Hình Thành Hạm Đội Tàu Biển
Lâu nay ngư dân Quảng Nam vẫn mong đóng được những chiếc tàu lớn để vươn khơi nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Hơn một năm qua, kể từ khi Quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh ra đời, nhờ vào nguồn quỹ này, ước mơ vươn khơi bằng tàu lớn của ngư dân đã trở thành hiện thực.
“Nhà” mới của ngư dân
Con tàu với ngư dân là ngôi nhà và còn hơn thế nữa bởi họ gắn bó sinh tử gần như thường trực trên tàu giữa nghìn trùng biển khơi sóng gió. Bởi vậy, lễ hạ thủy một chiếc tàu với ngư dân được xem là ngày về nhà mới.
Mới đây, chúng tôi chứng kiến lễ “về nhà mới” rất trang trọng của ngư dân Võ Hồng Nhân (quê xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) tại biển Tam Quang (Núi Thành). Với anh Nhân, dù là gia đình có truyền thống đi biển nhưng anh chưa bao giờ dám mơ ước bản thân có thể đầu tư đóng mới con tàu 720CV để vươn khơi.
Bởi với nguồn thu nhập hiện nay, khoản tiền hơn 3,5 tỷ đồng đầu tư cho phương tiện đánh bắt (cụ thể là việc đóng mới con tàu) hoàn toàn ngoài khả năng của anh cũng như nhiều ngư dân trong tỉnh. Nhân tâm sự, chính nhờ khoản hỗ trợ 1,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh anh mới có thể đóng được con tàu mang số hiệu QNa-94646 để khai thác trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Anh cho biết, chỉ mấy ngày nữa thôi, sau khi hoàn thành khâu kiểm tra kỹ thuật, chạy thử tải, con tàu mới cùng 38 ngư dân “đi bạn” từng gắn bó thân thiết với anh sẽ vươn khơi trong chuyến đánh bắt đầu năm. “So với con tàu 400CV trước đây thì tàu mới công suất lớn hiện nay có nhiều lợi thế.
An toàn là yếu tố tiên quyết hàng đầu với người đi biển, đặc biệt hiện nay khi thời tiết có những biến động khó lường do biến đổi khí hậu cũng như tranh chấp vùng đánh bắt nên sẽ không dự lường hết được những rủi ro…, vì vậy tàu lớn sẽ có nhiều ưu thế khi hoạt động trên biển” – anh Nhân nói.
Theo tính toán, mỗi chuyến xuất bến kéo dài 2,5 - 3 tháng, bình quân ngư dân khai thác được từ 25 - 30 tấn mực khô. Tuy giá mực hiện nay có bấp bênh nhưng nhiều “bạn” hy vọng sẽ có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Riêng chủ tàu nguồn thu sẽ cao hơn do ăn chia theo tỷ lệ 6/4.
Tuy vậy, chi phí cho mỗi chuyến đi hiện nay cũng khá cao, bình quân khoảng 500 triệu đồng, đó là chưa kể mỗi lao động đi bạn sẽ “góp” bằng các nhu yếu phẩm cá nhân từ 10 - 15 triệu đồng tùy khả năng mỗi người. Điều thuận lợi là không như các tàu khác, anh Nhân vừa là chủ tàu vừa tài công. Anh đã lấy bằng thuyền trưởng hạng 4 do một cơ sở dạy lái tàu ở TP.Nha Trang cấp cách đây mấy năm.
Hình thành đội tàu công suất lớn
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, từ khi Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam ra đời, nguồn quỹ này đã hỗ trợ 12 chiếc tàu công suất từ 600 - 1.000CV được đóng mới (mức hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/chiếc).
Đã có 6 tàu hạ thủy vươn khơi. Kế hoạch năm 2014, Quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh sẽ hỗ trợ đóng mới từ 10 - 15 tàu, như thế Quảng Nam sẽ từng bước hình thành đội tàu công suất lớn vươn khơi. Theo ông Tấn, đây là điều trước đó Quảng Nam chưa thể làm được. Khoảng 5 năm về trước tàu của ngư dân Quảng Nam phần lớn có công suất nhỏ, tàu trên 90CV đã hiếm huống hồ tàu 1.000CV.
Đầu năm mới, không khí của lễ hạ thủy con tàu công suất lớn của anh Nhân đã trở thành niềm phấn khởi chung của nhiều ngư dân. Đây là con tàu lớn của ngư dân Quảng Nam được hỗ trợ đóng mới trong năm 2014. Cùng với kinh phí đầu tư, những con tàu của ngư dân nằm trong chương trình này còn được hỗ trợ 1 máy thông tin liên lạc định vị vệ tinh trị giá 28 triệu đồng, hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ 100% bảo hiểm người trên tàu…
Ngoài chương trình hỗ trợ dầu cho ngư dân, việc ưu đãi nguồn vốn vay là điều kiện hết sức thuận lợi để tiếp sức cho ngư dân vươn khơi. Mới đây Chính phủ còn có cơ chế hỗ trợ ngư dân cả tiền mặt lẫn gạo khi vươn khơi nếu gặp rủi ro như bị tàu lạ tông chìm, tai nạn trên biển…
Chia vui trong ngày hạ thủy con tàu của anh Nhân, ông Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, chủ tàu được Quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh hỗ trợ 1,5 tỷ đồng) cho biết, con tàu của ông cũng trong giai đoạn hoàn thiện.
Không chỉ bản thân ông mà hơn 30 lao động “đi bạn” nóng lòng đợi lễ hạ thủy con tàu này. “Bởi đó là cuộc sống, là sinh kế của mấy chục con người, mong có được sự đổi đời khi có tàu lớn. Thời gian không còn xa nữa, “hạm đội thủy binh xứ Quảng” sẽ ngày một hùng hậu” – ông Cảnh nói.
Quảng Nam đang hình thành “hạm đội” tàu biển công suất lớn, chắc chắn sẽ góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào vươn khơi bám biển của ngư dân. Cùng với việc khai thác hải sản, đội tàu này còn là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền vững chắc của Tổ quốc trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Sơn La hiện có 2 lòng hồ thủy điện Hoà Bình và Sơn La, có hệ sinh vật thủy sản rất đa dạng phong phú. Theo kết quả điều tra khu hệ cá hồ thủy điện Hoà Bình có 123 loài cá thuộc 79 giống, 19 họ và khoảng 16 loài động vật đáy, được chia thành 3 dòng cơ bản: cá nhập nội, cá đồng bằng Bắc Bộ và các loài thuỷ sản đặc trưng cho miền núi Tây Bắc.
Mặc dù việc cho vay theo chuổi sản xuất thủy sản đã được các tổ chức tín dụng quan tâm, thực hiện nhưng hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn, quy định nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) thủy san có một cơ chế vay phù hợp với đặc điểm của ngành. Từ thực tế này, đòi hỏi phải xây dựng một cơ chế phù hợp với đặc điểm của ngành thủy sản để tạo điều kiện cho cả DN và ngành ngân hàng (NH) có cơ chế vay và cho vay phù hợp.
Vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng đang đứng trước nhiều khó khăn do diễn biến của bệnh, dịch bệnh trên tôm có dấu hiệu bộc phát trong giai đoạn đầu mùa mưa. Hiện nay ở thị xã Vĩnh Châu mức độ thiệt hại lên đến hơn 46%, có nhiều vùng nuôi mức độ thiệt hại chiếm rất cao, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Bộ NNPTNT vừa chỉ đạo Công ty TNHH Tân An xuất không thu tiền 30 tấn hóa chất sát trùng Chlorine để hỗ trợ tỉnh Kiên Giang phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.
Đầu năm 2013, từ nguồn vốn Qũy hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam, Ninh Thuận) đã triển khai Chương trình “Nuôi bò vỗ béo” cho nông dân thôn Thiện Đức. Sau hơn một năm thực hiện, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều hộ nông dân còn khó khăn.