Hồ Tiêu Chinh Phục Ngưỡng Tỷ Đô
Được đánh giá là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, hồ tiêu đang dần chinh phục ngưỡng kim ngạch xuất khẩu đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, để hạt tiêu nhỏ bé ngày càng tăng kim ngạch xuất khẩu thì rất cần một chiến lược dài hạn nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này.
7 tháng đầu năm, hạt tiêu vẫn đang duy trì “phong độ” tăng trưởng ổn định cả về giá và lượng với kim ngạch xuất khẩu tăng 46,1% và giá xuất khẩu cũng tăng 10,6%. Tính từ tháng 1 đến hết tháng 7/2014, xuất khẩu tiêu đã đạt 119.000 tấn, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2013, thu về 862 triệu USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: 4 thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Ấn Độ vẫn duy trì đà tăng mạnh và chiếm tới 46% lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, đến cuối năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tiêu sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD với lượng xuất khẩu khoảng 125.000- 130.000 tấn.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu bị rớt giá thì giá tiêu lại chạm ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. VPA cho hay, những ngày cuối cùng của tháng 7/2014, giá tiêu trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã lên mức 187.000- 188.000/kg, thậm chí giá tiêu của nhiều hộ gia đình có chất lượng cao, độ ẩm dưới 12% đã lên tới 200.000 đồng/kg.
Mức giá này cao hơn từ 42.000- 55.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm và cao hơn khoảng 65.000- 80.000 đồng/kg so với 1- 2 năm trước. Giá tiêu trong nước tăng cao do giá thế giới tăng mạnh, tính bình quân 6 tháng đầu năm nay, giá bình quân tiêu đen 6.885 USD/tấn, tiêu trắng 9.716 USD/tấn, tăng tương ứng 11,4% và 9,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện tại, tiêu của Việt Nam đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vững vị trí quan trọng trên thị trường hồ tiêu thế giới. Nhận định về thị trường xuất khẩu tiêu những tháng cuối năm, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho rằng: Tổng nguồn cung của niên vụ 2014 cộng với hàng tồn kho tương đối hạn hẹp, một số nước xuất khẩu tiêu lớn như Ấn Độ, Indonesia giảm sản lượng từ 15- 20% nên lượng cung cho thế giới dự báo không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia vừa được Bộ Công Thương công bố, tiêu được xếp vào nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu cao và diện tích trồng tiêu cũng ngày được mở rộng. Tuy nhiên, các nhà tư vấn khuyến cáo: Công nghệ xử lý và chế biến hồ tiêu vẫn chưa được quan tâm nhiều, chủ yếu vẫn là tiêu đen và tiêu trắng chưa xay. Vì thế, để phát triển tiềm năng của mặt hàng tiêu cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến để nâng cao giá trị tiêu xuất khẩu.
Theo VPA, để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững trong thời gian tới, sản xuất hồ tiêu theo quy chuẩn GAP là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải khẩn trương hành động bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 23 năm hình thành và phát triển, nhưng nghề nuôi cá cảnh ở Tiền Giang đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, mặc dù tỉnh có đầy đủ yếu tố cả về thiên thời và địa lợi. Nguyên nhân do đâu?
Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Thạch Cảnh (người khmer) ở ấp Thạnh An Tư, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã “vượt lên chính mình” để có cuộc sống sung túc...
Mùa này ra chợ, chỗ nào cũng có bán táo. Trước đây, có nhiều giống táo được bán lắm! Nhưng ít năm trở lại đây, người ta chỉ bán chủ yếu giống táo có quả to mà được gọi là đại táo. Gọi là “đại táo” cũng không ngoa.
Hàng chục năm qua, người dân nghèo ở các thôn Lập An, Loan Lý, Hót Mít, Hói Dừa… thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) chỉ biết mò cua bắt cá trên đầm Lập An để sống qua ngày.
Nhiều hộ dân ở xã Lê Minh Xuân (Huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng trong những năm gần đây.