Trăn trở với nghề nuôi trăn đất

Đoàn tham quan đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tham quan trang trại nuôi trăn đất của ông Dương Văn Nhu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hiệp Phát, ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy.
Theo đó, giá bán trăn đất loại 6kg/con chỉ được mua cao nhất với giá 150.000 đồng/kg (giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2014). Các loại khác cũng giảm nhẹ.
Cụ thể, trăn có trọng lượng 10kg/con được bán 165.000 đồng/kg, từ 40-80kg/con (loại đẹp) giá dao động từ 320.000-340.000 đồng/kg.
Nhiều hộ nuôi lâu năm nhận định, nguyên nhân giá trăn đất xuống thấp do không tìm được đầu ra ổn định hay hợp đồng bao tiêu cho sản phẩm.
Mặt khác khi thực hiện giao dịch mua bán loại động vật hoang dã này phải qua nhiều trung gian nên người nuôi thường xuyên bị thương lái ép giá, nhất là trường hợp nuôi với số lượng ít.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, đã gặp phải tình trạng này cách đây 2 tháng. “Mình nuôi nhỏ lẻ rất khó bán, chủ yếu là gọi điện thoại cho thương lái tại địa phương đến thu mua
. Nhưng lần nào cũng bị chê da xấu rồi cò kè trả giá xuống thấp.
Đợt rồi tôi bán trăn loại 6kg/con giá 140.000 đồng/kg, rẻ hơn giá bên ngoài 10.000 đồng/kg”, chị Vân chia sẻ.
Không chỉ người nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn ở khâu giá cả, mà các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tập trung như Hợp tác xã chăn nuôi Hiệp Phát, ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, cũng đối mặt không ít trở ngại trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể như trường hợp của anh Nguyễn Lâm, ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy. Để chủ động tạo ra sản phẩm đẹp, ngay từ khâu chọn giống anh đã phải cẩn thận lựa chọn từng con non có khoảng cách vảy trên da đều nhau, sức ăn mạnh…
Bởi theo anh, đây là tiêu chí để thương lái quyết định giá thành khi mua.
Nhưng khi được hỏi về đầu ra hiện tại, anh Lâm thở dài trăn trở: “Năm nay trăn 6kg/con là giảm mạnh nhất. Tôi cũng đang chờ xem thời gian tới giá cả có tiến triển chút nào không, chứ tình hình này thấy khó ăn lắm.
Chắc kế hoạch tăng đàn của tôi đành phải bỏ lửng”.
Bên cạnh vấn đề về giá, không ít hộ nuôi trăn đất ở thị xã Ngã Bảy trăn trở khâu xuất hàng và vận chuyển, bởi cần phải đăng ký nhiều thủ tục rườm rà.
Ông Dương Văn Nhu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hiệp Phát, ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, luôn trăn trở:
“Để bán trăn đất sang các tỉnh khác, chúng tôi cần có giấy chứng nhận vận chuyển đặc biệt do Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp thì mới xuất hàng và chuyển đi được; nhưng thời hạn giấy này chỉ có 2 ngày thôi, tôi thấy hơi cập rập
. Mong muốn của người nuôi trăn chúng tôi là được đơn giản hóa thủ tục, để việc xuất bán, vận chuyển dễ dàng hơn.
Nếu được đăng ký giấy vận chuyển đặc biệt tại địa phương thì còn gì bằng”, ông Nhu kỳ vọng.
Trong khi tổng đàn trăn đất ở xã Hiệp Lợi đã gần 12.000 con, thì hiện nay trên địa bàn thị xã Ngã Bảy chỉ có một điểm thu mua.
Theo chính quyền địa phương, thời gian qua người nuôi phải tự tìm đầu ra để xuất bán, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những hộ nuôi ít. N
hằm tháo gỡ vướng mắc trên, ngành chức năng địa phương đã đưa ra giải pháp tạm thời giúp bà con an tâm hơn.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để việc chăn nuôi của bà con được thuận lợi.
Riêng về thủ tục, địa phương có phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh để đơn giản hóa giấy tờ cho người chăn nuôi.
Cụ thể là đối với hoạt động vận chuyển, mua bán trăn đất trong địa bàn thị xã Ngã Bảy sẽ được sử dụng cùng một loại hợp đồng giao ước để khỏi phải nhọc nhằn qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp “chữa cháy”.
Nếu vận chuyển ra ngoài tỉnh thì bắt buộc phải đảm bảo giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật”.
Đáng kể là ngành chức năng thị xã Ngã Bảy đang tăng cường các hoạt động liên kết với những điểm thu mua ở thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh… nhằm góp phần tìm nơi tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.
Đây là tín hiệu vui đối với những người nuôi trăn ở vùng đất Bảy Ngã trước thực trạng đầu ra bấp bênh như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Hoàng Phi ở ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang đã sáng chế và ứng dụng thành công máy phun thuốc điều khiển từ xa và tự động cuộn dây trên đồng. Chiếc máy đoạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2012 và anh đã ra Hà Nội tham gia chương trình Nhà sáng chế trên VTV2 vào cuối tháng 3/2013 vừa qua.

Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.

Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.