Hiệu quả trong mô hình nuôi tôm quảng canh ở vùng đồng láng huyện Trà Cú (Trà Vinh)

Tuy giá trị kinh tế mang lại không nhiều như nuôi công nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế (lợi nhuận) so với chi phí đầu tư ở hình thức nuôi quảng canh mang lại cao gấp 4 - 5 lần.
Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nghề nuôi thủy sản của người dân tại các huyện vùng ven biển, đặc biệt là việc nuôi theo hình thức công nghiệp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Tuy nhiên từ năm 2011, trên vùng đất ngập mặn đồng láng của Trà Cú đã tạo nên “cú hích” cho nghề nuôi trồng thủy sản với hình thức thả nuôi quảng canh.
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trà Cú cho biết: Những năm qua vùng đồng láng của Trà Cú đã có bước chuyển mình rất lớn, nghề nuôi thủy sản ở đây cũng phát triển đa dạng về con nuôi, như tôm sú, thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển…
Trong này, diện tích tập trung nuôi nhiều ở đối tượng tôm sú và thả xen với cua biển, cùng với đó tỉnh và huyện cũng đã đầu tư về hệ thống thủy lợi trong nuôi thủy sản, như Dự án 773, hệ thống thủy lợi Xà Lôn, nạo vét kênh cấp II…nhưng do đặc điểm của vùng đồng láng và tập quán của người dân nơi đây nên việc phát triển nuôi thủy sản ở đây chủ yếu là thả lan (hay nuôi quảng canh).
Được biết vùng đồng láng Trà Cú bắt đầu từ ấp Xà Lôn (xã Đại An) qua xã Đôn Xuân, Đôn Châu và tiếp giáp với xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải), qua đó đã có trên 95% diện tích đất có khả năng nuôi thủy sản được tận dụng phát triển nuôi thủy sản. Riêng xã Đôn Xuân là địa phương có diện tích vùng đồng láng chiếm hơn 50% diện tích (khoảng 700ha). Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Vĩnh Phát, viên chức nông nghiệp xã Đôn Xuân, phụ trách thủy sản cho biết: Đối với người nuôi tôm sú ở vùng đồng láng thì tỷ lệ nuôi có lãi chiếm rất cao (trên 95%), tuy số tiền thu vào không nhiều như nuôi ở hình thức công nghiệp nhưng bình quân một đồng vốn bỏ ra có thể thu về gấp 4 - 5 lần và tính rủi ro rất thấp.
Trong vụ nuôi tôm 2014 - 2015, xã Đôn Xuân có 600ha vùng đồng láng (phân bố tập trung tại 6/11 ấp) được người dân phát triển thả nuôi tôm sú và thẻ. Trong này, có khoảng gần 25 ha nuôi công nghiệp, gồm thẻ chân trắng 40 lượt hộ với diện tích gần 20ha và 11 hộ nuôi tôm sú, diện tích 04ha; còn lại là thả nuôi quảng canh và hộ có thu nhập cao nhất khoảng 100 triệu đồng.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy (ấp Bà Nhì, xã Đôn Xuân) là hộ có trên 10 năm nuôi tôm sú, cho biết: Gia đình có gần 2,5ha mặt nước nhưng chủ yếu là nuôi quảng canh, những năm nào chịu ảnh hưởng thời tiết, tôm bệnh chết nhiều cũng kiếm được 20 - 30 triệu đồng.
Điển hình như vụ thả nuôi 2015, gia đình bỏ chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng gồm tiền thức ăn, con giống tôm sú và cua biển giống, qua thu hoạch, được gần 50 triệu đồng tiền bán tôm sú, còn nguồn thu hoạch từ cua biển và cá cũng được 30 triệu đồng. So với nuôi công nghiệp, thì hình thức nuôi quảng canh sẽ ít bị tác động về biến đổi khí hậu, dịch bệnh và mang tính ổn định, ít rủi ro.
Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1990 ở xóm 3 xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) là hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây cam đường canh vào trồng thử nghiệm.

Mô hình nuôi cá chép giòn đặc sản phục vụ thực khách đã giúp ông Lê Văn Dũng ở ấp Phú Thạnh A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thu về hơn 3 tỷ đồng

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng đào, gia đình bà Đỗ Thị Tuất thu lãi trên 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ bán và cho thuê gốc đào cổ thụ.

Khá nhiều hộ nông dân đạt được lợi nhuận tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi trồng thủy sản. Gia đình anh Nguyễn Hữu Doan ở xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ là một trong những số đó

Cứ nuôi 100 đôi bồ câu Pháp, trừ chi phí sẽ lãi ròng 24-30 triệu đồng/năm. Tính ra, với 1,3 nghìn đôi bồ câu Pháp, mỗi năm vợ chồng Thủy lãi ròng trên 300 triệu