Hiệu Quả Từ Khai Thác Thủy Sản Ở Bạc Liêu
Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2013, ngư dân tỉnh Bạc Liêu đã khai thác gần 20.000 tấn thủy sản các loại, trong đó tôm đạt gần 2.800 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác như cá và mực. Hiện tại, dù giá thủy sản không tăng so với năm trước, nhưng hầu hết ngư dân đều có lãi sau mỗi chuyến biển vì đạt sản lượng. Cụ thể, đối với tàu lưới lãi từ 1 - 3 triệu đồng/ngày, nghề lưới cá chim lãi từ 12 - 17 triệu đồng/chuyến/5 - 6 ngày; nghề lưới tôm thẻ lãi 6 - 10 triệu đồng/chuyến; nghề lưới cá chét lãi từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến/ 3 - 4 ngày… Riêng tàu đánh bắt xa bờ, lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/chuyến đi biển từ 1 - 3 tháng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển vận động ngư dân chuyển đổi nghề và nâng cấp công suất tàu để khai thác, đánh bắt cho phù hợp với thời vụ. Khuyến cáo ngư dân chủ động dự báo tình hình ngư trường khai thác nhằm nâng cao hoạt động đánh bắt trên biển. Các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê, nắm lại chủ tàu, phương tiện hoạt động yếu kém, gặp khó khăn nhằm có chính sách hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp phương tiện, ngư lưới cụ để sớm ra khơi hoạt động, ổn định cuộc sống.
Tỉnh Bạc Liêu có hơn 1.200 tàu khai thác đánh bắt trên biển, trong đó có khoảng 30% tàu có công suất trên 90 CV, đủ điều kiện đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển. Điều đáng phấn khởi hơn, với số lượng tàu hoạt động thường xuyên trên biển, đạt sản lượng khá trong thời gian qua, không chỉ giúp cải thiện đời sống kinh tế ngư dân, mà còn góp phần cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đang thiếu nguyên liệu trầm trọng hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ tính riêng năm 2012, toàn thành phố Hà Nội đã có 24 HTX mới thành lập chuyên sản xuất rau an toàn (RAT), đưa số HTX nông nghiệp sản xuất RAT lên trên 100 HTX. Tuy nhiên, khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như phát huy được vai trò "bà đỡ" của các HTX là đầu ra cho sản phẩm hiện vẫn hết sức khó khăn...
Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi, ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.
Để đạt được những mục tiêu gieo cấy 5.100 ha lúa, năng suất 55 tạ/ha, huyện Yên Phong chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch.
Năm 2012, lần đầu tiên huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đưa mô hình nuôi cá lồng bè vào nuôi thí điểm tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Tân). Mô hình này đã thành công và đang được nhân rộng, đem lại hướng sinh kế mới cho người dân bị mất đất vùng thủy điện.
Theo Phòng NN&PTNT thôn huyện Thanh Hà (Hải Dương), năm nay vải thiều sẽ bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 15-6 đến 15-7, muộn hơn năm ngoái 10 ngày.