Hiệu Quả Từ Dự Án Nuôi Bò

Dự án bò Heifer do Hội Nông dân (ND) Long An và Công ty Heifer triển khai tại huyện Thủ Thừa (Long An) đang mang lại những kết quả tích cực. Từ con bò giống mượn của dự án, nhiều hộ đã có tài sản tích lũy.
Sau khi thực hiện thành công Dự án “Cải thiện đời sống nông dân thông qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện theo mô hình Heifer” tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, năm 2011, Hội ND tỉnh Long An tiếp tục triển khai dự án tới 3 xã Mỹ An, Mỹ Thạnh, Bình Thạnh ở huyện Thủ Thừa.
Nông dân có tích lũy
Tại đây, dự án được thực hiện trên 8 nhóm, 193 thành viên với số lượng bò được trao cho các hộ là 200 con. Theo chương trình của dự án, bên cạnh việc cho mượn bò, các hộ còn nhận được nguồn vốn vay 2 triệu đồng để đầu tư sản xuất nhỏ, ngắn hạn, đồng thời được hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí làm chuồng trại, cỏ giống…
Theo Hội ND huyện Thủ Thừa, đến nay bò giống của dự án đang sinh sản lứa đầu tiên và đã có 50 con bê ra đời. Trong đó, 11 con bê ở xã Mỹ An đã được chuyển giao cho các hộ khác. Dự kiến đến cuối năm 2013, 15 con bê khác của dự án sẽ được chuyển giao tiếp.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Thủ Thừa cho biết, do những hộ nuôi bò được tập huấn tốt về kỹ thuật nên đàn bò sinh sản, phát triển rất tốt. Khi nhận bò về nuôi bà con rất phấn khởi nên hầu hết các hộ dân đều thực hiện đúng theo chương trình của dự án đưa ra. “Các con bò giống được các hộ nuôi đang trong giai đoạn sinh sản, nhiều con đã cho ra đời lứa bò đầu tiên. Các hộ nuôi bò bắt đầu có tích lũy nên rất phấn khởi”- ông Tài nói.
Hiệu quả tích cực từ dự án
Ông Lê Văn Cống (ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh cho biết, gia đình ông nhận bò giống về nuôi từ năm 2011, bò đã cho lứa đầu tiên là một con bê đực. Hiện, con bê đực mới hơn 1 tháng nhưng đã có giá khoảng 6 triệu đồng, nếu nuôi 9 tháng thì giá sẽ trên 12 triệu đồng. Theo ông Cống, mỗi năm bò đẻ ra 1 con là xem như người dân đã có vốn tích lũy.
Theo tính toán của chị Đoàn Thị Đẹp, trong vòng 2 năm tới nhà chị sẽ có thêm 2 con bê nữa, khi đó không những trả bò được cho dự án mà còn tích lũy được nguồn vốn cho gia đình.
Chị Đoàn Thị Đẹp, ấp Bình Lương 2, xã Bình Thạnh cho biết, con bò giống của gia đình đang mang thai, dự kiến đến tháng 10 tới sẽ đẻ lứa đầu tiên. Theo chị Đẹp, từ khi nhận bò về nuôi, gia đình chị chăm sóc rất tốt, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật và phối giống nhiều lần nhưng không thấy kết quả, cả nhà ai cũng lo lắng.
Nhưng rồi niềm vui cũng đến với gia đình chị khi con bò được phối giống thành công, và hiện nay đang mang thai tháng thứ 5. Theo tính toán của chị, trong vòng 2 năm tới nhà chị sẽ có thêm 2 con bê nữa, khi đó không những trả bò được cho dự án mà còn tích lũy được nguồn vốn cho gia đình.
Ông Phạm Minh Hùng- Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An cho biết, huyện Thủ Thừa được dự án cấp bò nhiều nhất tỉnh. Hiện dự án đang mang lại hiệu quả tích cực khi nhiều con bò giống đã được chuyển giao cho các hộ nghèo và cận nghèo khác nuôi bên cạnh các hộ nuôi ban đầu. Theo kế hoạch, đến năm 2015, tất cả các hộ tham gia dự án sẽ tăng thu nhập, cải thiện được điều kiện kinh tế của gia đình thông qua việc chăn nuôi bò và các hoạt động tăng gia sản xuất, bằng nguồn vốn của dự án hỗ trợ.
Liên quan đến việc xây dựng quỹ tiết kiệm nằm trong chương trình dự án, ông Hùng cho biết thêm các nhóm đã xây dựng được trên 94 triệu đồng. Trong đó có 84 hộ được vay với số tiền 84 triệu đồng. Qua đó tạo điều kiện các hộ làm thêm các dịch vụ khác, để lấy ngắn nuôi dài.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, tại những vùng đất gò đồi cao, đất ruộng thiếu nước, do trồng lúa xuân hè kém hiệu quả nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã thay thế trồng cây mè. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn được sự phát triển của một số dịch bệnh trên cây lúa cũng như hạn chế được việc bỏ đất hoang do thiếu nước vào mùa khô.

Từ tháng 6/2013, đề tài được triển khai nuôi thí điểm tại hộ ông Nguyễn Đức Nhi - ở xã Cam Thịnh Đông, với diện tích 4.000 m2, thả nuôi 400.000 con ốc hương giống và 4.000 con hải sâm. Sau 5 tháng rưỡi thả nuôi, trừ các khoản chi phí đầu tư, hộ nuôi còn lãi gần 256 triệu đồng.

Thẩm quyền công bố dịch bệnh thủy sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y. Trong trường hợp không công bố dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận về loại dịch bệnh thủy sản xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ.

Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ sau khi tham quan Cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp của doanh nghiệp tư nhân Tài Nguyên và nghe doanh nghiệp này báo cáo về Dự án đầu tư cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa vào ngày 5.8.

Mặc dù, năm nay, trên các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã thu hoạch được 70% tổng sản lượng, tôm sú đang thu hoạch, năng suất đạt khá cao song người dân nơi đây vẫn thấp thỏm lo âu và chưa mạnh dạn đầu tư ở vụ tới do đang là cao điểm của mùa mưa, bão.