Để niềm vui trọn vẹn khi giá cau tăng
Trúng mùa được giá
“Chỉ mấy cây cau này mà vụ rồi tôi kiếm được hơn 4 triệu đồng đấy!”, vừa nói, ông Nguyễn Dụng, ngụ thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) vừa chỉ vào vườn cau hơn 10 năm tuổi của mình.
Vườn cau nhà ông Dụng có chừng 40 cây, một số cây còn đang sum suê quả.
Theo lời ông Dụng, vườn cau này gia đình đã trồng từ hơn 10 năm trước với mục đích… làm đẹp nhà, chứ không quan tâm đến chuyện bán buôn.
Thế nên thời gian trước, lão nông này thường cho thương lái đến hái cau rồi họ đưa bao nhiêu tiền thì đưa.
Vậy nhưng năm nay giá cau đột ngột tăng cao, vườn cau ông Dụng sai quả nên đầu vụ được thương lái đến tận nhà đặt cọc, bao tiêu với giá 18.000 đồng/kg cau cành tươi.
Các cơ sở thu mua cau, sơ chế để xuất khẩu.
Còn bà Đoàn Thị Hương, ngụ thôn Điền An, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cũng rất phấn khởi với vườn cau “trồng chơi ăn thật” sau khi cầm trên tay số tiền 4,5 triệu đồng nhờ bán 3 tạ cau tươi.
“Hồi đầu vụ thương lái trả 15.000 đồng/kg cau cành tươi mà tôi ngỡ mình nghe nhầm. Ai đời 1 kg cau bằng 2,5 kg lúa”, bà Hương bộc bạch.
Không chỉ ông Dụng, bà Hương mà vụ cau năm nay, người trồng cau trong tỉnh rất vui vì giá mặt hàng này đột ngột tăng cao, dao động từ 10.000 – 18.000 đồng/kg.
Thậm chí hồi đầu vụ, cau cành tươi có giá 20.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
“Giá cau cao vì Trung Quốc nhập khẩu mạnh”
Đó là khẳng định của anh Nguyễn Hữu Thắng, xã Long Hiệp (Minh Long), một trong 3 chủ cơ sở sơ chế cau để xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất tỉnh.
Theo lời anh Thắng thì, sau 2 năm (2012 – 2013) trầm lắng, thị trường cau bắt đầu sôi động trở lại từ cuối năm 2014.
Bước vào vụ cau năm 2015, nhu cầu nhập khẩu cau khô của Trung Quốc tăng mạnh, giá cau tươi vì thế cũng tăng liên tục.
Mỗi ngày, cơ sở của anh Thắng luôn có 20 lao động thường xuyên sơ chế, vận chuyển trên 10 tấn cau cành tươi để kịp cung cấp cho bạn hàng phía Trung Quốc.
Cùng với anh Thắng, hai cơ sở sơ chế cau bà Sáu, ông Dược (Tư Nghĩa) cũng tất bật, nhộn nhịp nhưng không kém phần lo lắng.
“Cau tươi được giá, nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, khiến thương lái bất chấp mua cả cau chưa đủ độ già”, bà Sáu lý giải. Thế nên để đảm bảo uy tín cũng như lợi ích của mình, bà Sáu cương quyết “nói không” với cau non.
Chia sẻ về thị trường cau sắp tới, cả anh Thắng, bà Sáu và ông Dược đều cho rằng, giá cau đã đạt đỉnh (20.000 đồng/kg) nên khó có khả năng tăng.
“Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì, mặt hàng này cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng vì phía Trung Quốc nhập khẩu cau để sản xuất kẹo.
Và sản phẩm này đang bán rất chạy, nên bạn hàng bên đó đã qua tận bên này để chuyển giao kỹ thuật sơ chế cau”, anh Thắng chia sẻ.
Cau đang được giá, tuy nhiên, theo khuyến cáo của chính quyền cũng như chủ các cơ sở sơ chế cau thì người dân không nên vì giá tăng cao mà ồ ạt trồng cau.
“Giá các mặt hàng nông sản phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Nếu cung vượt quá cầu sẽ xảy ra tình trạng ứ hàng, rớt giá”, ông Đàm Bàng-Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành lý giải.
Thế nên hiện giờ, Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành đã đề nghị các địa phương trong huyện kiểm soát chặt diện tích cây cau trên quan điểm “không khuyến khích người dân phá bỏ cũng như trồng mới cây cau”.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 19/6, UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn huyện đưa 415 ha diện tích mặt nước vào nuôi, trồng thủy hải sản. Trong đó, nuôi tôm trên cát khoảng 89,31 ha; nuôi cá nước ngọt 325 ha và 280 lồng cá. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 255 tấn (khai thác biển 233 tấn và khai thác sông đầm 22 tấn).
Việc trồng một vụ đậu nành thay cho lúa hè thu luân canh sau lúa đông xuân được ngành nông nghiệp khuyến khích vì có những lợi ích nhất định.
Hiện nay rau trên diện rộng đều là rau không sạch, rau không an toàn. Nguyên nhân có nhiều: Một là, dùng các thuốc trừ sâu quá độc hại, dùng quá liều lượng cho phép và dùng đến tận gần lúc thu hoạch. Hai là, nhiều thuốc trừ sâu ngoài danh mục cho phép (như các loại Lân hữu cơ, Clo hữu cơ) vẫn được nhập lậu từ Trung Quốc sang.
Trong số những bè nuôi cá ba sa, cá chình, cá lăng nha, cá chạch lấu… ở An Phú (An Giang), chỉ có một chủ bè thử nghiệm nuôi cá heo nhưng rất thành công và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mỗi năm, bè nuôi cá heo này thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, được Trạm Khuyến nông huyện theo dõi đánh giá và nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn.