Nuôi Bò Sữa Công Nghệ Cao
Đàn bò sữa TPHCM đã chạm ngưỡng 100.000 con. Con số mà trước đây không ít người cho là không tưởng ở một TP thương mại và dịch vụ hàng đầu cả nước như TPHCM. Nếu như bò sữa được nuôi ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ, thì nuôi bò sữa hàng hóa để bán chỉ mới có khoảng 30 năm trở lại đây.
TPHCM còn là địa phương hình thành mô hình bò sữa dạng nông hộ mà sau này được nhân rộng nhiều tỉnh thành cả nước. Từ đó đến nay TP vẫn là địa phương dẫn đầu về lượng bò sữa cả nước khi chiếm 51,4% tổng đàn.
Chưa thể giảm
Đặc điểm của đàn bò sữa vùng đô thị hóa là sự dịch chuyển liên tục. Khởi phát từ quận Tân Bình, Gò Vấp, lan ra Thủ Đức, tiến ra huyện Hóc Môn, bây giờ là huyện Củ Chi, khi chiếm 63,8% tổng đàn bò sữa TP và lan sang các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, Bình Dương.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nông nghiệp TP cho rằng, vấn đề không phải 100.000 con hay hơn nữa mà làm sao ngày càng nâng cao chất lượng đàn bò sữa. Đó mới là mục tiêu mà TPHCM đã và đang làm.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, do đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, vì vậy, số lượng đàn bò sữa TP không thể tăng mãi. Sau gần thập niên suy thoái, nghề nuôi bò sữa đã và đang phục hồi trở lại một cách căn cơ và bài bản hơn, không còn phát triển theo kiểu phong trào như cuối thập niên 1990.
Nhiều năm nay, việc nhập khẩu giống bò sữa của các “đại gia” như Vinamilk, T.H Milk từ Úc, New Zealand… lên đến hàng chục ngàn con và vẫn sẽ tiếp tục có mặt tại các trại nuôi công nghiệp quy mô lớn, như sắp tới có thêm sự tham gia của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Trong khi đó, giá con giống bò sữa trong nước vẫn tiếp tục tăng, như ở TPHCM, con giống bò lai F các loại cũng ở mức 45 - 50 triệu đồng/con, nên việc người nuôi giữ lại con giống là lý do bò sữa TP tiếp tục tăng đàn, dù số hộ nuôi đã giảm. Nhiều năm trước TP đã đặt ra mục tiêu sẽ giảm đàn xuống còn khoảng 85.000 con bò sữa.
Nhưng trước mắt, đàn bò sữa vẫn phải tiếp tục tăng trước khi có thể nói giảm, nhất là hiện nay việc chăn nuôi bò sữa cả nước nhìn chung đã căn cơ, ổn định khi giá thu mua sữa của các công ty đang ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á, kể cả Trung Quốc, chỉ sau Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan nhờ được trợ cấp của nhà nước.
Điều đáng nói, đầu ra của sản phẩm này còn rất lớn khi mới chỉ cung cấp khoảng 28% nhu cầu chế biến của nhà máy. Lượng sữa cho mỗi người bình quân cả nước chỉ khoảng 17 kg/người/năm trong khi những nước trong khu vực gần 30kg/người/năm. Vì vậy dự địa cho lĩnh vực này còn rất lớn. Tất nhiên không thể nội địa hóa 100% nguyên liệu mà chỉ ở mức 60% - 70%.
Ngoài nguồn sữa vắt bán ra hàng ngày, người nuôi còn hưởng lợi từ việc bán con giống cho các tỉnh có nhu cầu nuôi mới hay tăng đàn.
Con số này hàng năm vào khoảng 15.000 - 20.000 con giống. Nhưng nghề nuôi bò sữa ở TP chịu sự cạnh tranh khốc liệt với những loại sản phẩm đô thị khác như cá cảnh, hoa kiểng…, vì vậy, sẽ đến lúc chỉ còn lại những hộ nuôi bò sữa một cách chuyên nghiệp, biết tìm hiểu và áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới để có thể đứng vững trước loạt cây trồng, vật nuôi ít diện tích vẫn có thể cho thu nhập cao.
Đó chính là sự chọn lọc tự nhiên của nền kinh tế thị trường. Điểm sáng điển hình
TPHCM là địa phương dẫn đầu về năng suất cả nước, bình quân mỗi con/chu kỳ đã lên hơn 5.600kg, bình quân cả nước là 5.100kg/con/chu kỳ. Vì vậy, dù chiếm 51,4% tổng đàn nhưng sản lượng sữa lại chiếm 60,6% sản lượng sữa tươi cả nước.
Nhưng để tạo bước chuyển đáng kể về nuôi bò sữa cả về chất lượng và năng suất với mục đích để gia tăng khả năng cạnh tranh với những nghề ngành nông nghiệp đô thị khác, không thể không ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này.
Cuối tháng 8-2013, TPHCM khánh thành Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) với sự hỗ trợ của Israel, đất nước có ngành nuôi bò sữa tiên tiến và năng suất cao nhất nhì thế giới, có khí hậu khá nóng như Việt Nam.
Trại ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi, quản lý, dinh dưỡng, thú y theo mô hình của Israel trong chăn nuôi bò sữa cao sản.
Dù mới vận hành đầu năm 2013 nhưng đến nay đã ghi nhận một số kết quả bước đầu như năng suất sữa trung bình đàn bò sữa của trại tăng lên 22,7kg/con/ngày với 70 con đang cho sữa nhờ vắt 3 ca thay vì 2 ca, tương đương 6.300kg/con/chu kỳ, mục tiêu dự án là 8.000kg/con/chu kỳ.
Dự kiến cuối năm 2014 đạt 26kg/con/ngày. Hơn 500 lượt hộ nông dân nuôi bò sữa đã đến đây trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về nuôi bò sữa theo công nghệ cao. DDEF trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp các nơi đến tìm hiểu.
Có thể nói, phát triển đàn bò sữa tại TPHCM là điển hình về sự phối hợp giữa các bên: Quản lý nhà nước, nhà sản xuất (nông hộ, trang trại), nhà khoa học (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Viện Chăn nuôi quốc gia, Đại học Nông Lâm TP), nhà chế biến (Vinamilk, FrieslanCampina) và tín dụng. Đây là sự thành công mô hình kết hợp hữu cơ giữa nghiên cứu và sản xuất thực tiễn.
Kết quả từ DDEF cho thấy, chỉ có đầu tư ứng dụng KHKT ứng dụng công nghệ cao; kết hợp việc quản lý chặt chẽ các quy trình chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh và nguyên liệu đầu vào – đầu ra một cách đồng bộ mới mang lại hiệu quả cao cho nghề nuôi bò sữa.
Có thể bạn quan tâm
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 kèm mưa to, gió mạnh vừa qua đã khiến nhiều diện tích rau trong tỉnh bị dập nát, hư hỏng. Người trồng rau vì thế cũng phập phồng, lo lắng khi quyết định xuống giống rau vụ đông, bởi mùa mưa bão đã bắt đầu...
Tuy không thuộc diện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến năm 2015, nhưng nhờ có lợi thế về điều kiện kinh tế-xã hội, nhất là sự đồng thuận của nhân dân, nên huyện Tây Sơn và tỉnh đồng ý bổ sung xã Tây Xuân vào lộ trình hoàn thành XDNTM vào năm 2015.
Đó là anh Nguyễn Ngọc Quà, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (TX An Nhơn). Từ chỗ nghèo khó, nhờ theo nghề trồng mai mà gia đình anh có “của ăn, của để”. Anh còn giúp nhiều hộ trong thôn về kỹ thuật trồng mai kiểng, tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Nếu không có sự chuyển biến về mặt chất lượng và thay đổi về chuỗi giá trị, 20 năm tới xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cứ ì ạch như hiện nay, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam, cảnh báo.
Vừa qua, Tổ chức Tầm nhìn thế giới phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa triển khai 12 lớp tập huấn ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm Emic cho trên 600 lượt hộ nông dân tham gia.