Hồ tiêu được mùa kép
Chúng tôi về xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa dưới cái nắng gay gắt, song không khí thu hoạch hồ tiêu nơi đây vẫn đang rộn ràng, đầy ắp tiếng cười.
Khắp các vườn tiêu, người hái, kẻ vận chuyển liên tục đưa tiêu về bãi tập kết, sau đó đưa vào máy tách hạt rồi đem phơi đầy sân nhà. Mùi tiêu cay nồng lan tỏa khắp các ngõ xóm.
Đang phơi tiêu, bà Đặng Thị Lý, thôn Sơn Thọ phấn khởi: “Mặc dù thời tiết nắng hạn kéo dài gây bất lợi nhưng vụ tiêu năm nay bà con vẫn được mùa. Không những thế giá tiêu cũng tăng mạnh so với năm ngoái, dao động ở mức từ 230.000-235.000đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí nông dân có lãi khá, phấn khởi lắm chú ạ!”.
Theo bà Lý, với diện tích 3 sào, tương đương khoảng 500 trụ tiêu, vụ tiêu năm nay nhờ đầu tư chăm sóc bơm tưới chống hạn kịp thời nên các trụ tiêu đều sai quả, cho hạt đồng đều, năng suất ước đạt khoảng 5 tấn tươi, tương đương 1,5 tấn khô, tăng 3 tạ so với năm ngoái.
Với giá tiêu khô trên thị trường hiện nay tăng cao nếu thu hoạch dứt điểm bán cho Cty thu mua, thì sau khi trừ tất cả chi phí gia đình bà lãi cả trăm triệu đồng.
“Đến nay gia đình tôi đã thu hoạch được 5 tạ tiêu khô đang đóng bao bán cho Cty trong vài ngày tới để lấy tiền chi trả chi phí như phân thuốc, công lao động. Hiện nhà tôi đang huy động 5 lao động gấp rút thu hoạch để bán tiêu trong thời điểm được giá”, bà Lý hồ hởi nói.
Bà Lý cho biết hiện giá tiêu khô tăng cao lên đến 230-235 ngàn đ/kg
Với diện tích chỉ 3 sào như gia đình bà Lý đã có mức lãi cao như vậy thì đối những hộ có diện tích tiêu trên 1ha mức lãi còn “khủng” hơn. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Danh Hữu, người cùng thôn có diện tích 1,15 ha, tương đương trên 2.000 trụ, dự kiến vụ tiêu này cho năng suất trên 15 tấn tươi, tức là trên 5 tấn khô.
Ông Văn Kim Minh, PGĐ Cty CP Vinacafe Sơn Thành cho biết: Hiện các hộ trồng tiêu do công ty quản lý đang tiếp tục mở rộng diện tích. Vì vậy định hướng của Cty trong giai đoạn 2016-2020 sẽ ổn định vùng chuyên canh trồng tiêu với diện tích gần 700ha, đồng thời sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến tiêu sọ theo tiêu chuẩn thế giới để XK hoặc ủy thác XK ra thị trường thế giới. |
Do diện tích tiêu lớn nên hiện nay gia đình ông đang thuê 14 lao động thực hiện toàn bộ công việc vừa thu hoạch vừa chở tiêu về nhà xay tách hạt rồi mang phơi đóng bao.
Gặp chúng tôi, ông Hữu cho biết: “Vụ tiêu năm ngoái gia đình tôi được mùa. Còn vụ này tiếp tục thắng lợi dù thời điểm ra hoa vườn tiêu gặp thời tiết nắng hạn, cộng với mưa trái mùa khiến bông rụng hàng loạt. Tuy nhiên, nhờ gia đình tôi biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nên năng suất tiêu vẫn ổn định tương đương năm ngoái”.
Việc tiêu được mùa, được giá không chỉ người trồng tiêu vui như tết, mà còn tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại nhiều địa phương kiếm thêm thu nhập.
Anh Phạm Nhật Trường, một lao động ở xã Hòa Phú (Tây Hòa) cho biết: Mấy năm trước vào dịp này anh hay lên Tây Nguyên để làm thuê, nhưng năm nay tiêu Sơn Thành được mùa nên hút lao động. Vì vậy khoảng nửa tháng nay anh đến đây làm thuê thu hoạch tiêu vừa gần nhà, mỗi ngày cũng kiếm được 200 ngàn đồng, chưa kể tiền chủ bao thêm ăn uống.
Tiêu sau khi thu hoạch được bà con phơi khắp sân nhà
Trao đổi với PV, ông Văn Kim Minh, PGĐ Cty CP Vinacafe Sơn Thành cho biết, hiện công ty đang quản lý khoảng 450 ha tiêu với 750 hộ SX, tập trung chủ yếu ở xã Sơn Thành Tây, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 250 ha. Tính đến thời điểm này bà con nông dân đã thu hoạch được trên 20% diện tích. Dự kiến vụ tiêu năm nay bà con sẽ thu hoạch kết thúc trong đầu tháng 8 tới.
“Vụ tiêu năm nay, cả sản lượng và giá tiêu đều tăng cao giúp người trồng tiêu thu lãi khoảng 80% tổng doanh thu. Cụ thể, năng suất bình quân vụ tiêu năm nay ước đạt từ 3,2-3,3 tấn/ha tăng 5-10%, còn về giá tiêu được Cty thu mua ở mức từ 230.000-235.000đ/kg (khô), tăng 45.000-50.000đ/kg so với năm ngoái. Đây là vụ tiêu được mùa kép”, ông Minh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Không hẹn trước nhưng thật may mắn, trong chuyến công tác mới đây nhất của chúng tôi tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã được “mục sở thị” đồng chí Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Diện “lăn lộn” với cơ sở. Nếu một người lần đầu đến Tiên Yên mà chỉ nhìn cách đồng chí Chủ tịch huyện “xắn tay áo” cùng với cán bộ huyện lo tìm đầu ra cho “món” thương hiệu gà Tiên Yên sẽ chẳng ai nghĩ đó là một trong những lãnh đạo đứng đầu huyện.
Thời gian gần đây, một vài hộ dân ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang) mạnh dạn đầu tư vốn, thực hiện mô hình chăn nuôi dê, bước đầu cho thu nhập khá từ việc bán dê giống và dê thịt. Mặc dù số vốn đầu tư ban đầu khá lớn, với mỗi con dê trưởng thành có giá hơn 3 triệu đồng, quy mô nuôi 4 dê cái và 1 con dê đực là gần 20 triệu đồng.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho biết bò nhập từ Úc về có trọng lượng khoảng 200 – 250 kg/con, được tiếp tục nuôi khoảng 6 tháng lên 500 – 550 kg mới xuất chuồng, bán cho Vissan và một số đơn vị giết mổ khác, trong đó, Vissan là ưu tiên hàng đầu.
Sáng ngày 4/2/2015, Trạm khuyến nông huyện Châu Phú tổ chức hội thảo mô hình trồng bắp thu trái non kết hợp nuôi bò tại hộ anh Nguyễn Hoàng Mỹ, ấp Bình Hưng 2 xã Bình Mỹ (Châu Phú - An Giang). Buổi hội thảo có đại diện công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, các ngành chuyên môn của huyện và hơn 40 bà con nông dân trong huyện đến dự.
Đã hơn 10 năm nay, tại khu vườn của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi) ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm con gà rừng màu lông rực rỡ chạy loanh quanh dưới tán rừng trồng kiếm ăn, tối đến lại vào chuồng. Nghề nuôi gà rừng được anh Hà bắt đầu từ 7 quả trứng nhặt trong rừng đem về gây giống.