Triển vọng cho đất lúa thiếu nước

Mô hình trồng đậu phụng xen canh cây đậu xanh trên đất lúa chuyển đổi vụ hè thu năm 2015 được thực hiện tại thôn Long Bình (xã Tam Nghĩa) trên diện tích 6ha thuộc chân đất cát pha từ tháng 4 đến tháng 8.2015 với 58 hộ tham gia. Với việc sử dụng giống đậu phụng mới LDH-01 và giống đậu xanh ĐX208, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh và Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành hỗ trợ kinh phí thực hiện và hướng dẫn kỹ thuật chăm bón. Kết quả năng suất cây đậu phụng xen canh đậu xanh của mô hình đạt 22 tạ/ha; đậu xanh đạt 320kg/ha.
Đây là mức năng suất khá so với sản xuất giống đậu phụng, đậu xanh tại địa phương. Qua mô hình cho thấy cứ một sào đất trồng đậu phụng xen canh đậu xanh trên đất lúa chuyển đổi vụ hè thu năm 2015 thu lãi hơn 1,9 triệu đồng, tăng hơn 1,4 triệu đồng so với trồng cây lúa trên cùng diện tích. Mặt khác, sản xuất đậu phụng xen canh đậu xanh góp phần chuyển đổi những vùng sản xuất lúa thiếu nước sang trồng các cây trồng cạn, tăng hiệu quả kinh tế và tiết kiệm nguồn nước. Tham gia mô hình, nông dân Phạm Ngọc nói: “Đồng ruộng chúng tôi thường thiếu nước vụ hè thu, được Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện giúp đỡ thực hiện mô hình trồng đậu phụng xen đậu xanh đã đem lại hiệu quả. Chúng tôi rất mừng và sẽ trao đổi kinh nghiệm để bà con trồng xen canh tiếp trong các vụ mùa sau”.
Thạc sĩ Võ Văn Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết: “Việc chuyển đổi đất trồng một vụ lúa ít hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn như đậu phụng, bắp... là phù hợp với chủ trương chung của tỉnh và thực tế mô hình trồng đậu phụng xen đậu xanh trên đất lúa chuyển đổi đã đạt hiệu quả kinh tế gấp 2 lần so với trồng cây lúa. Thành công của mô hình không những ở xã Tam Nghĩa mà còn ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng thấy rằng, thực hiện mô hình trồng đậu phụng xen đậu xanh, hoặc trồng bắp sẽ có đầu ra ổn định, tuy nhiên, nông dân cần chú ý sử dụng các loại giống phù hợp”. Từ hiệu quả trên, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh vận động nông dân nhân rộng mô hình trồng đậu phụng xen canh đậu xanh trên đất lúa chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Còn ông Đặng Văn Quang - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành nói: “Giống đậu phụng LDH-01 và giống đậu xanh ĐX208 phù hợp với điều kiện sản xuất vụ hè thu tại huyện Núi Thành và có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trên chân lúa chuyển đổi. Nếu đầu tư thâm canh đúng mức và chăm bón đúng quy trình kỹ thuật sẽ đạt năng suất cao. Trạm đề nghị tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian đến, ưu tiên cho những vùng đất sản xuất một vụ lúa, vùng cuối kênh thường thiếu nước trong vụ hè thu, năng suất lúa bấp bênh”.
Có thể bạn quan tâm

Trong 2 vụ sản xuất vừa qua, nhiều hộ dân trồng lúa ở khu vực ấp 3, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) rất bức xúc vì tình trạng lúa chết mà nguyên nhân nghi do Hợp tác xã (HTX) lấy nước thải từ hầm nuôi cá lóc bơm tưới cho người dân. Đặc biệt, trong vụ hè thu này, trên 80 hộ dân ở khu vực ấp 3 tiếp tục bức xúc vì trên 40ha lúa khoảng 15 ngày tuổi đang chết dần.

Nông dân nuôi lươn trong hồ xi măng và bồn lót bạt tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện đang rất phấn khởi khi thu hoạch, bởi lươn tăng giá.

Bấy lâu nay, bà con nông dân và người tiêu dùng tỉnh Quảng Bình đã quen thuộc với khái niệm về thực phẩm xanh, sạch, như: rau sạch, nấm sạch… Duy chỉ có “gà sạch” là vẫn còn khá lạ lẫm và ít người quan tâm đến.

Nếp cái hoa trắng (hay còn gọi là nếp cao cây, nếp tháng 9) là giống lúa quý được gieo cấy tại Bắc Ninh với nhiều ưu điểm và giá trị kinh tế cao. Việc phục tráng vào bảo tồn giống lúa này không chỉ có ý nghĩa về đa dạng sinh học mà còn góp phần phát triển các vùng lúa hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Long An đã có chủ trương tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; trong đó, tập trung chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa, nhất là những vùng đất cao, xám bạc màu kém hiệu quả theo phương thức luân canh nhằm tăng thu nhập cho người nông dân và nhóm cây trồng cạn chủ lực cần tập trung là mè, bắp và đậu phộng.