Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt
Ngày đăng: 09/01/2013

Sau hơn 7 tháng thả nuôi, đến nay mô hình nuôi cá nước ngọt của hộ ông Bùi Tá Lợi ở xã Nghĩa Kỳ và hộ ông Nguyễn Điều ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã đem lại kết quả. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ giải quyết cho nhiều diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả trong sản xuất của địa phương.

Ruộng đất có nhiều nhưng lại nằm trong vùng trũng, không thuận lợi cho việc trồng lúa nên sau nhiều năm trồng lúa kém hiệu quả, ông Nguyễn Điều ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng đã quyết định "dồn điền, đổi thửa" nhằm tìm kiếm một hướng đi mới. Với diện tích mặt hồ trên 1000 m2, ông Điều thả 2.000 con cá trắm cỏ. Để tận dụng lượng phân thải của cá trắm cỏ và nguồn thức ăn ở tất cả các tầng trong một diện tích nuôi, ông Điều còn thả nuôi thêm nhiều loại cá khác như: Cá mè trắng, cá chép hồng, rô phi, cá trôi…

Bắt đầu thả nuôi từ tháng 4/2012, đến nay số lượng cá sống đạt 85%. Trong đó, cá trắm cỏ có trọng lượng bình quân trên 1 kg/con. Các loại cá khác có trọng lượng từ 0,4 - 0,5 kg/con. Hiện nay, cá trắm cỏ có giá 40.000 đồng/kg; cá trôi, cá rô phi, cá chép 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Điều thu lãi khoảng 44 triệu đồng (chưa tính đến sự hỗ trợ của Nhà nước cho gia đình về giống và vật tư là 11 triệu đồng).

Ông Điều cho biết: "Cá trắm cỏ là loại cá dễ nuôi. Ngoài thức ăn tổng hợp dạng viên có sẵn, ông còn tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp như: Rau, cỏ, bèo, lá mì… để làm thức ăn bổ sung cho cá, nhằm giảm bớt chi phí". Theo ông Điều, so với trồng lúa, nuôi cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Người nuôi có thể tranh thủ thời gian nông nhàn. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút để cho cá ăn (vào buổi sáng và buổi chiều).

Còn ông Bùi Tá Lợi (ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ) thì lại chọn loại cá thác lác cườm để nuôi. Với diện tích 500m2, ông Lợi thả 2.500 con cá thác lác cườm. Sau hơn 7 tháng nuôi, tỉ lệ sống trên 70%. Đây là loại cá mới đối với người nuôi, lại có giá trị kinh tế cao. Dựa vào lợi thế ao nuôi gần chợ nên hằng ngày ông Lợi có thể cung cấp đủ nguồn thức ăn tươi cho cá.

Ông Lợi chia sẻ: "So với một số loại cá nước ngọt khác thì hiện nay cá thác lác cườm có giá trị cao hơn. Nguồn thức ăn của cá chủ yếu là cá con tươi. Mặt khác, đây là loại cá có hình dáng đẹp nên nhiều người mua về làm cảnh. Sắp đến Tết Nguyên đán nên số lượng người mua về làm cảnh tăng vọt, lại bán được với giá cao hơn rất nhiều so với cá thương phẩm". Hiện tại ông Lợi đã bán được hơn 200 con cá thác lác cườm, trọng lượng từ 3 - 5 gram/con. Trung bình mỗi con có giá từ 100 - 200 ngàn đồng. Trong khi giá cá thương phẩm là 70.000 đồng/kg.

Ông Phạm Đăng Đồng - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa cho biết: Hiện nay có nhiều diện tích trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả, người dân chỉ có thể canh tác một vụ nhưng cũng không mấy "mặn mà", bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Vì vậy việc "dồn điền, đổi thửa", tìm kiếm một hướng đi mới là cần thiết. Mô hình nuôi cá nước ngọt bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Cái khó nhất là việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, nếu bà con không thu hoạch đại trà như trước đây, mà thu hoạch tỉa trong thời gian kéo dài thì sẽ tiêu thụ dễ dàng. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục khuyến khích bà con nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Quảng Nam Được Mùa Hải Sản Quảng Nam Được Mùa Hải Sản

Sáu tháng đầu năm 2014, sản lượng hải sản ngư dân tỉnh Quảng Nam đánh bắt được tăng so với cùng kỳ, trong đó nghề đánh bắt xa bờ cho sản lượng cao đã giúp ngư dân có thêm nguồn lực đầu tư bám biển.

15/07/2014
Hậu Giang Triển Khai Dự Án Tiêm Vắc-Xin Phòng Bệnh Thận Mủ Trên Cá Tra Hậu Giang Triển Khai Dự Án Tiêm Vắc-Xin Phòng Bệnh Thận Mủ Trên Cá Tra

Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3,5 tỉ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ cho dân trên 157 triệu đồng, bao gồm 100% chi phí tiêm vắc-xin, 20% con giống và 1 cuộc tập huấn; còn lại là vốn đối ứng của dân hơn 3,36 tỉ đồng.

15/07/2014
Trăn Trở Nghề Nuôi Tôm Ở Bạc Liêu Trăn Trở Nghề Nuôi Tôm Ở Bạc Liêu

Tỉnh Bạc Liêu hiện có diện tích nuôi tôm gần 130 nghìn ha, lớn thứ hai ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Sản lượng tôm chất lượng cao của tỉnh đạt hơn 100 nghìn tấn/năm, chiếm gần một phần tư sản lượng tôm chất lượng cao của cả nước. Nuôi tôm đã và đang thật sự là thế mạnh kinh tế của địa phương.

15/07/2014
Bài Học Từ Công Tác Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm Đầu Năm 2014 Bài Học Từ Công Tác Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm Đầu Năm 2014

Hơn 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre không xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên đầu năm 2014, dịch bệnh xảy ra và bùng phát mạnh ở huyện Mỏ Cày Nam, đầu tiên là xã Cẩm Sơn sau đó là 3 xã An Thới, Định Thủy và An Định. Vì sao dịch bùng phát trở lại và ngành thú y đã làm gì để khống chế hiệu quả?

15/07/2014
Mua Xương Bán Thịt Mua Xương Bán Thịt

Thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Trương Văn Thơ ở tổ dân phố 3, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ), tận mắt chứng kiến sự chăm sóc tận tụy của anh, mới hiểu con bò bây giờ đã thực sự trở thành thứ tài sản quý giá với người nông dân.

15/07/2014