Bệnh Lở Mồm Long Móng Tái Xuất

Theo số liệu của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 9 tỉnh ở khu vực phía Bắc và Tây Nguyên đã xảy ra dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc. Hiện tại, bệnh LMLM cũng đã xuất hiện trên đàn gia súc của BR-VT.
Để phòng bệnh lở mồm long móng trên gia súc, người chăn nuôi phải tiêm đầy đủ vắc xin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Trong ảnh: Chăn nuôi bò thịt tại hộ bà Nguyễn Thị Phúc, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ). Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Ngày 18-8-2014, Chi cục Thú y và Trạm Thú y huyện Xuyên Mộc phát hiện 1 con bò trong đàn gia súc của một hộ chăn nuôi ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận bị nhiễm bệnh LMLM.
Đến nay, ngành thú y đã phát hiện tại xã Phước Thuận có 13 con bò bị nhiễm bệnh LMLM, số bò nhiễm bệnh xuất hiện ở 3 đàn bò chưa được tiêm phòng đầy đủ. Trước đó, (tháng 5-2014) tại địa bàn 2 xã Suối Nghệ và Láng Lớn (huyện Châu Đức) đã có một số bò bệnh có triệu chứng của bệnh LMLM.
Theo Trạm Thú y huyện Xuyên Mộc, bệnh LMLM được phát hiện tại đàn bò 5 con của hộ gia đình ông Trần Văn Hường, ấp Ông Tô, Phước Thuận với dấu hiệu sùi bọt mép, biếng ăn, lở loét ở móng chân... Đây là đàn bò được gia đình ông mua từ một hộ chăn nuôi ở xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) gần 2 tháng.
Bệnh LMLM cũng xuất hiện rõ rệt ở đàn bò của ông Nguyễn Văn Sáng ở cùng ấp do thả chung với đàn bò của ông Hường… Thống kê của Hội Nông dân xã Phước Thuận, xã có đàn bò lớn nhất huyện Xuyên Mộc với hơn 1.600 con, tập trung ở các ấp Gò Cà, Gò Tràm, Xóm Rẫy.
Trước hiện tượng này, ngành thú y của huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng xử lý bệnh cho số bò đã bị nhiễm và khoanh vùng nơi bệnh xuất hiện, tổ chức tiêm phòng cho đàn bò trong xã và tiến hành tiêu độc, khử trùng trong vòng bán kính 500m nơi phát hiện bò bị nhiễm bệnh LMLM. Hiện dịch bệnh đã được khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra dịch LMLM cho gia súc trong mùa mưa vẫn còn lớn.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y tỉnh, để bảo vệ đàn gia súc trước nguy cơ dịch LMLM, người chăn nuôi cần chủ động ngừa dịch bằng các biện pháp: Tăng chế độ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho gia súc. Chuồng trại phải thoáng mát, khô ráo, hạn chế thương lái ra vào khu chăn nuôi khi chưa vệ sinh, sát trùng kỹ…
Khi phát hiện gia súc bị LMLM, người chăn nuôi cần nhanh chóng báo trạm thú y hoặc chính quyền địa phương. Người chăn nuôi phải thực hiện “5 không” khi phát hiện bệnh LMLM: Không giấu dịch, không bán chạy gia súc nhiễm bệnh; không mua gia súc bệnh và sản phẩm chế biến từ gia súc bệnh; không thả rông, không tự vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch và không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh LMLM bừa bãi….
Con giống đưa về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Tuyện đối không mua gia súc từ vùng đã phát hiện có bệnh, gia súc không rõ nguồn gốc. Song song đó, người chăn nuôi phải thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc theo quy định của cơ quan Thú y.
Cụ thể, phải tiêm đủ 2 mũi đối với gia súc non tiêm phòng lần đầu thì mới đảm bảo khả năng bảo hộ, tiến hành tiêm bổ sung thường xuyên cho số gia súc chưa được tiêm phòng. Hàng ngày phải kiểm tra sức khỏe của đàn gia súc, khi phát hiện gia súc có dấu hiệu của bệnh cần nhanh chóng báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh LMLM đặc hiệu. Các thuốc kháng sinh dùng tiêm, hoặc bôi thoa và một số bài thuốc dân gian… chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn kế phát, không diệt được virút gây bệnh. Cách tốt nhất để tránh lây lan, khi phát hiện gia súc bị nhiễm bệnh LMLM phải cách ly và tiêu hủy ngay gia súc bệnh theo quy định của ngành thú y. Số gia súc bị tiêu hủy sẽ được tỉnh hỗ trợ theo quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc và gia cầm của tỉnh.
Biểu hiện của gia súc khi nhiễm bệnh LMLM: dáng vẻ mệt mỏi, đi khập khiễng, xuất hiện mụn nước ở móng chân, khi nhiễm nặng có thể tuột móng. Gia súc chảy nước dãi nhiều, xuất hiện mụn nước nhiểu ở mõm, lưỡi, xoang miệng và vú.
Có thể bạn quan tâm

Sau nhiều vụ thả nuôi sò trên đầm Thủy Triều, nhiều ngư dân ở tổ dân phố Hoà Dò 4, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thắng lớn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò, ngư dân Lê Văn Hoàng cho biết: “Mặc dù bà con nơi đây không được chuyển giao kỹ thuật nuôi thả sò, nhưng cứ mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vụ nào cũng lãi”.

Sử dụng thức ăn trong nuôi trồng thủy sản ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường nước vùng đầm phá. Ở Chi hội nghề cá Cồn Hạc Châu (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bà con ngư dân nuôi tôm, cá sử dụng thức ăn tự nhiên góp phần làm sạch môi trường nước.

Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.

Trong 96 mô hình ứng dụng sản xuất được triển khai trong năm 2013 ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) thì có 49 mô hình đầu tư nuôi gà thả vườn, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 227 con giống, trong đó, chủ yếu dành cho hộ nghèo và cận nghèo.

Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản, đặc biệt là các loài cá nước lạnh, thủy đặc sản do nguồn nước dồi dào, chưa bị ô nhiễm. Những năm qua, phát triển thủy sản góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.