Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Chôm Chôm Thái
Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã đầu tư trồng cây chôm chôm Thái. Với đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, cây chôm chôm Thái đang trở thành một giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Năm 1998, ông Nguyễn Hữu Năng là một trong những người đầu tiên ở Khánh Sơn đưa cây chôm chôm Thái (từ miền Đông Nam bộ) về trồng tại xã Sơn Bình. Theo ông Năng, so với sầu riêng, chôm chôm là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và rất hợp với thổ nhưỡng ở Khánh Sơn.
Cây chôm chôm Thái có vòng đời sinh trưởng bình quân khoảng 30 năm, cây càng lâu năm thì năng suất càng cao. Sau khi thu hoạch, bà con cắt tỉa cành, bón vôi bột để diệt sâu, mối rồi bón tiếp 4 lần phân NPK cho đến khi thu hoạch vụ tiếp theo. “Đất ở Khánh Sơn trồng cây chôm chôm Thái năng suất rất cao. Theo đó, 1ha đất trồng được 90 cây, sau 4 - 5 năm đã cho cho thu hoạch vụ đầu tiên, từ vụ thứ 2 mỗi cây cho năng suất bình quân 2 tạ.
Thời điểm đầu mùa, thương lái mua với giá 15.000 đồng/kg, hiện nay tăng lên 16.000 đồng/kg (cao hơn năm ngoái 3.000 - 5.000 đồng/kg). Tính ra, 1ha chôm chôm Thái gia đình tôi thu được khoảng 270 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư phân bón, thuê nhân công mất khoảng 30%, còn lại thu lãi gần 200 triệu đồng”, ông Năng cho biết.
Theo người nông dân, so với nơi xuất xứ, chôm chôm Thái trồng ở Khánh Sơn cho thu hoạch muộn hơn trên 1 tháng. Do thời gian thu hoạch muộn, thị trường ít cạnh tranh hơn nên chôm chôm Khánh Sơn dễ tiêu thụ. Bên cạnh đó, do có thổ nhưỡng thích hợp, cây chôm chôm Thái trồng ở Khánh Sơn cho trái to, gai cứng, cùi giòn và ngọt, có thể bảo quản được 3 - 5 ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng, nhờ đó được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo anh Trần Thanh Tú, một hộ trồng chôm chôm Thái ở xã Sơn Bình, tuy năm nay sản lượng chôm chôm không bằng năm ngoái do ảnh hưởng thời tiết, nhưng vẫn được xem là được mùa, được giá. Việc tiêu thụ chôm chôm hiện nay cũng khá thuận lợi. Trong những ngày qua có khá đông thương lái đến tận vườn thu mua để chở đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Nam. Không như năm ngoái, đầu mùa bà con gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, đến giữa mùa mới có người mua.
Hiện nay, toàn xã Sơn Bình đã phát triển được khoảng 20ha chôm chôm Thái. Do hiệu quả kinh tế cao nên năm 2013, người dân trồng thêm khoảng 10ha cây con. Ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh cây sầu riêng đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, nhiều hộ tại Sơn Bình cũng đã chú trọng phát triển thêm diện tích cây chôm chôm Thái và cây măng cụt. Đến nay, các loại cây này đã khẳng định hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, việc phát triển cây chôm chôm Thái hay măng cụt tại Sơn Bình chỉ là việc làm tự phát của người dân. Ngành Nông nghiệp huyện chưa có kế hoạch, định hướng nào cho các loại cây ăn quả này nên việc mua cây giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc đều do bà con nông dân tự tìm tòi, học hỏi. Mặt khác, vấn đề tiêu thụ sản phẩm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, hoặc một số ít hộ có điều kiện thì vận chuyển đi tiêu thụ nên thị trường đầu ra vẫn còn tiềm ẩn nhiều bấp bênh”.
Thời gian tới, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn cần sớm có định hướng phát triển cây chôm chôm Thái, kể cả măng cụt, nhằm hạn chế những rủi do khi người dân sản xuất tự phát, góp phần đưa các giống cây trồng chủ lực trở thành cây giảm nghèo, làm giàu bền vững tại xã Sơn Bình nói riêng và huyện Khánh Sơn nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Ban Quản lý dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển Chương trình khí sinh học (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) phối hợp với đơn vị chuyên môn thực hiện mô hình hỗ trợ chứng nhận sản phẩm an toàn đối với vải thiều.
Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (gọi tắt là Công ty Trúc Anh), Doanh nghiệp tư nhân tôm giống Dương Hùng (gọi tắt là DNTN Dương Hùng) đầu tư, hỗ trợ và xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học (ATSH), nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật và xây dựng mô hình để nhân rộng ra cho nông dân học tập kinh nghiệm.
Anh Lê Tuấn Anh 39 tuổi, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng đu đủ cho thu nhập cao.
Đến các xã vùng cao của huyện Hà Quảng, nhận ra những nét mới ở nơi đây. Ý thức vệ sinh môi trường của bà con các dân tộc vùng cao đã có nhiều chuyển biến, chuồng trại nuôi trâu, bò được che chắn cẩn thận, láng xi măng sạch sẽ, gia súc được di dời ra khỏi gầm sàn nhà ở đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo tiền đề cho huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngày 24/1, tại xã Bá xuyên, Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với Phòng Kinh tế T.X Sông Công (Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất khoai tây vụ đông 2012 nhằm đánh giá năng suất, chất lượng của giống khoai tây Solara, nhập khẩu từ nước Cộng hòa Liên bang Đức.