giới hạn tối đa cho phép. Cụ thể, nếu phát hiện tại thời điểm chuẩn bị hoặc đang thu hoạch, cơ quan giám sát có văn bản tạm đình chỉ thu hoạch, xác định nguyên nhân và yêu cầu cơ sở thực hiện biện pháp khắc phục.