Hiệu Quả Từ Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Ở Huyện Thọ Xuân
Thọ Xuân là huyện nằm trong tốp đầu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh, với vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng và hiệu quả cao lên tới 6.500 ha, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha/năm; vùng mía có diện tích 3.526 ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 200.000 tấn; vùng cao su với diện tích gần 900 ha.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, từ năm 2010 đến 2013, huyện đã thực hiện chuyển đổi hơn 300 ha đất trồng mía, đất trồng sắn hiệu quả kinh tế thấp và đất rừng nghèo kiệt có độ dốc dưới 15 độ sang trồng cao su; thực hiện chuyển đổi 523 ha đất trồng lúa tại những khu vực khó tưới, kém năng suất sang trồng các loại cây rau màu giá trị cao, như: dưa chuột, cà chua, mướp đắng...
Riêng năm 2014, huyện đã thực hiện chuyển đổi 1.029 ha mía kém năng suất sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao, như: ngô dày dùng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi, ngô thương phẩm, ớt kim chỉ thiên xuất khẩu, bí xanh...
Trao đổi với hộ anh Nguyễn Hữu Vinh, xã Xuân Phú (Thọ Xuân) – hộ có 3 ha đất trồng mía kém năng suất được chuyển sang trồng ngô, chúng tôi được biết: Trước đây, gia đình anh có 3 ha đất trồng mía liên tiếp trong nhiều năm, làm cho đất bị bạc màu, năng suất thấp, thêm vào đó, những năm gần đây giá mía thấp, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi chuyển đổi từ cây mía sang trồng cây ngô, giá trị kinh tế đem lại cao hơn nhiều.
Theo tính toán của các hộ dân, đối với diện tích chuyển đổi sang trồng cây ngô dày dùng làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, mỗi năm trồng 3 vụ, nếu thâm canh tốt có thể bố trí trồng 4 vụ, mỗi vụ cho năng suất khoảng 35-40 tấn/ha, với giá bán 850-900.000 đồng/tấn, bà con nông dân thu về khoảng 29-35 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 24-30 triệu/ha/vụ.
Như vậy, với 1 ha trồng ngô dày, mỗi năm bà con nông dân thu lãi khoảng 80-100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 4 lần so với trồng mía trước đây.
Với những diện tích được chuyển sang trồng ngô thương phẩm lấy hạt của gia đình anh Vinh, 1 ha mỗi năm cho năng suất khoảng 17 tấn, với giá bán 7 triệu đồng/tấn, mỗi năm anh thu về khoảng 100-110 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 50-60 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2,5 đến 3 lần so với trước khi chưa chuyển đổi.
Cũng với diện tích đất trồng mía kém năng suất, nhưng gia đình chị Hoàng Thị Lý, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) lại chọn cây rau màu có giá trị như mướp đắng, cà chua, bí xanh vào thực hiện chuyển đổi. Sau một năm thực hiện chuyển đổi, theo tính toán của chị Lý, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều.
Do là vùng đất mía kém năng suất, nên 1 ha mía trước đây nếu chăm sóc tốt cũng chỉ lãi khoảng 30 triệu đồng/ha, nhưng sau khi chuyển sang trồng rau màu các loại thì với 1 ha gia đình chị thu lãi khoảng 90-110 triệu đồng mỗi năm.
Chị Lý chia sẻ thêm: Tuy làm rau màu vất vả, tốn công chăm sóc hơn các loại cây trồng khác, song gia đình chị lại có thu nhập ổn định trong cả năm.
Trao đổi với đồng chí Đỗ Thị Loan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân về định hướng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện trong thời gian tới, chúng tôi được biết: Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế cho bà con nông dân, huyện đang tiếp tục cho rà soát, quy hoạch lại những diện tích đất lúa, đất mía kém năng suất chuyển sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp với nhu cầu thị trường, cho giá trị kinh tế cao hơn.
Cùng với việc ổn định vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 6.500 ha ở 37 xã, xây dựng vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao trên 1.900 ha ở 9 xã, điều chỉnh quy hoạch vùng trồng mía tập trung 2.000 ha ở 15 xã bán sơn địa, huyện Thọ Xuân dự kiến đến năm 2020, sẽ chuyển đổi khoảng 1.500 ha đất mía và 1.200 ha lúa kém năng suất sang trồng các loại cây có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Tuy mới chỉ được người dân xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du - Bắc Ninh) đưa vào trồng khoảng 7 đến 8 năm nay nhưng cây bưởi Diễn đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.
Khác với tâm trạng mong chờ, háo hức tới phiên chợ Tết như mọi năm, thời điểm này, nhiều người trồng chuối xanh ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội) tỏ ra buồn bã vì chuối mất mùa. Nguyên nhân là do cơn bão số 8 (10/2012) đã làm gãy, đổ phần lớn diện tích chuối trên địa bàn xã.
Dự án cạnh tranh nông nghiệp và Trung tâm Tư vấn - phát triển công nghệ Nha Hố đã đầu tư 1,7 tỉ đồng cho 750 nông hộ xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải - Ninh Thuận) và phường Văn Hải (T.p Phan Rang Tháp Chàm) nhằm mở rộng 50 ha diện tích trồng tỏi an toàn trong vụ đông xuân 2012 – 2013.
Giá củ hành tím ở Sóc Trăng đã tăng trở lại và đang ngập ngừng ở mức 15.000 đồng/kg khiến một số nhà rẫy đang trong tâm trạng phập phồng càng nôn nao hơn. Bởi trước đó không lâu, từ tháng 10 âm lịch, giá hành đầu mùa bỗng nhảy lên 25.000 đồng/kg rồi lao dốc mạnh đã khiến người dân trồng hành đặc sản ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hụt hẫng.
Giá gà công nghiệp lại giảm mạnh sau gần hai tháng giữ ở mức giúp người chăn nuôi có lãi 500 – 1.000 đồng/kg. Hiện, gà công nghiệp bán tại trại chỉ còn 27.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 – 4.500 đồng/kg so với hồi đầu tháng, khiến cho người nuôi bị lỗ 3.000 đồng/kg.