Hiệu quả từ sản xuất nấm
Chu kỳ sản xuất ngắn, chỉ 15 đến 20 ngày kể từ khi cấy giống là có thu hoạch, diện tích nhỏ tạo ra giá trị lớn, tận dụng được lao động nông nhàn, sản xuất nấm đã và đang là hoạt động kinh tế hiệu quả được nhiều nông hộ triển khai.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 328 hộ trồng nấm ăn, nấm dược liệu, mỗi năm thu hoạch gần 200 tấn, trị giá 6,5 - 7 tỷ đồng.
Hoạt động kinh tế này đã được Sở NN&PTNT đưa vào kế hoạch sản xuất hằng năm.
Trong phạm vi 400m2 tại tổ 153 phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), cơ sở sản xuất nấm của bà Hồ Thị Tuyết Hạnh, mỗi năm thu hoạch 15 tấn nấm thương phẩm.
Với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, tổng doanh thu trên dưới 400 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi ròng 120 - 150 triệu đồng.
Bà Hạnh cho biết: Sản xuất nấm sò không khó nhưng phải nắm rõ kỹ thuật.
Nguyên liệu dùng sản xuất loại nấm này là bột cưa cây cao su mua từ Tây Nguyên về.
Sau khi hấp sấy cẩn thận, đóng thành bịch và cấy giống.
Các bịch nấm đã cấy giống treo từng dây lơ lửng giữa nhà, nơi nhiệt độ luôn duy trì từ 26 - 300C.
Để có nấm tiêu thụ thường xuyên, cơ sở sản xuất theo kiểu gối đầu, mỗi đợt 4.000 - 5.000 bịch cách nhau 7 - 10 ngày.
Thường thì 20 ngày kể từ khi cấy giống là có nấm thu hoạch.
Thời gian tiếp theo chỉ việc chăm sóc, nấm cứ thế mọc ra bên thành bịch, thu hơn 2 tháng mới xả.
Bà Hạnh cho biết: Ăn thua trong sản xuất loại nông sản này là cấy giống và chăm sóc để thu hoạch nhiều vào dịp mồng một và ngày rằm hằng tháng.
Ngày thường giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg, nhưng ngày rằm, mồng một giá tăng gấp rưỡi và luôn hút hàng.
Lâu nay, ngoài sản xuất tại chỗ, cơ sở còn cung cấp hàng vạn bịch nấm đã cấy giống cho các nông hộ có nhu cầu.
Đầu tư lắp đặt giàn phun sương, ít bị hư hỏng do thời tiết, trồng nấm ăn đang là hoạt động kinh tế hái ra tiền.
Trên khu vực sản xuất rộng 5.200m2, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh, quận Thanh Khê tổ chức sản xuất nấm sò, hằng ngày đưa ra thị trường 150 - 170kg nấm sò tiêu thụ.
Ngoài việc tiêu thụ nấm tươi, HTX chế biến thành các sản phẩm có giá trị như nấm muối rim ăn liền, nấm muối đóng hộp...
Từ hoạt động kinh tế hiệu quả này, HTX đã đào tạo nghề cho hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn thành phố và cung cấp bịch nấm cho bà con trong khu vực.
Anh Nguyễn Văn Nhi, ở tổ 2, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, nhiều năm sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu đã vươn lên làm giàu.
Hiện tại, trong 3 nhà với tổng diện tích 400m2, anh Nhi vừa sản xuất nầm sò tím, sò trắng vừa trồng nấm linh chi.
Được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố đào tạo nghề 2 tháng, huyện Hòa vang hỗ trợ 25 triệu đồng, anh Nhi càng say mê với nghề sản xuất nấm, đầu tư lắp đặt giàn phun sương.
Hơn một năm nay, ngày nào cơ sở của anh cũng đưa ra thị trường 40 - 50kg nấm sò thành phẩm.
Với nấm linh chi, sau khi tiếp nhận kỹ thuật từ Trung tâm Công nghệ sinh học, anh Nhi đã nâng năng suất lên 18 - 25kg nấm thành phẩm/1 tấn nguyên liệu.
Từ đầu năm đến nay, khi sử dụng hết 7 tấn nguyên liệu, anh thu hơn 100kg nấm thương phẩm.
Ở Đà Nẵng, sản xuất nấm rất thuận lợi do thị trường rộng lớn.
Khi ngành nông nghiệp đưa sản xuất nấm vào kế hoạch hằng năm, chắc chắn hoạt động kinh tế này cùng lúc đem lại nhiều lợi ích, vừa làm ra của cải cho xã hội vừa tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Bà Nguyễn Thị Chi, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng tâm sự, tình cờ bà đọc được thông tin trên báo chí giới thiệu mô hình nuôi chim bồ câu ở TPHCM rất hiệu quả. Năm 2006 hai vợ chồng bà lặn lội về tận nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua được 10 cặp chim bố mẹ về nuôi thử.
Ông Lê Hồng Đức - Chủ tịch Hiệp Hội thủy sản huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại.
Đầu năm 2013, cùng với các huyện: Vĩnh Lộc, Triệu Sơn và Thiệu Hóa, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học tại 2 xã là Định Tường và Định Liên với hơn 3.500 con giống và hơn 20 hộ gia đình tham gia nuôi thử.
Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 1.200 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 10.000 lao động, được tổ chức thành gần 170 tổ đoàn kết sản xuất an toàn trên biển. Các tổ đoàn kết trên cơ sở quan hệ gia đình, bạn bè, cùng khai thác trên 1 ngư trường và giúp nhau tìm kiếm, cứu nạn.
Mới đây, khi về thăm làng nuôi gấu nổi tiếng miền Bắc là Phụng Thượng (Phúc Thọ - Hà Nội), chúng tôi gặp bà Khuất Thị Lộc, 66 tuổi, ở khu 5, thị trấn Gạch, người đang “ôm” tới 7 con gấu ngựa, mới vỡ lẽ việc chăn nuôi các loài “đặc sản” của bà con nông dân hiện nay đang trong giai đoạn “lên bờ xuống ruộng”.