Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Muốn bơi xa, cá ngừ Việt phải đi bằng 2 chân

Muốn bơi xa, cá ngừ Việt phải đi bằng 2 chân
Ngày đăng: 23/07/2015

Bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) đã nêu ý kiến như vậy tại diễn đàn sơ kết thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” 6 tháng đầu năm 2015, do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 21.7 tại Phú Yên.

Rất nhiều lời gan ruột của các bên liên quan đã được chia sẻ ở buổi sơ kết đề án này.

Tranh luận gay gắt giữa các “mắt xích”

Đề án trên được Bộ NNPTNT phê duyệt triển khai từ tháng 8.2014 tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đến nay, Bình Định đã triển khai hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản thí điểm xây dựng chuỗi liên kết giữa Công ty CP Thủy sản Bình Định với 5 tàu câu, bảo quản cá ngừ đại dương (CNĐD) theo phương pháp hiện đại; đã thực hiện được 2 đợt xuất khẩu CNĐD nguyên con sang Nhật. Trong khi đó, Phú Yên đã công bố chuỗi liên kết giữa Công ty CP Bá Hải với 8 tổ sản xuất trên biển (gồm 72 tàu CNĐD). Riêng Khánh Hòa đã tổ chức được 3 ngư đội (gồm 11 tàu CNĐD) hoạt động theo mô hình tàu mẹ - tàu con (trong đó, 2 tàu mẹ là của Công ty TNHH Hải Vương); bên cạnh đó, Công ty Yanmar đang tiến hành thành lập công ty cổ phần, trong đó cổ đông là những người trực tiếp khai thác trên tàu.

Thực tế triển khai, có 3 chuỗi liên kết chính đã bắt đầu khởi hành, đó là: Chuỗi liên kết hoàn toàn của doanh nghiệp; doanh nghiệp - ngư dân; doanh nghiệp - chủ vựa - ngư dân. Mô hình chỉ mới bắt đầu và đang nảy sinh những tranh luận gay gắt giữa các “mắt xích”. Đó là, ngư dân “rên” chủ vựa, doanh nghiệp ép giá; doanh nghiệp than thở bị “hiểu oan”, ngư dân bán sản phẩm kém mà đòi giá cao; ai cũng than thiếu vốn lưu động, trong lúc ngân hàng “thủ dẻo” sợ rủi ro,...

Ông Hồ Lời - chủ tàu cá ngừ BĐ-97292, ở Hoài Nhơn (Bình Định), thành viên nhóm tàu thí điểm câu cá CNĐD kiểu Nhật nói: “Vừa qua, ngư dân rất vất vả để thích ứng với lối khai thác mới. Thế nhưng cá được chọn đi Nhật chỉ được Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) mua cao hơn 20% giá thị trường. Nghe nói đợt tới, cá được chọn xuất sẽ được mua cao hơn 50%, may ra mới hấp dẫn ngư dân…”.

Giám đốc Bidifisco - bà Cao Thị Kim Lan phân trần: “Chúng tôi đang chấp nhận làm quy trình ngược (lỗ vốn) để khuyến khích ngư dân tuân thủ quy trình nâng cao chất lượng khai thác. Nếu chế biến đông lạnh CNĐD, chi phí vận chuyển chỉ chiếm một phần nhỏ giá thành; đằng này, con cá vận chuyển máy bay từ Bình Định - TP.Hồ Chí Minh - Nhật chiếm đến 60% giá thành, thì còn gì là lãi! Doanh nghiệp thủy sản chưa được hiểu và hỗ trợ đúng mức, vậy mà cứ bị mang tiếng là xử ép ngư dân”.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám thẳng thắn nhìn nhận: “Linh hồn của chuỗi liên kết phải là doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp ứng xử không sòng phẳng, ngư dân sẽ không hợp tác. Việc chia phần lợi ích và rủi ro phải được bàn bạc một cách minh bạch, mới có thể liên kết lâu dài và hiệu quả. Chúng ta phải tiếp tục tạo môi trường, cơ chế tốt hơn cho doanh nghiệp phối hợp hoạt động, thì thu nhập chung, nhất là của ngư dân sẽ nâng cao”.   

Cần hỗ trợ vốn cho nông dân “dưới nước”

Chia sẻ tại đây, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, Việt Nam cần phải học Philippines trong việc làm CNĐD, vì họ đã đi trước một bậc. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tại Mỹ nhập khẩu sản phẩm CNĐD Philippines… là của Việt kiều. Tại sao Việt Nam chưa thể “tận dụng, khai thác” các doanh nghiệp Việt kiều này?

Ngư dân Huỳnh Văn Nhiệm (chủ 2 tàu CNĐD trong chuỗi liên kết với Công ty CP Bá Hải, Phú Yên) cho hay, đứng vào chuỗi liên kết nhưng chủ tàu vẫn phải phụ thuộc vào vốn lưu động của nậu vựa, nên không thể bán sản phẩm cho Bá Hải. Bởi Bá Hải chưa đủ lực cung ứng vốn, còn ngân hàng thì đòi hỏi ngư dân phải... sạch nợ, mới có thể cho vay vốn lưu động.

Về điều này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, các ngân hàng vẫn “nói rất hay nhưng lại rụt rè” khi hỗ trợ vốn cho nông dân “dưới nước” so với “trên bờ”. Sắp tới đây, Bộ NNPTNT sẽ có văn bản trình Chính phủ để “tháo nút” về vay vốn lưu động cho ngư dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Và phải tiếp tục làm rõ lợi ích cụ thể của các bên tham gia chuỗi giá trị CNĐD.   


Có thể bạn quan tâm

Thử nghiệm nuôi dúi trang trại ở Tây Sơn (Bình Định) Thử nghiệm nuôi dúi trang trại ở Tây Sơn (Bình Định)

Đó là mô hình nuôi dúi quy mô trang trại của ông Trần Thái, ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông Thái kể: “Tình cờ sau trận lũ lịch sử năm 2013, tôi bắt được 2 con dúi đang đào hang ăn rễ tre và măng tre trong trang trại gia đình.

12/05/2015
Gà Đông Tảo ở Đồng Nai Gà Đông Tảo ở Đồng Nai

Công ty TNHH nghiên cứu sản xuất Đất Việt (TP.Hồ Chí Minh) là đơn vị đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao đầu tư sản xuất giống và nuôi các loại đặc sản, như: gà Đông Tảo, chim trĩ và các loài chim quý khác.

12/05/2015
Mỗi ha dứa lãi hơn 100 triệu đồng Mỗi ha dứa lãi hơn 100 triệu đồng

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Nam (Bắc Giang), toàn huyện hiện có 350 ha dứa Queen, tập trung ở xã Bảo Sơn và Tam Dị.

13/05/2015
VASEP dự báo thiếu tôm nguyên liệu VASEP dự báo thiếu tôm nguyên liệu

Dự kiến, từ nay đến quý III/2015, với đà thu hẹp diện tích thả nuôi sẽ dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cho xuất khẩu.

13/05/2015
Thương lái thu mua cam non xuất sang Trung Quốc Thương lái thu mua cam non xuất sang Trung Quốc

Cùng với việc thu mua cau non bán sang Trung Quốc, gần đây các thương lái đến những vùng trồng cam ở ĐBSCL mua cam non để "xuất khẩu"

13/05/2015