Thả Cá Bổ Sung Nguồn Lợi Thủy Sản Nhân Lên Ý Thức Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Tại Các Thủy Vực
Dak Lak là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển về nuôi trồng thủy sản nước ngọt và khai thác thủy sản nội đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây việc khai thác quá mức bằng các công cụ hủy diệt và không theo mùa vụ đã dẫn đến nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên giảm mạnh.
Nguồn lợi thủy sản giảm mạnh
Dak Lak hiện có hơn 42.000 ha diện tích mặt nước, trong đó mặt nước lớn (trên 5 ha) là 21.500 ha, gồm các hồ tự nhiên, hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện; mặt nước nhỏ (nhỏ hơn 5 ha) là 3.000 ha, gồm đập dâng, ao gia đình; ruộng trũng có khả năng nuôi cá mùa vụ là 8.500 ha; sông suối lớn tổng diện tích mặt nước là 9.000 ha.
Theo đó, số loài cá trong tự nhiên rất phong phú với sản lượng khá lớn, có nhiều loài cá là đặc sản bản địa như: lăng đuôi đỏ, thát lát, sọc dưa, mõm trâu…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, từ năm 2010 đến nay, nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên suy giảm nghiêm trọng, sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 30% so với trước đây, cụ thể như tại hồ Lak, trước kia mỗi ngày người dân địa phương có thể đánh bắt từ 50 kg cá thát lát trở lên nhưng hiện nay chỉ khai thác được 10-15 kg/ngày, nguồn nguyên liệu làm chả cá chủ yếu lấy từ các huyện khác hoặc từ miền Tây.
Bên cạnh đó, kích cỡ của các đối tượng khai thác ngày càng nhỏ, số lượng cá nằm thuộc diện báo động trong sách đỏ của Việt Nam ngày càng tăng. Nếu trước năm 2010 chỉ có 2 loài là cá sấu siêm và sọc dưa thì đến nay đã tăng thêm 3 loài, gồm: cá còm, ngựa xám, cá chiên. Do sự suy giảm nguồn lợi nên số lượng người làm nghề khai thác cũng giảm nhiều hoặc chuyển đổi sang nghề khác.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do những người dân sống bằng nghề khai thác thủy sản quanh các thủy vực sông (hồ đa phần là dân nghèo, có thu nhập thấp) đã sử dụng những phương pháp đánh bắt bằng các ngư cụ hủy diệt và khai thác không theo mùa vụ, nhất là vào mùa sinh sản của cá trên các thủy vực.
Ngoài ra, việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên các dòng sông, nhất là sông Sê-rê-pốk cũng góp phần làm suy giảm nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, vì các loài cá bản địa ở hệ thống sông Mê Kông thường di chuyển lên đầu nguồn để sinh sản, nhưng các nhà máy thủy điện đã chặn dòng khiến cá không di chuyển đến đẻ trứng được.
Công tác quản lý Nhà nước về khai thác thủy sản còn yếu, nhất là cấp huyện và xã. Cụ thể, ở cấp xã - đơn vị được phép xử lý hành chính về đánh bắt cá bằng ngư cụ hủy diệt như kích điện, đánh bắt bằng mắt lưới nhỏ hoặc nổ mìn, sử dụng chất độc… nhưng đa số chưa làm kiên quyết do nể nang hoặc sợ phiền hà.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Trước thực trạng trên, từ năm 2010 đến nay, Chi cục Thủy sản đã khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn lợi tại các thủy vực; xác định hồ, đập và chủng loại giống thủy sản cần thả tái tạo để tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh tiến hành thả cá xuống các thủy vực nhằm bổ sung, tái tạo một số loài thủy sản bản địa đã suy giảm, đồng thời đa dạng các loài thủy sản và giúp cho cộng đồng sống bằng nghề đánh bắt cá tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.
Từ năm 2010 đến nay, Chi cục Thủy sản đã thả gần 1 triệu con bổ sung cho các thủy vực của các huyện, chủ yếu là cá bản địa như: thát lát, trắm cỏ, chép, mè, trôi, rô phi...
Đồng thời qua các đợt thả cá bổ sung, Chi cục Thủy sản cũng đã lồng ghép tuyên truyền các văn bản, quy định của Nhà nước về lĩnh vực thủy sản để cán bộ địa phương, trưởng các khu dân cư, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý hồ, đập và nhân dân sinh sống xung quanh địa điểm được thả cá tái tạo, cũng như các hộ dân làm nghề khai thác thủy sản tự nhiên hiểu và nghiêm túc thực hiện nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 năm thực hiện, theo đánh giá của các địa phương và phản hồi trực tiếp của người dân cho thấy, sản lượng đánh bắt ở các thủy vực đã tăng lên đáng kể, đặc biệt một số đối tượng cá như thát lát xuất hiện trở lại tương đối nhiều.
Điều quan trọng hơn là ý thức của người dân đã tăng lên, hạn chế sử dụng ngư cụ hủy diệt, không khai thác vào mùa sinh sản của cá. Trong đợt thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản năm 2014 tại xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, bà con đã tham gia thả cá khá đông, già Y Ble Niê, Trưởng buôn Ea Bông cho biết, đây là một hoạt động thiết thực nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ. Bà con trong buôn phấn khởi lắm và nhận thấy phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên theo đúng quy định.
Theo anh Nguyễn Bá Sơn, cán bộ Chi cục Thủy sản, hoạt động thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của ngành nông nghiệp trong việc phát triển nguồn lợi tự nhiên, mà đây còn là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn những loài cá bản địa quý hiếm Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên trong thời gian qua mới chỉ thực hiện ở một số thủy vực, chưa mở rộng được quy mô.
Để chương trình được tiếp tục triển khai có hiệu quả, tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để góp phần phát triển nguồn lợi thủy sản và tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho cho cộng đồng ngư dân.
Có thể bạn quan tâm
Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng phản đối quyết định cấm đánh bắt cá trên biển Đông của phía Trung Quốc và đề nghị sớm có biện pháp ngăn chặn, chấm dứt hành động trên.
4 tháng đầu năm ngư dân TP.Nha Trang khai thác được 11.200 tấn thủy sản, giảm 5% so cùng kỳ năm trước. Thời tiết trong tháng thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản. Tuy nhiên chi phí vật tư, giá xăng dầu tăng, giá bán hải sản giảm, không ổn định, chủ tàu giảm lợi nhuận, dẫn đến nhiều tàu cá nằm bờ.
Cuối năm 2014, Sở KH-CN chuyển giao cho Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao KH-CN huyện Phước Long (Bạc Liêu) đề tài “Thử nghiệm mô hình nuôi cá lóc đầu nhím trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp”. Sau khi tiếp nhận đề tài, Trung tâm đã triển khai cho 2 hộ trên địa bàn xã Vĩnh Thanh và thị trấn Phước Long thực hiện.
Với những ưu điển vượt trội như dễ nuôi, lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn khoảng 15% - 20% so với giống bò khác, bò BBB đang trở thành một hướng đi mới không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập mà còn làm tăng sản lượng thịt bò trên thị trường hiện nay, dần dần chủ động nguồn cung thịt bò trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Trong khi ngành chăn nuôi và thủy sản chịu tác động mạnh bởi diễn biến thị trường thì các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) gần như không hề hấn gì, thậm chí, mỗi ngày một mở rộng.