Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệp định TPP sẽ thúc ép Việt Nam đổi mới mạnh mẽ hơn

Hiệp định TPP sẽ thúc ép Việt Nam đổi mới mạnh mẽ hơn
Ngày đăng: 12/10/2015

Ngay sau khi đàm phán Hiệp định TPP hoàn thành, phóng viên VOV.VN tham vấn ý kiến một số chuyên gia kinh tế về những thời cơ và thách thức mà TPP có thể mang đến cho nền kinh tế Việt Nam.

Các chuyên gia khẳng định họ không bất ngờ với kết quả này, vấn đề họ quan tâm hơn là Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều để có thể gặt hái thành quả từ thời cơ TPP mang lại, và đối mặt, vượt qua thách thức từ TPP.

TPP giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu

TS.Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hạch và Đầu tư) không bất ngờ với kết quả đàm phán TPP.

Ông đánh giá: Nếu so sánh tương quan giữa cơ hội và thách thức thì cơ hội mà TPP mang lại nhiều hơn. “Cơ hội cũng đã nói đến nhiều nhưng điều tôi lo lắng nhất là sự chuẩn bị của Việt Nam để đón nhận cơ hội đó”- ông Hồ nhấn mạnh.

Dệt may Việt Nam sẽ là lĩnh vực có lợi thế nhiều nhất khi vào TPP

Theo phân tích của ông Hồ, nông sản, dệt may Việt Nam sẽ là lĩnh vực có lợi thế nhiều nhất.

Nhưng đó là những cơ hội tiềm năng và không thể biến thành hiện thực ngay trong 1- 2 năm tới. Trong khi đó, “Việt Nam phải đương đầu, chống chọi với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ.

Đây là trận tuyến thương trường sẽ rất khốc liệt”.

Dẫn ví dụ cụ thể trường hợp ngành chăn nuôi thịt, ông Hồ cho hay: Khi hội nhập, chăn nuôi thịt của nước ta không còn hi vọng.

Đến ngay cả doanh nghiệp lớn như Vinamilk cũng rất đáng lo vì họ đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Khi sữa của Australia tràn vào thị trường nước ta, chắc chắn sản phẩm sẽ rẻ hơn rất nhiều và sản phẩm “made in Vietnam” phải cạnh tranh ngay trên ‘sân nhà’.

Bên cạnh đó, sản phẩm trái cây nước ta cũng sẽ chịu áp lực rất lớn từ sản phẩm nhập khẩu.

Cũng vui niềm vui TPP đàm phán thành công TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá cao việc kết thúc đàm phán khó khăn qua nhiều năm và đặc biệt là nỗ lực của Việt Nam kiên trì thực hiện quá trình đàm phán đi đến kết thúc.

“Hiệp định này là một bước tiến quan trọng, mở ra cho Việt Nam rất nhiều cơ hội cũng như thách thức sắp tới”- TS.Doanh nói.

Chỉ rõ lợi thế của nước ta tham gia TPP, TS.Doanh cho hay:

Việt Nam là nước kém phát triển nhất, cơ cấu kinh tế của Việt Nam khác các nước khác, trình độ cũng khác nên nền kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế tham gia TPP sẽ bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh nhau.

Đây là khác biệt lớn khi Việt Nam tham gia ASEAN cũng như khi tham gia Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) do Trung Quốc hiện nay đang thúc đẩy.

Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ được mở rộng thị trường xuất khẩu

. Đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản với các sản phẩm như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ và các mặt hàng nông sản. Hơn nữa, Nhật Bản cũng rất muốn hợp tác với Việt Nam trong sản xuất rau quả tươi, cá và các sản phẩm khác.

Đó là những tín hiệu đáng mừng của Việt Nam. Dự báo, Việt Nam sẽ thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng GDP cao hơn, có thể đạt khoảng 35 tỷ USD, mức tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm sắp tới.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cũng đánh giá rất tích cực về TPP đối với Việt Nam:

“Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép.

Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020”.

TPP tạo ra sức ép để Việt Nam đổi mới

Quan điểm rằng Việt Nam phải chủ động để đón cơ hội, ông Phạm Hồng Hải bình luận: TPP mang đến nhiều cơ hội, nhưng “phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này.

TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”.

Khẳng định TPP cũng đặt ra rất nhiều thách thức, điều TS.Lê Đăng Doanh lo lắng là:

TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết ở trình độ cao đòi hỏi Việt Nam phải phấn đấu mới có thể đạt được.

Việt Nam phải cải cách nhiều luật pháp, cải cách mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các điều kiện về lao động, nâng cao trình độ….

Theo TS.Doanh, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn khi TPP được ký kết. Bởi ngay từ bây giờ, gà Mỹ giá rẻ đã tràn vào Việt Nam.

Để có thể cạnh tranh, Việt Nam phải cơ cấu lại nông nghiệp, tổ chức lại lĩnh vực chăn nuôi, giảm bớt chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng.

Còn TS.Lưu Bích Hồ thì cho rằng: Để khai thác được cơ hội thì phải giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề hàng đầu là nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Rồi lo làm tốt vấn đề xuất xứ hàng hóa. Hiện nay, nhiều hàng hóa có nguyên vật liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong TPP.

Vấn đề quan trọng nhất với Việt Nam đối với TPP, theo ông Hồ, là “TPP tạo ra sức ép để Việt Nam đổi mới, cạnh tranh nhanh hơn.

Có đổi mới, cải cách nhanh hơn, môi trường đầu tư kinh doanh mới có thể tiến lên”. Cho nên, muốn “gặt” thành quả, ông Hồ khuyến cáo, riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước của ta phải tăng tốc cổ phần hóa.

Nếu doanh nghiệp nào cổ phần hóa rồi thì phải đổi mới quản trị. Còn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hồ nhấn mạnh: “đối tượng này tôi lo lắng nhất vì năng lực yếu.

Đội ngũ này cần phải nhanh chóng chú ý tới những yêu cầu mới của TPP đặt ra, tính toán lại chiến lược sản xuất, kinh doanh cho phù hợp”.

TPP là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...

Với các kết quả đàm phán đã đạt được, Hiệp định TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định.

Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP;

Tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh;

Thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình;

Xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai;

Tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước;

Mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.


Có thể bạn quan tâm

Phá quýt trồng gừng Phá quýt trồng gừng

Thời gian gần đây, giá gừng liên tục tăng giúp nông dân có thu nhập cao, vì thế nhiều diện tích quýt đã bị đốn bỏ để chuyển sang trồng gừng.

06/05/2015
Giá chanh không hạt tăng cao Giá chanh không hạt tăng cao

Hiện mức giá thu mua tại vườn dao động từ 30.000-33.000đ/kg, tăng từ 5.000-6.000đ/kg so với cùng kỳ năm trước.

06/05/2015
Rau màu nhà lưới giá bán cao Rau màu nhà lưới giá bán cao

Lợi nhuận bình quân của 2 nhà lưới hiệu quả nhất ở Phú Mỹ và Tân Trung từ 8-10 triệu/1.000m2/vụ.

06/05/2015
Phú Yên có thêm 8 tàu được vay vốn Phú Yên có thêm 8 tàu được vay vốn

Trong đó 2 chủ tàu được vay vốn đóng mới tàu vỏ gỗ có công suất 800CV, 1 chủ tàu vay vốn nâng cấp tàu và 5 chủ tàu vay vốn lưu động với tổng số tiền 26,1 tỉ đồng.

06/05/2015
Dân chặt cao su trồng keo Dân chặt cao su trồng keo

Giá mủ xuống thấp đã khiến hàng nghìn hộ dân ở Bình Thành, Bình Điền (thị xã Hương Trà, TT-Huế) ồ ạt chặt cây cao su, trồng cây keo với hy vọng mang lại giá trị kinh tế hơn.

06/05/2015